Đây là ý kiến của các nhà nghiên cứu tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển do Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hội đồng Lý luận Trung ương, Bộ VH-TT&DL phối hợp tổ chức sáng 27-2 tại Hà Nội và trực tuyến tới các tỉnh, TP cả nước.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý cùng khẳng định giá trị lý luận và thực tiễn của Đề cương về văn hóa Việt Nam; cũng như bàn luận về vai trò của văn hóa đối với đất nước và những việc cần làm để văn hóa ngày càng giàu có cùng với sự đi lên của kinh tế đất nước; trong đó có việc vận dụng linh hoạt Đề cương về văn hóa Việt Nam để phát triển văn hóa.
Luật đầu tư chưa ưu tiên đầu tư văn hóa
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương - viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam - trong phiên thảo luận bàn tròn đã tập trung nói về câu chuyện sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam.
Khẳng định vai trò to lớn của văn hóa, bà Phương cho rằng cần phải tạo ra mô hình kết hợp chặt chẽ giữa Nhà nước - Nhà đầu tư - Nhà sáng tạo để tạo ra sự chuyển đổi về văn hóa trong thực tế.
Nếu chúng ta coi văn hóa là một lĩnh vực được đầu tư ưu tiên như một mặt trận, thì mặt trận này cần được đầu tư như chúng ta từng đầu tư cho y tế, giáo dục, giao thông vận tải… thời gian qua.
Theo bà Phương, văn hóa có tính đặc thù, mặc dù văn hóa có tính thị trường nhưng không phải lúc nào cũng đặt tính thị trường của văn hóa lên trên. Phải có sự phân tách uyển chuyển gắn với thực tế.
"Chúng tôi mong muốn ở những lĩnh vực nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, cải lương… phải được cho cơ chế đặc thù cho phát triển, không thể tự chủ hoàn toàn, nếu không chúng ta sẽ mất dần vốn quý trong kho tàng nghệ thuật của dân tộc.
Mặt khác cũng phải tư duy văn hóa như một ngành công nghiệp văn hóa. Lúc đó văn hóa sẽ trở thành lĩnh vực mũi nhọn trong phát triển kinh tế", bà Phương nói.
Bà cho rằng mục tiêu đến năm 2045 Việt Nam có nền công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP là hoàn toàn có thể thực hiện được, vì "chúng ta là một cường quốc về các tài nguyên văn hóa".
Nhưng thực tế đóng góp của văn hóa vào GDP cho đến năm 2018 mới đạt 3,61% và đóng góp cho công ăn việc làm là 6%. Bà Phương cho rằng chúng ta chưa phát huy được tiềm năng và lợi thế của nguồn tài nguyên văn hóa đất nước.
Điểm nghẽn chính là Luật đầu tư chưa đặt đầu tư văn hóa như một ưu tiên. Liên quan hợp tác công tư còn rất nhiều điểm nghẽn. Bà rất mong muốn khơi thông những điểm nghẽn này.
Đồng thời, bà cũng đề nghị nên sớm chuyển đổi số tất cả dữ liệu di sản mà chúng ta có. "Chúng ta có tài nguyên văn hóa vô cùng dồi dào, sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa của 54 dân tộc Việt Nam, làm sao đưa ra thế giới nhanh nhất, lan tỏa nhất thì rất cần được số hóa", bà Phương nói.
Mạch nguồn văn hóa tiếp nối trong người trẻ
Đại diện cho người trẻ làm việc trong lĩnh vực sáng tạo, Nguyễn Việt Nam - giám đốc Công ty TiredCity - cũng có những kiến nghị để phát huy sức trẻ trong việc phát triển công nghiệp văn hóa.
Theo anh Nam, rất cần sự kết hợp giữa tài nguyên giàu có của văn hóa Việt Nam cùng sức sáng tạo nhiệt huyết của người trẻ, để tạo ra các sản phẩm và hoạt động mang chiều sâu văn hóa và ảnh hưởng rộng rãi.
Anh Nam lấy ví dụ về trường hợp di tích nhà tù Hỏa Lò thời gian qua đã có rất nhiều sáng tạo của đội ngũ các bạn trẻ làm việc ở đây để hút giới trẻ đến với di tích này; hay cách làm sáng tạo kết hợp sức trẻ với vốn văn hóa dân tộc của chính công ty anh thời gian qua đã tạo ra những sự kiện văn hóa, triển lãm có sức lan tỏa, từ đó công ty đưa ra các sản phẩm ứng dụng văn hóa khiến các bạn trẻ rất thích thú.
Gần nhất, triển lãm vẽ con mèo của công ty này đã huy động được sự tham gia của gần 1.000 nghệ sĩ trẻ trong và ngoài nước, tuyển chọn gần 100 bài thi để xây dựng một triển lãm thành công tại Hà Nội, đón gần 200.000 lượt khách tham quan. Những bức tranh xuất sắc cũng được lựa chọn để sản xuất thành lịch năm mới, được thị trường yêu thích.
Sau thành công về sản phẩm, các bạn trẻ ở đây đã quyết định dành toàn bộ lợi nhuận quyên góp cho một tổ chức bảo trợ trẻ em lang thang. Không chỉ biết khai thác tài nguyên văn hóa đất nước để tạo ra những giá trị mới cho mình và xã hội, anh Nam và các bạn trẻ đang tham gia vào công nghiệp văn hóa một cách văn minh khi ngày càng quan tâm nhiều hơn tới trách nhiệm xã hội.
Mỗi người một tủ sách trong gia đình Trường Chinh
Trong phiên thảo luận bàn tròn tại hội thảo, ông Đặng Xuân Thanh kể ông nội mình - cố Tổng bí thư Trường Chinh, tác giả Đề cương về văn hóa Việt Nam - luôn khuyến khích các con cháu đọc sách. Tất cả những thành viên trong gia đình ông đều có tủ sách riêng.
Truyền thống tủ sách gia đình có từ thời ông nội của Tổng bí thư Trường Chinh - tiến sĩ Đặng Xuân Bảng ở làng Hành Thiện. Sau khi từ quan về quê, tiến sĩ Đặng Xuân Bảng đã thành lập một tủ sách, thư viện tư nhân đầu tiên ở Bắc Kỳ, đặt tên là thư viện Hy Long. Sách chứa chật sáu gian nhà tranh.
Khi ông Thanh mới biết đọc biết viết đã được ông nội đóng cho tủ sách nhỏ bằng thứ gỗ xù xì. Nhưng bên trong tủ sách xù xì ấy là những cuốn sách thiếu nhi hay của văn học thế giới như Túp lều bác Tôm, Không gia đình, Những tấm lòng cao cả… được ông Trường Chinh bỏ tiền lương mua cho cháu.
Là một người rất quan tâm đến văn hóa, Tổng bí thư Trường Chinh chính là người đã chỉ đạo GS Trần Huy Liệu và một số người khác xây dựng đề án thành lập Ban nghiên cứu Sử địa văn - tiền thân của Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam ngày nay - ngay từ tháng 12-1953 tại Tân Trào.
‘Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp’.