vĐồng tin tức tài chính 365

Định giá thấp đồng tiền sao lại gọi là trợ cấp!

2020-11-27 11:08

Định giá thấp đồng tiền sao lại gọi là trợ cấp!

Dương Văn Học (*)

(TBKTSG) - Ngày 4-11-2020, Bộ Thương mại Mỹ (USDOC) đưa ra quyết định sơ bộ về thuế chống trợ cấp đối với lốp xe hơi và xe tải nhập khẩu từ Việt Nam. Lý do, Mỹ cho rằng tiền đồng của Việt Nam được định giá thấp và khoản chênh lệch này được Mỹ hiểu là trợ cấp. Nhưng luật lệ của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) lại không hiểu như vậy.

 

Việt Nam định giá thấp tiền đồng so với đô la Mỹ là 4,7% (năm 2019) và đây được xem là “khoản trợ cấp” cho các doanh nghiệp xuất khẩu lốp xe Việt Nam vào thị trường Mỹ.

Theo quyết định này, Kumho Tires Co., Ltd chịu mức thuế đối kháng sơ bộ 10,08% và Sailun Co., Ltd là 6,23%. Các nhà sản xuất còn lại nằm trong diện điều tra chịu mức thuế chung là 6,77%.

Bộ Thương mại Mỹ xác định Việt Nam định giá thấp tiền đồng so với đô la Mỹ là 4,7% (năm 2019) và đây được xem là “khoản trợ cấp” cho các doanh nghiệp xuất khẩu lốp xe Việt Nam vào thị trường Mỹ. Việc áp thuế chính thức còn phụ thuộc vào kết quả điều tra về “thiệt hại” từ phía Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (USITC), dự kiến vào ngày 29-4-2021, cũng như kết luận cuối cùng từ phía Bộ Thương mại Mỹ.

Nghe thì có vẻ hợp lý, nếu anh tài trợ cho doanh nghiệp anh một cách unfair kiểu này, thì tôi về nguyên tắc có thể áp thuế để chống trả cái unfair đó. Nhưng không! Việc điều tra và áp thuế chống trợ cấp sơ bộ đối với nghi vấn hành vi thao túng tiền tệ của Việt Nam là hành vi vi phạm pháp luật của WTO và thể hiện chủ nghĩa bảo hộ “bất chấp”.

Vi phạm pháp luật WTO

Điều đầu tiên cần phải nhấn mạnh, Hiệp định về trợ cấp và biện pháp đối kháng (SCMA) của WTO không đề cập đến hành vi thao túng tiền tệ là một dạng trợ cấp, vì thế, không có căn cứ pháp lý nào để tố cáo hành vi thao túng tiền tệ của một quốc gia theo hiệp định này. Ngoài ra, để bị áp thuế đối kháng thì trợ cấp này phải được chu cấp cho một hoặc một nhóm doanh nghiệp cụ thể nào đó.

Thao túng tiền tệ, nếu được xác định, là một chính sách vĩ mô của quốc gia, lợi ích của nó dành chung cho tất cả các doanh nghiệp trên lãnh thổ Việt Nam. Cho nên, chúng ta chờ xem Bộ Thương mại Mỹ sẽ lập luận như thế nào để “gắn” nó chỉ riêng cho các doanh nghiệp xuất khẩu lốp xe của nước ta.

Điều đầu tiên cần phải nhấn mạnh, Hiệp định về trợ cấp và biện pháp đối kháng (SCMA) của WTO không đề cập đến hành vi thao túng tiền tệ là một dạng trợ cấp, vì thế, không có căn cứ pháp lý nào để tố cáo hành vi thao túng tiền tệ của một quốc gia theo hiệp định này.

Để dễ hiểu, trợ cấp theo nghĩa rộng là những lợi ích mà chính phủ một nước chu cấp cho doanh nghiệp nước đó, từ tài trợ “tiền tươi” đến các khoản chi cho giáo dục, y tế, đường sá... Vì, suy cho cùng, doanh nghiệp ít hay nhiều gì cũng hưởng lợi từ những thứ này.

Cái mà Bộ Thương mại Mỹ quan ngại ở đây được gọi là “trợ cấp chính sách” - trợ cấp bằng chính sách tiền tệ. Nhưng, rất tiếc, luật lệ WTO chưa điều chỉnh vấn đề này.

Trở về quá khứ, khi các nước ngồi lại với nhau xây dựng khái niệm “trợ cấp” trong hoạt động thương mại đa phương, chính cái khái niệm “hẹp” về trợ cấp trong WTO là cái trần kìm hãm chủ nghĩa bảo hộ tiềm tàng.

Vì giai đoạn này, Mỹ vẫn “ung dung” với khái niệm khá bao la về những thứ được coi là hoạt động trợ cấp của chính phủ để “tiện tay” áp thuế khi cần thiết.

Việc Mỹ đã chấp nhận luật lệ WTO (năm 1994) đồng nghĩa với tự trói tay mình vào khuôn khổ đa phương. Và bây giờ, khi những tranh cãi về những can thiệp khôn lường của Chính phủ Trung Quốc đối với nền kinh tế, Mỹ và các cường quốc thương mại ngồi lại bàn về khái niệm trợ cấp được cho là lỗi thời của WTO.

Phải chăng lỗi tại Việt Nam?

Thật không may cho Việt Nam khi được xem là nước hưởng lợi nhiều nhất trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và có thặng dư thương mại với Mỹ. Nhiều chuyên gia cho rằng, về mặt kỹ thuật, kết luận thao túng tiền tệ của Mỹ là quá “hạn hẹp”, thiếu cái nhìn thực địa về tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam mà chỉ chăm chú vào thâm hụt thương mại. Dẫu kết luận có hợp lý ra sao đi nữa, việc cho rằng chính sách thao túng tiền tệ của một nước là hoạt động trợ cấp là vi phạm pháp luật WTO.

Được cho là người canh gác và điều hòa chính sách tiền tệ của thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) chắc chắn không thể đứng ngoài cuộc khi chứng kiến sự “lạm quyền” từ cường quốc kinh tế số 1 thế giới này.

Một điều cần phải nói là việc xem xét thao túng tiền tệ là một dạng trợ cấp đã được đem ra thảo luận tại Mỹ hơn một chục năm về trước, và quốc gia được “ngắm” đến chắc chắn không phải là Việt Nam mà là Trung Quốc.

Trước đây, những điều chỉnh của Mỹ trong chính sách chống bán phá giá, chống trợ cấp hay tự vệ thương mại trước khi WTO hình thành là nhằm đối phó với một cộng đồng kinh tế châu Âu gắn kết hay một Nhật Bản thần kỳ. Và giờ đây, trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của kinh tế Trung Quốc, Mỹ một lần nữa thúc đẩy sửa đổi luật chơi.

Áp thuế chống trợ cấp đối với nghi vấn thao túng tiền tệ ở Việt Nam chắc chắn là một tiền lệ xấu trong thương mại quốc tế, đe dọa nghiêm trọng chủ quyền quốc gia và mở ra chiến hộp Pandora(1) của chủ nghĩa bảo hộ.

(*) Giảng viên, trường Đại học Cần Thơ.

(1) Xuất phát từ câu chuyện thần thoại của Hy Lạp, chiếc hộp được cho là đựng tai ương, hiểm họa cho thế giới khi nó được mở ra.

Xem thêm: lmth.pac-ort-al-iog-ial-oas-neit-gnod-paht-aig-hnid/010113/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Định giá thấp đồng tiền sao lại gọi là trợ cấp!”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools