Thị trường chứng khoán phiên 25/11 khởi động với tâm thế hứng khởi. Hàng loạt cổ phiếu trụ cột tăng giá ngay từ khi mở cửa và giúp kéo các chỉ số lên trên mốc tham chiếu, trong đó, VN-Index vượt qua được mốc 1.000 điểm.
Tuy nhiên, mốc điểm này tiếp tục chứng minh là “khó nhằn” khi lực bán liên tục xuất hiện tại đây và khiến VN-Index rung lắc. Về cuối phiên, tưởng chừng như VN-Index sẽ vượt được qua mốc 1.000 điểm bởi lực đỡ là rất lớn, tuy nhiên áp lực bán xuất hiện rất nhanh và kéo hàng loạt cổ phiếu lớn thu hẹp đà tăng cũng như điều chỉnh trở lại, chỉ số đại diện VN-Index vì vậy cũng đóng cửa dưới ngưỡng quan trọng này.
VIC, VCB, VPB, BID, GVR… đồng loạt tăng giá mạnh và góp công lớn trong việc giữ sắc xanh của 2 chỉ số chính VN-Index và HNX-Index. Chốt phiên, VIC tăng 1,5% lên 105.600 đồng/cp và thay thế VHM trong việc giữ nhịp thị trường. VCB tăng 1,2% lên 93.500 đồng/cp, GVR tăng 3,3% lên 18.900 đồng/cp, VPB tăng 4,1% lên 26.700 đồng/cp.
Ở chiều ngược lại, HPG chính là cổ phiếu gây áp lực nhiều nhất khi giảm đến 5,1% xuống 35.600 đồng/cp sau thông tin quỹ ngoại PENM III Germany GmbH & Co. KG (Đức) đăng ký bán toàn bộ 76,5 triệu cổ phiếu HPG. Do lo ngại từ thông tin này, HPG bị bán tháo và khối lượng khớp lệnh vọt lên mức gần 55,7 triệu cổ phiếu. Bên cạnh đó, các mã như ACV, BVH, FPT, HDB, VHM hay TCB… cũng chìm trong sắc đỏ.
Tại nhóm bất động sản, sự phân hóa vẫn diễn ra rõ nét. Trong đó, các cổ phiếu như VRC hay LHG được kéo lên mức giá trần. Các cổ phiếu bất động sản thanh khoản cao tăng mạnh còn có ASM (3,6%), KBC (2%), CII (1,7%), CEO (1,4%).
Tuy nhiên, cũng không ít các cổ phiếu bất động sản giảm sâu, trong đó có các mã đáng chú ý như PDR (-3,1%), NTL (-2,8%)…
Chốt phiên, VN-Index tăng 4,18 điểm (0,42%) lên 999,94 điểm. Toàn sàn có 205 mã tăng, 221 mã giảm và 71 mã đứng giá. HNX-Index tăng 0,51 điểm (0,35%) lên 148,09 điểm. Toàn sàn có 84 mã tăng, 67 mã giảm và 67 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,16 điểm (-0,24%) xuống 66,6 điểm.
Thanh khoản trên hai sàn giảm nhẹ so với phiên trước đó nhưng vẫn cao hơn mức trung bình 20 phiên với giá trị giao dịch đạt 12.132 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch 554 triệu cổ phiếu, trong đó giao dịch thỏa thuận chiếm 1.331 tỷ đồng. FLC và ITA vẫn là 2 cổ phiếu bất động sản nằm trong danh sách 10 mã khớp lệnh mạnh nhất thị trường với lần lượt 12 triệu cổ phiếu và 9,8 triệu cổ phiếu.
Khối ngoại là điểm trừ trong phiên 25/11 khi bán ròng trở lại 150 tỷ đồng. Trong danh sách 10 mã bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất có CII, KDH và VHM thuộc nhóm bất động sản.
Chiều ngược lại, VRE đứng đầu danh sách mua ròng với 56 tỷ đồng. Một cổ phiếu khác thuộc nhóm bất động sản cũng được mua ròng mạnh là HDG với 9 tỷ đồng.
Theo Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), VN-Index tăng điểm trong phiên thứ bảy liên tiếp với thanh khoản giảm nhẹ nhưng vẫn cao hơn mức trung bình 20 phiên cho thấy lực cầu mua lên bắt đầu có sự dè dặt nhất định khi VN-Index tiến sát ngưỡng 1.000 điểm. Trên biểu đồ kỹ thuật, VN-Index tiếp tục đi lên để hướng dần đến vùng kháng cự tiếp theo trong khoảng 1.000 - 1.030 điểm (đỉnh tháng 11/2019), áp lực bán trong vùng kháng cự này sẽ gia tăng và khiến thị trường rung lắc mạnh nên khả năng điều chỉnh trở lại trong thời gian tới là có thể xảy ra.
Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 tháng 12 phân kỳ với chỉ số cơ sở VN30 khi giảm trong phiên 25/11, qua đó chuyển basis dương xuống basis âm 0,63 điểm, cho thấy các nhà giao dịch đang thận trọng với xu hướng tăng hiện tại.
SHS dự báo VN-Index có thể sẽ tiếp tục diễn ra những rung lắc trước áp lực bán trên đường hướng đến kháng cự tâm lý quan trọng 1.000 điểm. Nhà đầu tư đang có tỷ trọng tiền mặt cao trong danh mục có thể mua vào nếu thị trường có nhịp test lại ngưỡng hỗ trợ gần nhất quanh 970 điểm (đỉnh tháng 10/2020). Nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục có thể canh chốt lời nếu thị trường tiến vào vùng kháng cự mạnh trong khoảng 1.000 - 1.030 điểm./.
Xem thêm: lmth.1834459036061-hnaht-tab-meid-0001-com-ahp-gnoc-xedni-nv-gnourt-iht-od-mhv-yaht-civ/nv.semitaer