Nghị định 126/2020 có hiệu lực từ 5.12 tiếp tục nhận thêm nhiều ý kiến băn khoăn về quản lý thuế, đặc biệt về nội dung địa điểm nộp hồ sơ khai thuế khiến doanh nghiệp sẽ ngại đầu tư ở các khu vực khó khăn do mang lại bất lợi về thuế. Bên cạnh đó, thay vì nộp thuế khoán theo mức khoán 3% thuế giá trị gia tăng (GTGT) và 1,5% thuế thu nhập cá nhân như hiện nay, theo Nghị định 126, mức thuế GTGT với xe công nghệ sẽ là 10% trên doanh thu. Mức tính thuế như vậy giữa lúc người lao động đang gặp khó khăn do dịch COVID-19 sẽ tác động mạnh đến những tài xế xe 2 bánh có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm.
Không khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển
Trao đổi với Lao Động, một chuyên gia pháp lý cho rằng, quy định hướng dẫn tại Nghị định 126 đang không đúng với nguyên tắc đưa ra tại Luật Thuế về nội dung địa điểm nộp hồ sơ khai thuế đối với đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh có thu nhập được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp.
Cụ thể, luật cho phép người nộp thuế hạch toán tập trung tại trụ sở chính đối với toàn bộ các đơn vị phụ thuộc, không phân biệt có được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp hay không. Tuy nhiên, Nghị định 126 yêu cầu doanh nghiệp kê khai và nộp thuế riêng đối với các đơn vị phụ thuộc được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp. Như vậy, hướng dẫn thi hành tại Nghị định 126 lại không đúng với nguyên tắc đưa ra tại văn bản cấp trên và các nguyên tắc thuế được áp dụng từ trước đến nay.
Ngoài ra, quy định tại Nghị định 126 tận thu và không khuyến khích doanh nghiệp phát triển mở rộng. Với cùng một hoạt động sản xuất kinh doanh (ví dụ trường học, bệnh viện), doanh nghiệp phải triển khai các cơ sở tại nhiều địa bàn trên cả nước để tăng khả năng tiếp cận khách hàng và hỗ trợ phát triển hệ thống dài hạn. Tùy vào giai đoạn phát triển của từng cơ sở và đặc điểm kinh tế của từng địa bàn mà các đơn vị trực thuộc có kết quả kinh doanh khác nhau.
Theo Nghị định 126, các đơn vị trực thuộc ở địa bàn khác trụ sở chính mà được hưởng ưu đãi thuế thì phải kê khai nộp thuế riêng, như vậy nếu lãi thì sẽ phải nộp thuế dù kết quả tổng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp lỗ. Như vậy là không hợp lý và không khuyến khích doanh nghiệp phát triển mở rộng.
Phân tích thêm về vấn đề này, một số chuyên gia tài chính cho rằng, quy định như trên sẽ không khuyến khích doanh nghiệp đầu tư để hỗ trợ sự phát triển chung của xã hội. Về nguyên tắc, quy định thuế khuyến khích việc đầu tư tại các địa bàn có điều kiện kinh tế khó khăn để phát triển xã hội bằng cách đưa ra ưu đãi thuế đối với các hoạt động kinh doanh tại các địa bàn này. Tuy nhiên, theo nội dung tại Nghị quyết 126 thì việc đầu tư tại các địa bàn này sẽ lại mang lại bất lợi về thuế cho các doanh nghiệp.
“Theo tôi nên sửa đổi để phù hợp với nguyên tắc đưa ra tại Khoản 3, Điều 42, Luật quản lý thuế số 38, như sau: Người nộp thuế thực hiện khai thuế, tính thuế tại cơ quan thuế địa phương có thẩm quyền nơi có trụ sở. Trường hợp người nộp thuế hạch toán tập trung tại trụ sở chính, có đơn vị phụ thuộc tại đơn vị hành chính cấp tỉnh khác nơi có trụ sở chính thì người nộp thuế khai thuế tại trụ sở chính và tính thuế, phân bổ nghĩa vụ thuế phải nộp theo từng địa phương nơi được hưởng nguồn thu ngân sách nhà nước” - vị chuyên gia này nói.
