Hội nghị "Phát triển giáo dục và đào tạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai nghị quyết 13 năm 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" được Bộ Giáo dục - đào tạo tổ chức tại Cần Thơ sáng 27-2.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Minh Luân - phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau - cho biết từ tháng 5-2019, tại TP Cần Thơ, Bộ Giáo dục đào tạo cũng đã tổ chức hội nghị được gọi là "hội nghị Diên Hồng" về giáo dục Đồng bằng sông Cửu Long, và hôm nay tiếp tục bàn về chiến lược dài hơi hơn.
Thiếu trường lớp, nhân lực, kinh phí
Ông Luân cho rằng ngành giáo dục là ngành quan trọng, được coi là ngành có lực lượng hùng hậu nhất, đặt ở vị trí trung tâm trong đào tạo con người.
Tuy nhiên, giáo dục đào tạo của vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo ông Luân có ba nút thắt. Một là thiếu trường lớp, thiếu phương tiện (thấp so với chuẩn chung cả nước), hai là thiếu nguồn nhân lực.
Ông Luân dẫn chứng tỉnh Cà Mau hiện có 1.500 vị trí việc làm trong ngành giáo dục chưa tuyển được.
Năm 2022 thi tuyển ở cấp huyện, thành phố nhưng chưa được 200 người, nhất là những môn học mang tính đặc thù càng không có nguồn. Nút thắt thứ ba là kinh phí, nhất là kinh phí cho vùng nông thôn, quy mô nhỏ.
Ông Luân nêu thực tế việc xóa điểm lẻ dẫn đến quá tải ở điểm trường chính. Trong khi việc mở rộng, nâng cấp trang thiết bị là bài toán mà ngân sách tỉnh rất khó đảm đương. "5 năm qua Cà Mau đầu tư trung bình mỗi năm 100 tỉ đồng cho cơ sở vật chất.
Hiện nay phòng học kiên cố đạt tỉ lệ 68,7%, trường đạt chuẩn 68,9%, còn rất khó. Cho nên giờ học sinh đi học xa hơn, tốn kém hơn, trong khi phụ huynh còn khó khăn dẫn tới nguy cơ học sinh bỏ học tăng.
Ảnh hưởng đại dịch COVID-19 nên năm học 2020-2021 đầu tư cho giáo dục có khựng lại nhưng nhu cầu rất lớn. Các phòng học chức năng như y tế, học đường, thí nghiệm... đang là nhu cầu đặt ra rất bức xúc", ông Luân nêu.
Rà soát lại mạng lưới trường lớp
Theo ông Luân, những cái khó nêu trên là không mới. "Chiến lược dài hạn hay trung hạn đều có hết. Nhưng cái khó mang tính chiến lược thì chúng ta chậm tháo gỡ.
Tổng kết không thiếu, đánh giá đúng nhưng việc đeo bám chỉ đạo chuyển biến chưa rõ. Cần có đánh giá, rà soát, đâu là trách nhiệm của trung ương, của địa phương.
Cà Mau và các tỉnh có nhiều chính sách mang tính đặc thù của địa phương nhưng còn cái gì đó lắt nhắt, chưa hoàn thiện nên khó phát huy" - ông Luân nói.
Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh - phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long - cho rằng để giáo dục Đồng bằng sông Cửu Long đạt kết quả cao hơn, đặc biệt trong việc huy động trẻ, thực hiện phổ cập cũng như thực hiện chuẩn quốc gia thì phải quan tâm, xác định rõ ràng giáo dục là quốc sách hàng đầu, phải đảm bảo đầu tư cho giáo dục ở mức cao nhất, tốt nhất có thể để có thể rà soát lại quy hoạch mạng lưới trường lớp từ mầm non cho đến phổ thông.
Thêm vào đó là cần có cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long vốn được đề cập rất nhiều lần nhưng hiện vẫn chưa có.
"Ví dụ để tăng cường huy động trẻ mầm non ra lớp, huy động học hai buổi/ngày để đạt phổ cập thì cần chính sách hỗ trợ cho trẻ mầm non 3 đến 5 tuổi không chỉ ở hỗ trợ chi phí học tập mà cần có chính sách hỗ trợ tiền ăn trưa hay hỗ trợ cho hộ cận nghèo, hộ sống ven sông. Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm" - bà Quyên Thanh đề xuất.
Cần giải pháp tổng thể
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: "Căn cứ vào các số liệu, chúng ta có thể khẳng định là giáo dục đào tạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã thoát ra khỏi vùng trũng. Đề nghị từ nay chúng ta không gọi khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là vùng trũng giáo dục nữa".
