Một bức tranh tường tại Ấn Độ tuyên truyền về chủ đề kinh nguyệt - Ảnh: CNN
Theo CNN, tại Nhật Bản và Hàn Quốc, chính sách cho phép nhân viên nữ nghỉ phép vào những ngày "đèn đỏ" đã xuất hiện từ cách đây khoảng 70 năm. Tuy nhiên, rất hiếm khi nó được áp dụng bởi phụ nữ thường ngại xin nghỉ với lý do nhạy cảm, đặc biệt khi cấp trên thường là nam giới.
"Đó là một chuyện rất riêng tư và đặc biệt ở Nhật Bản là một điều kiêng kỵ. Chúng tôi không muốn kể cho bất kỳ người đàn ông nào" - Sachimi Mochizuki, một nữ nhân viên người Nhật, chia sẻ.
Chuyện nhạy cảm
Sau Thế chiến thứ nhất, Nhật Bản thậm chí đã đưa kỳ nghỉ kinh nguyệt vào luật lao động nước này như một quyền của các nhân viên nữ khi gặp vấn đề "đặc biệt khó khăn". Theo truyền thông địa phương, có tới 26% nhân viên nữ dùng đặc quyền này trong thời kỳ đầu của luật.
Nhưng dần càng có nhiều người từ chối sử dụng nó. Một cuộc khảo sát của Chính phủ Nhật năm 2017 cho thấy chỉ 0,9% nhân viên nữ thừa nhận họ có nghỉ phép vì kinh nguyệt. Con số này ở Hàn Quốc cũng giảm dần theo thời gian, từ 23,6% vào năm 2013 rơi xuống mức 19,7% vào năm 2017.
Theo cô Yumiko Murakami tại Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), có một số lý do giải thích điều này. Dù các công ty Nhật Bản buộc phải đồng ý cho nghỉ phép kinh nguyệt nhưng họ không bị bắt phải trả lương cho những ngày đó, điều này khiến phụ nữ sợ giảm lương nếu nghỉ phép. Một số phụ nữ thậm chí còn không biết đến chính sách này do các công ty thường không phổ biến đến nhân viên.
Vấn đề lớn hơn là do văn hóa của người Nhật và Hàn, hai trong những nơi có mức chênh lệch lương theo giới cao nhất và tỉ lệ nữ giới làm vị trí quản trị thấp nhất. Tại Nhật, phân biệt đối xử với nhân viên nữ là phạm pháp, nhưng phụ nữ nước này vẫn thường xuyên đối mặt với các áp lực ngầm buộc phải thôi việc khi mang thai. Họ cũng không được khuyến khích nghỉ việc với bất cứ lý do nào.
"Nếu bạn nói với mọi người bạn nghỉ phép vì kinh nguyệt, họ sẽ cho rằng bạn kém cỏi hơn nam giới", cô Murakami cho biết.
Ở một số nước châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, chính sách nghỉ phép kinh nguyệt cũng chỉ mới dần phổ biến.
Bước lùi hay tiến?
Scotland trở thành quốc gia đầu tiên cung cấp miễn phí sản phẩm kinh nguyệt - Ảnh: CNN
Ngược lại, ở phương Tây như Mỹ, Anh và EU, chính sách này thậm chí không hề tồn tại, điều đó mâu thuẫn với việc công dân các quốc gia này thường đấu tranh cho các quyền lợi của mình.
Kể cả những nơi cho phép thì các nhà nữ quyền vẫn tranh cãi rất nhiều giữa việc nhìn nhận đây là một bước lùi hay bước tiến. Tờ Washington Post từng đăng một bài bình luận với tiêu đề "Tôi là một nhà nữ quyền. Việc cho phép nữ giới nghỉ phép một ngày vì kinh nguyệt là một ý tưởng ngu ngốc".
Năm 2017, một nhóm vận động chính sách tại Úc từng giới thiệu chính sách kinh nguyệt nhưng tờ báo The Courier-Mail của nước này cho đăng ý kiến với tiêu đề "Là một công nhân nữ ở Úc, tôi cảm thấy bị xúc phạm bởi kế hoạch điên rồ này".
Có thể thấy, việc thế giới tạo ra đạo luật nghỉ phép vì "đèn đỏ" gặp rất nhiều khó dễ, hoặc là nó sẽ trở nên gần như… vô dụng, do ít ai dùng đến. Kinh nguyệt vẫn luôn là một chủ đề nhạy cảm và môi trường làm việc thì đầy rẫy những áp lực vô hình.
Tuy nhiên, mới đây đã có một tia sáng lóe lên ở phương Tây: Scotland vừa được biết đến là quốc gia đầu tiên cung cấp miễn phí sản phẩm kinh nguyệt như tampon và băng vệ sinh.
Theo thống kê, có đến 1 trên 10 người nữ ở Vương quốc Anh không có khả năng chi trả cho các sản phẩm này. Cũng theo đó, có gần một nửa nữ giới độ tuổi 14 - 21 cảm thấy xấu hổ vì kinh nguyệt.
TTO - Sau khi quyết định từ bỏ một phần nghĩa vụ Hoàng gia Anh, nữ công tước người ỹ Meghan Markle dành ngày đầu tiên xuất hiện trước công chúng cho hoạt động vì nữ quyền.
Xem thêm: mth.42482706162110202-gnohk-uhn-gnuhn-taul-oc-od-ned-yagn-mal-ihgn-un-uhp-ohc/nv.ertiout