Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un - Ảnh: KCNA/REUTERS
Hai tổng thống Mỹ gần nhất đều chứng kiến Triều Tiên tiến hành thử nghiệm tên lửa trong vòng vài tuần khi họ nhậm chức.
Không chấp nhận "kiên nhẫn chiến lược" của Obama
Trong một phân tích hôm 26-11, Hãng tin Bloomberg dẫn lời các chuyên gia cho rằng điều tương tự có thể sẽ diễn ra với ông Biden - người đã bắt đầu giai đoạn chuyển giao quyền lực tại Washington.
Thứ nhất, Triều Tiên trong quá khứ vốn không ưa ông Biden, và từng dùng lời lẽ khó nghe để gọi cựu phó tổng thống Mỹ.
Tới nay Triều Tiên cũng chưa chúc mừng hay công nhận ông Biden. Về lý thuyết, ông Biden vẫn chưa chính thức là tổng thống, kể cả khi không đề cập tới việc kiện tụng, không chấp nhận kết quả của đương kim Tổng thống Donald Trump.
Hãng tin Mỹ cũng lưu ý rằng Triều Tiên đang giữ im lặng sau khi Trung Quốc đã chúc mừng ông Biden. Chi tiết này đáng chú ý xét tới thực tế Triều Tiên và Trung Quốc có sự gắn kết mật thiết về quan hệ song phương.
Dù từ trước tới nay Triều Tiên không mặn mà với câu chuyện bầu cử của Mỹ, nhưng giới quan sát cũng không thể bỏ qua chi tiết rằng tình hình quan hệ Triều Tiên - Mỹ những năm qua đang khá đặc biệt. Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un đã có những tương tác trực tiếp và ít nhiều hứa hẹn với Tổng thống Mỹ Trump.
Chính vì vậy, yếu tố thứ hai khiến Triều Tiên có thể dùng tên lửa "thăm dò" ông Biden nằm ở quan điểm của chính quyền tiềm năng của Mỹ.
Bloomberg cho rằng ông Biden có thể sẽ tiếp nối chính sách của tổng thống Barack Obama. Ngược lại với ông Trump, ông Obama trước đây không có ý "lắng nghe" những màn đe dọa của Triều Tiên. Thay vào đó, cựu tổng thống Mỹ áp dụng chiến thuật "kiên nhẫn chiến lược".
Màn "kiên nhẫn chiến lược" này có thể là cách gây áp lực tốt, nhưng cũng đánh đổi bằng việc Triều Tiên đã có thêm thời gian để tăng cường năng lực tấn công, tập trung vào việc phát triển những loại tên lửa đủ khả năng phóng tới đất Mỹ.
Bà Soo Kim, nhà phân tích chính sách tại trung tâm nghiên cứu quốc phòng RAND (Mỹ), cho rằng bất chấp tổng thống Mỹ là ai, Triều Tiên nhiều khả năng không thay đổi hành vi hoặc chiến lược với Mỹ.
Bà nói: "Ông Kim Jong Un sẽ tiếp tục xây dựng và đe dọa để gặt hái lợi thế đàm phán, và chiến lược này đã hiệu quả suốt nhiều thập niên qua. Vì vậy, lý nào lại thay đổi cách làm?".
Sẽ thử vũ khí "hạng nặng"?
Vài tháng sau khi ông Obama làm tổng thống vào năm 2009, Triều Tiên đã phóng tên lửa tầm xa và một thiết bị hạt nhân.
Năm 2017, ông Trump "được chào đón" bằng một loạt tên lửa đạn đạo phóng thử, trong đó có một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) vào tháng 11-2017. Giới chuyên gia hạt nhân còn nói đó là loại ICBM có thể mang đầu đạn hạt nhân và đủ khả năng tấn công nước Mỹ.
Bloomberg cho rằng nếu Triều Tiên dự tính "chào hỏi" ông Biden, tên lửa sử dụng lần này nhiều khả năng tiếp tục là một loại ICBM.
Ảnh chụp một tên lửa được cho là tên lửa đạn đạo mới do Triều Tiên phát triển, ngày 10-10-2020 - Ảnh: Kyodo
Chuyên gia dự đoán nếu đúng như vậy, tên lửa được dùng có thể là loại mới được Triều Tiên giới thiệu hồi tháng 10 vừa qua, vốn được thiết kế để mang nhiều đầu đạn hạt nhân và có tầm bắn bao phủ tới lãnh thổ Mỹ. Lầu Năm Góc trong tháng 11 qua cũng cho hay đã ngăn chặn thành công một phiên bản ICBM mô phỏng loại của Triều Tiên.
"Họ cần thử nghiệm loại ICBM mới nhằm chứng minh giá trị trong mắt kẻ thù, và họ nhiều khả năng sẽ hành động khi sẵn sàng", Melissa Hanham, phó giám đốc trung tâm nghiên cứu độc lập Open Nuclear Network, nói với Bloomberg.
TTO - Di sản đối ngoại mà Tổng thống Donald Trump để lại cho ông Joe Biden khá bộn bề nên ông sẽ phải đương đầu với nhiều mối quan hệ khủng hoảng, tiêu biểu nhất là Trung Quốc.