Tài xế xe công nghệ muốn bỏ vì thuế sắp tăng
Nghị định 126 gồm 9 chương, 44 điều quy định về các nội dung khai thuế, tính thuế; ấn định thuế; thời hạn nộp thuế, trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế; hoàn thuế, khoanh tiền thuế nợ, xoá nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt; trách nhiệm cung cấp thông tin, công khai thông tin người nộp thuế và trách nhiệm của ngân hàng thương mại; cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực thuế.
Theo điều 7 nghị định 126, tất cả đối tác tài xế công nghệ được xem là cá nhân hợp tác với tổ chức kinh doanh và phải chịu mức thuế GTGT 10% phát sinh trên tất cả các cuốc xe, thay vì mức 3% như hiện nay. Tính toán cho thấy, bình quân thu nhập tài xế sẽ giảm 7.3% (đối với tài xế có thu nhập từ 100 triệu đồng/năm) và giảm tới 10% (đối với tài xế có thu nhập dưới 100 triệu đồng/năm). Nghị định này sẽ áp dụng chung cho tất cả các ứng dụng, như Grab, be, GoJek, Baemin, Fastgo, Now, Loship, Ahamove, Lalamove... Theo đó, các doanh nghiệp này chỉ là đơn vị kê khai, thu hộ, nộp hộ. Đối tượng bị tác động đầu tiên là tài xế, tất nhiên, đối tượng là người lao động cực nhọc, vất vả, nguy hiểm và thu nhập bấp bênh.
Thuế tăng, không chỉ thu nhập giảm, mà còn tăng nguy cơ là nhiều tài xế, vì không muốn đóng thuế, sẽ nghĩ cách chạy cuốc xe ngoài ứng dụng - tăng nguy cơ gây mất an toàn. Thậm chí là có tài xế sẽ rời các ứng dụng, quay lại chạy xe ôm truyền thống vì sẽ không ai thu thuế các đối tượng này.
Anh Trần Hữu Anh (quê Thanh Hóa) là một tài xế Grab lâu năm chia sẻ khi biết qua về Nghị định 126 bản thân anh đang muốn quay về làm tài xế truyền thống. Theo Hữu Anh từ sau đợt dịch COVID-19, doanh thu chạy xe của anh giảm hẳn. “Tới đây sẽ tăng thuế GTGT, tôi lo công ty sẽ tăng giá cước xe, khách đã ít lại càng ít” - Hữu Anh tâm sự.
Một chuyên gia kế toán phân tích, về lý thuyết người dùng cuối (là khách hàng) sẽ là người trả thuế GTGT. Vị này đưa ra ví dụ khi đi siêu thị, mua vé xem phim, vé máy bay, mua sắm... bao giờ thuế GTGT cũng tính cho người mua. Để tài xế không bị thiệt thòi, “bể nồi cơm”, các ứng dụng ắt hẳn sẽ tính đến việc tăng giá hoặc tính thuế GTGT vào giá cuốc xe, đơn hàng. Khi đó, người trả chính là khách hàng.
“Ngoài tài xế, khách hàng thì các ứng dụng sẽ thiệt hại nặng nề như mất tài xế, mất khách hàng, mất doanh thu…” - vị này nói.
Băn khoăn về quan điểm của cơ quan quản lý thuế
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã nỗ lực tập trung cải cách chính sách thuế, do đó đã tạo nhiều thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh. Tuy nhiên, sau khi theo dõi Hội nghị Đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan diễn ra tại Hà Nội, ngày 24.11.2020, tôi có một số băn khoăn, quan ngại mong muốn cơ quan nhà nước làm rõ, đưa ra giải pháp chính sách nhất quán và khả thi trong quá trình thực hiện văn bản pháp luật, để tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế.
Tôi muốn trao đổi thêm về vấn đề liên quan đến điểm c khoản 5 Điều 7 Nghị định 126/NĐ-CP/2020: “Tổ chức hợp tác kinh doanh với cá nhân thì cá nhân không trực tiếp khai thuế. Tổ chức có trách nhiệm khai thuế giá trị gia tăng đối với toàn bộ doanh thu của hoạt động hợp tác kinh doanh theo quy định của pháp luật về thuế và quản lý thuế của tổ chức mà không phân biệt hình thức phân chia kết quả hợp tác kinh doanh, đồng thời khai thay và nộp thay thuế thu nhập cá nhân cho cá nhân hợp tác kinh doanh”.
Tại Hội nghị, đại diện Công ty TNHH Grab đề nghị Tổng cục Thuế xác nhận rằng, theo quy định mới, lái xe sẽ phải nộp 10% thuế GTGT đầu ra như doanh nghiệp (thay vì mức hiện hành là 3%). Các công ty Grab, Be, Gojek hoặc các hợp tác xã là đối tác vận tải của các công ty kết nối xe này sẽ phải kê khai doanh thu vận tải của tài xế xe công nghệ, thu hộ và nộp hộ thuế GTGT ở mức 10% (tức là tăng 7% so với mức hiện hành theo Thông tư 92/2015/TT-BTC ngày 15.6.2015 và Công văn 384/TCT-TNCN ngày 08.02.2017).
Trả lời báo chí, bà Tạ Thị Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế) nói “tài xế sẽ không phải nộp 3% thuế GTGT như hiện nay nữa, mà trách nhiệm nộp là của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp vận tải công nghệ Grab, Be, Gojek sẽ phải có nghĩa vụ nộp thuế GTGT chứ không phải là tài xế. Quy định này đúng bản chất hoạt động kinh tế phát sinh, phù hợp thông lệ quốc tế và các luật về thuế. Đây là tiền thuế người tiêu dùng đóng, doanh nghiệp chỉ kê khai và nộp thay”.
Với quan điểm này, theo tôi không đúng với tư tưởng trong Nghị định 126 và Luật thuế giá trị gia tăng (Điều 4). Rõ ràng có sự nhầm lẫn lớn về vai người nộp thuế. Cách giải thích như trên sẽ làm người ta lầm tưởng rằng doanh nghiệp kết nối vận tải là chủ thể phải nộp thuế cho phần doanh thu của tài xế, trong khi người lái xe với vai trò là cá nhân thực sự cung cấp dịch vụ vận tải lại không phải chịu trách nhiệm đóng thuế gì. Vì có quy định mới tại điểm c khoản 5 Điều 7 Nghị định 126, nên các doanh nghiệp kết nối vận tải như Grab, Be, Gojek buộc sẽ phải kê khai, thu hộ và nộp hộ thuế cho 2 đối tượng là người lái xe môtô 2 bánh (thường gọi là xe ôm) và người lái xe ôtô hợp đồng (với trường hợp họ là xã viên của hợp tác xã vận tải và có yêu cầu công ty kết nối vận tải đứng ra làm thủ tục cho họ thay vì hợp tác xã).
Ngoài ra, theo ý kiến bà Phương Lan, nếu các tài xế xe ôm muốn được khấu trừ các chi phí đầu vào thì phải hạch toán đầy đủ các chi phí, phải thành lập doanh nghiệp và thực hiện sổ sách kế toán, nộp thuế theo kê khai. Cách tiếp cận này vừa sai với nguyên tắc bình đẳng của Luật Quản lý Thuế, vừa vô cùng thiếu tính khả thi. Một mặt, yêu cầu dịch vụ xe ôm phải nộp thuế GTGT 10% như doanh nghiệp, mặt khác, lại vô tình yêu cầu người nộp thuế, từ ông lái xe ôm cho đến những người buôn bán nhỏ lẻ có hợp tác với tổ chức kinh doanh phải trở thành giám đốc thì mới cho khấu trừ thuế đầu vào.
Luật Thuế Giá trị gia tăng đã tính đến tình huống có những đối tượng không có điều kiện thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn chứng từ thì nộp theo phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng. Cách hướng dẫn này càng gây ra sự bất công đối với người thu nhập thấp. Công ty được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, còn người nghèo thì không.
Tôi rất quan ngại về cách diễn giải pháp luật như trên. Trong khi doanh nghiệp và dư luận chưa hiểu hết các văn bản, mà việc giải thích về người nộp thuế lại không rõ ràng như trên sẽ càng làm cho các đối tượng bị điều chỉnh bối rối và lo lắng. Do đó, cơ quan thuế cần phải làm rõ những nội dung nói trên để có sự công bằng, nhất quán và khả thi trong thực thi chính sách.
PGS-TS Ngô Trí Long (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả)
Xem thêm: odl.916758-euht-taul-auc-cat-neyugn-gnud-oeht-gnohk-hnid-yuq/et-hnik/nv.gnodoal