Rủi ro khi mua nhà ở dự án được chưa nghiệm thu đã sử dụng
Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) vừa thông tin về các dự án nhà ở “khủng” trên địa bàn Hà Nội chưa kiểm tra nghiệm thu công trình vào sử dụng theo quy định. Trong đó, có dự án Khu văn phòng, nhà ở và nhà trẻ tại số 201 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội (tên thương mại là Hinode City) do Tổng Công ty CP Thương mại xây dựng (Vietracimex) làm chủ đầu tư hay một số dự án tổ hợp trung tâm thương mại, dịch vụ, văn phòng và nhà ở tại quận Nam Từ Liêm.
Điều đáng nói là dù chưa có kết quả nghiệm thu hoàn thành công trình nhưng chủ đầu tư các dự án này đã ngang nhiên đưa công trình vào sử dụng, bàn giao căn hộ cho khách hàng vào ở trái với quy định ảnh hưởng tới an toàn cuộc sống cư dân trong tòa nhà.
Trước thông tin Cục Giám định nhà nước về sai phạm của dự án khi chưa được nghiệm thu đã đưa vào sử dụng, nhiều người mua nhà tại các dự án này đang lo lắng gặp phải nhiều rủi ro khi dự án “dính” nhiều sai phạm.
"Chúng tôi rất lo lắng vì không ai nghĩ bỏ hàng tỷ ra mua căn hộ mà chưa được nghiệm thu đã đưa cho dân vào sử dụng. Những rủi ro như chất lượng an toàn của công trình có đảm bảo không? Việc căn hộ có được cấp sổ hồng không vì dự án này dính sai phạm trong quá trình thi công xây dựng?” Chị H. cư dân chung cư Hinode City 201 Minh Khai lo lắng.
Một điểm chung tại các dự án này là do những vi phạm của chủ đầu tư trong quá trình thi công xây dựng như sai khác so với hồ sơ thiết kế, xây sai giấy phép xây dựng… nhưng đến nay những tồn tại đó vẫn chưa được khắc phục dẫn đến không đủ điều kiện để nghiệm thu hoàn thành đưa công trình vào sử dụng theo quy định.
Theo các chuyên gia, việc mua phải những dự án “dính” sai phạm dẫn đến công trình chưa thể hoàn công, nghiệm thu theo quy định khiến người mua nhà đứng trước nhiều rủi ro: “Theo quy định, chủ đầu tư nhà chung cư có trách nhiệm làm thủ tục xin cấp sổ hồng cho người mua căn hộ trong vòng 50 ngày kể từ ngày bàn giao căn hộ. Tuy nhiên thực tế, có không ít trường hợp cư dân đã nhận bàn giao hoàn thiện và vào ở từ lâu nhưng vẫn chưa được cấp sổ do chủ đầu tư không thực hiện thủ tục hoàn công. Thậm chí, không thể hoàn công, nghiệm thu theo quy định do tồn tại những sai phạm lớn không thể hợp thức”, vị này nói.
Chính quyền có làm ngơ cho sai phạm?
Trao đổi với PV, PGS. TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng cho biết, theo quy định của Luật Xây dựng, một công trình đưa vào khai thác phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.
“Cục Giám định có chức năng được luật định, họ sẽ kiểm tra điều kiện đảm bảo thỏa mãn các điều kiện pháp luật quy định với hàng loạt tiêu chí kèm theo như tiêu chí về độ bền công trình, an toàn PCCC, tiện nghi sinh hoạt … Khi chủ đầu tư tổ chức nghiệm thu, đã thực hiện đủ các tiêu chí và được các cơ quan có thẩm quyền chấp thuận thì công trình mới được đưa vào sử dụng, khai thác”, PGS. TS Trần Chủng nói.
Về trách nhiệm khi dự án chưa được nghiệm thu mà đã đưa dân vào ở, PGS. TS Trần Chủng cho hay, trước hết chủ đầu tư công trình là người chịu trách nhiệm trước pháp luật; chủ đầu tư phải thực hiện các điều khoản theo hợp đồng mua bán với khách hàng. Nếu bàn giao nhà khi công trình không đủ điều kiện nghiệm thu thì khách hàng hoàn toàn có quyền kiện ra Tòa án xử lý theo pháp luật dân sự. Còn về phía chính quyền, cơ quan quản lý Nhà nước phải kiểm tra xử lý, khi chủ đầu tư không tuân thủ quy định pháp luật.
“Chủ đầu tư không tuân thủ vẫn cho dân vào ở mà chính quyền không quyết liệt xử lý là làm ngơ thiếu trách nhiệm. Chính quyền phải có trách nhiệm về quản lý trên địa bàn phải bảo vệ người dân đặc biệt liên quan đến vấn đề an toàn sinh mạng” – ông Chủng nhấn mạnh.
Tại buổi thông tin báo chí thường kỳ mới đây, trả lời về việc dự án đang trong quá trình điều chỉnh quy hoạch có được nghiệm thu đưa vào sử dụng hay không? Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng khẳng định, nếu dự án chưa hoàn tất các thủ tục về điều chỉnh quy hoạch, sai phạm so với giấy phép xây dựng thì chưa thể nghiệm thu công trình.
“Khi chưa thể nghiệm thu thì không thể cho người dân vào ở. Đó là bắt buộc đồng nghĩa với việc không thể đưa vào sử dụng. Chưa hoàn tất các thủ tục mà đưa dân vào ở là vi phạm, phải xử lý. Bộ đã từng phát hiện những trường hợp như vậy và đã có văn bản gửi chính quyền địa phương để xem xét, xử lý", Thứ trưởng Hùng nhấn mạnh.
Chế tài xử phạt không đủ răn đe
Về hiện tượng các công trình dự án nhà đưa vào sử dụng khi chưa được nghiệm thu, Bộ Xây dựng cho biết, có trách nhiệm của cả chủ đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước và cả vấn đề về chế tài xử phạt.
"Nguyên nhân của tình trạng trên là do ý thức chấp hành các quy định của pháp luật của một số chủ đầu tư và các chủ thể tham gia hoạt động đầu tư xây dựng công trình chưa cao; các chế tài xử lý vi phạm còn chưa đủ sức răn đe; công tác theo dõi, kiểm tra, giám sát của các cơ quan có thẩm quyền còn chưa chặt chẽ", Bộ Xây dựng chỉ rõ.
Đình Phong
Tiền Phong
Xem thêm: nhc.59854037172110202-uht-meihgn-auhc-mahp-ias-hnid-na-ud-or-iur-ueihn-gnuh-ahn-aum-iougn/nv.zibefac