Mặc dù quy mô doanh thu lên tới gần 200 tỉ nhưng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Công ty Cổ phần Cơ khí Điện lực (UPCOM:PEC) chỉ ở mức “tượng trưng”, đạt chưa đầy 115 triệu đồng năm 2019.
PEC từng là thành viên của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, được thành lập theo Quyết định số 111/QĐ-BCN ngày 13.10.2004 của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) trên cơ sở cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (Nhà máy Cơ khí Yên Viên) thành Công ty cổ phần Cơ khí Điện lực.
Ngày 6.10.2010, cổ phiếu PEC chính thức được giao dịch trên sàn UPCOM của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.
Giữa tháng 9 vừa qua, Cục Thuế TP.Hà Nội đã “xướng tên” PEC trong danh sách những công ty có nợ thuế lớn tính đến 31.7.2020. Cụ thể, tổng số tiền nợ thuế của PEC là 10,8 tỉ đồng.
Theo báo cáo thường niên được công cố, PEC có vốn điều lệ 31 tỉ đồng, toàn bộ được sở hữu bởi các cá nhân.
Trong đó, cổ đông lớn nhất đang nắm giữ 36% vốn tại PEC là ông Lê Minh Hải - Chủ tịch HĐQT.
Ông Nguyễn Doãn Bình - Thành viên HĐQT nắm giữ 20% vốn và ông Nguyễn Xuân Quang nắm 6% cổ phần tại PEC.
Tại ngày 31.12.2019, PEC có 36% vốn góp (7,2 tỉ đồng) tại Công ty Cổ phần Cơ khí và Xây dựng nguồn điện; 25% vốn góp (1,25 tỉ đồng) tại Công ty Cổ phần Thương mại và Xây lắp điện lực. Ngoài ra, PEC còn sở hữu 36% vốn tại Công ty TNHH Chế tạo thiết bị điện và thương mại Việt Nhật (VJPS).
Về hiệu quả kinh doanh, mặc dù doanh thu năm 2018, 2019 của PEC lần lượt đạt 195,6 tỉ đồng và 170,8 tỉ đồng nhưng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh chỉ ở mức “tượng trưng” vài trăm triệu đồng.
Năm 2019, lãi thuần của PEC chỉ vỏn vẹn 114,7 triệu đồng, giảm tới 86,78% so với hơn 868 triệu đồng năm 2018. Tuy nhiên, năm 2019, nhờ “lợi nhuận khác” tăng đến 492% so với 2018 nên lãi trước thuế của PEC vẫn đạt 1,37 tỉ đồng, tăng 109% so với 655,5 triệu đồng năm 2018. Đây là khoản thu nhập từ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định.
Theo lý giải của PEC, hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2019 gặp nhiều khó khăn do giá một số vật tư chính (thép, kẽm, kim loại) biến động tăng mạnh. Vốn phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty cũng rất khó khăn, các ngân hàng cắt giảm hạn mức cho vay; tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động trực tiếp sản xuất tiếp tục diễn ra, công tác tuyển dụng chưa đáp ứng yêu cầu nhân lực phục vụ cho sản xuất; một số máy, thiết bị đã cũ, lạc hậu gây khó khăn trong việc bảo đảm chất lượng sản phẩm và tăng năng suất lao động….
Từng có thời điểm, nợ phải trả của PEC gấp 4 lần vốn chủ sở hữu như năm 2018. Tuy nhiên, con số này được cải thiện trong năm 2019.
Nợ phải trả tại ngày 31.12.2019 là 183 tỉ đồng, chiếm tỉ trọng gần 74% so với tổng nguồn vốn. Trong đó, Thuế và các khoản phải nộp nhà nước là gần 9 tỉ đồng. Khoản thuế mà PEC nợ lớn nhất là Thuế giá trị gia tăng với số nợ đọng gần 8,3 tỉ đồng.
Báo cáo tài chính 2019 cũng cho thấy trong năm, PEC bị phạt và truy thu thuế 273,5 triệu đồng.
Tại ngày 31.12.2019, tổng tài sản của PEC đạt 247,9 tỉ đồng. Trong đó, hàng tồn kho chiếm tới 50% tổng tài sản. PEC giải thích nguyên nhân hàng tồn kho lớn là do các công trình đang thực hiện dở dang hoặc các công trình đã hoàn thành nhưng chưa ký được nghiệm thu, quyết toán để xuất hóa đơn.
Xem thêm: odl.748758-oas-ar-na-mal-cul-neid-ihk-oc-nahp-oc-yt-gnoc-euht-on-iv-net-ueb-ib/et-hnik/nv.gnodoal