Chia sẻ về những khó khăn, thách thức mà các địa phương trình bày, ông Sơn cũng nhìn nhận trước mắt thấy cái khó còn đang rất nhiều, cái thách thức còn đang chồng chất.
Cụ thể, Đồng bằng sông Cửu Long đang đứng trước "thách thức kép" khi vừa phải thực hiện đổi mới để vươn cao cùng với cả nước, vừa phải củng cố, bù đắp cho yếu tố tối thiểu, nền tảng, cơ bản.
Cụ thể là vừa phải làm sao để có đủ trường, đủ lớp, phòng học, cơ sở vật chất, thu hút trẻ em đến trường, giảm tỉ lệ mù chữ, trong khi cũng phải đổi mới, phát triển cùng với giáo dục đào tạo cả nước.
Ông Sơn cho biết năm 2023-2024 là thời điểm nước rút, rất quan trọng để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018. Nhu cầu về giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị còn gay gắt hơn những năm vừa rồi.
"Tuy nhiên chúng ta nhìn thấy khu vực có những điểm có thể xem là thuận lợi, là ưu thế. Lợi thế của khu vực hiện nay là dự đoán tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới sẽ phát triển năng động, đó là điều kiện để cải thiện hạ tầng cho giáo dục đào tạo.
Thứ hai là mối quan tâm, quyết tâm của chính quyền các địa phương, đội ngũ nhà giáo. Thứ ba là giáo dục đào tạo vùng này đang duy trì cái chất không màu mè, ít hình thức, mà cái chất đó là nền tảng quan trọng. Với cái nhìn lạc quan thì chúng ta đi con đường với niềm tự hào riêng của khu vực", ông Sơn nói thêm.
Khó khăn về hạ tầng cho giáo dục đào tạo, ông Sơn cho rằng "chúng ta đều thấy" nhưng chắc phải có giải pháp rất tổng thể chứ đơn lẻ không thể giải quyết.
Trong đó cấp bách là vấn đề kiên cố hóa trường học, vấn đề trang thiết bị trường học (hiện chưa đạt 50% nhu cầu về trang thiết bị để chương trình đổi mới), các địa phương cần thường xuyên, đặc biệt quan tâm để xử lý...
Để sinh viên giỏi đóng góp cho địa phương
PGS.TS Vũ Hải Quân - giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM - cho biết hệ thống các trường thành viên ĐH này có hơn 28.000 sinh viên đến từ 12 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Điểm chung của các sinh viên này là điểm đầu vào cao, học rất giỏi. Tuy nhiên ông Quân cũng bày tỏ lo ngại khi sinh viên trở lại làm việc tại quê nhà sau khi ra trường còn thấp.
"Chúng ta làm thế nào để có thể thu hút các em sinh viên tốt nghiệp về làm việc để địa phương phát triển mạnh mẽ hơn nữa, để các em sinh viên giỏi ĐH Quốc gia TP.HCM làm sao có cơ hội đóng góp cho địa phương.
Thứ hai là cần thấy trách nhiệm của địa phương trong đồng hành với các trường đại học để bồi dưỡng cho các sinh viên địa phương mình" - ông Quân nói thêm.
Mở rộng đại học hay nâng chất trường hiện có?
Phát biểu tại hội nghị, GS Nguyễn Thanh Phương - chủ tịch hội đồng trường Trường ĐH Cần Thơ - cho biết Đồng bằng sông Cửu Long hiện có 16 trường đại học phân bố ở 10 tỉnh, thành (trừ Bến Tre, Cà Mau và Sóc Trăng) và sáu phân hiệu của các trường đại học.
Ước tính các trường này đang đào tạo 80% sinh viên đại học toàn vùng, 20% còn lại các trường ngoài Đồng bằng sông Cửu Long đào tạo.
Trong khi đó, năng lực giảng viên các trường hiện nay còn hạn chế với số tiến sĩ, giáo sư, phó giáo sư chiếm chỉ 25%, thạc sĩ chiếm 63%.
Trong khi đó nhiều trường đại học chú trọng chọn đào tạo các ngành "hot", còn ngành mà xã hội cần thì ít, nhất là các ngành về kỹ thuật công nghệ.
"Câu hỏi đặt ra là có nên mở rộng thêm các trường đại học hay là nâng chất các trường hiện có?" - ông Phương băn khoăn.
TTO - Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng nhiều tỉnh miền Tây đã từng bước thoát khỏi tình trạng ‘vùng trũng giáo dục phổ thông’ và đó là thành quả của sự nỗ lực, kiên trì lâu dài của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân.
Xem thêm: mth.99370758082203202-gnol-uuc-gnos-gnab-gnod-cud-oaig-ohc-taht-tun-og/nv.ertiout