Báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán SSI cho biết, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa mua vào một lượng lớn ngoại tệ từ các ngân hàng thương mại. “Với nguồn cung ngoại tệ dồi dào, NHNN tiếp tục mua vào lượng lớn ngoại tệ, giúp dự trữ ngoại hối hướng gần hơn đến mục tiêu 100 tỷ USD vào cuối 2020 mà Chính phủ đã đưa ra”, SSI cho biết.
Về lý thuyết, việc NHNN mua vào USD sẽ khiến đồng bạc xanh khan hiếm hơn trên thị trường, qua đó đẩy giá đồng tiền này (tỷ giá) tăng. Thế nhưng, diễn biến thực tế trên thị trường gần đây lại không như vậy khi mà tỷ giá chẳng những không tăng, mà còn có xu hướng giảm kể từ đầu tháng 11 đến nay.
Trong phiên giao dịch ngày 26/11, NHNN tiếp tục giảm nhẹ tỷ giá trung tâm 1 đồng xuống còn 23.164 đồng/USD; còn so với thời điểm đầu tháng 11, hiện tỷ giá trung tâm đã giảm tới 37 đồng, tương đương giảm khoảng 0,13%. Trong khi đó, tỷ giá tại các ngân hàng cũng có xu hướng giảm nhẹ so với thời điểm đầu tháng 11. Hiện giá mua vào USD của các nhà băng phổ biến ở mức 23.050 đồng/USD, trong khi giá bán ra phổ biến ở mức 23.250 đồng/USD. Các mức giá này đều thấp hơn khoảng 30 đồng so với thời điểm đầu tháng 11, có nghĩa tỷ giá thị trường cũng giảm khoảng 0,13%.
Nhìn chung, diễn biến thị trường ngoại hối từ đầu năm đến nay khá bình lặng, ngoại trừ đợt nổi sóng hồi cuối tháng 3/2020 do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Thời điểm đó, đại dịch bùng phát tại nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới khiến đồng USD tăng giá mạnh, lập đỉnh 2 năm. Tất cả những điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý thị trường trong nước, đẩy tỷ giá tăng cao. Tuy nhiên sau khi NHNN tuyên bố sẵn sàng bán ngoại tệ để can thiệp, thị trường đã ổn định trở lại.
So với đầu năm nay, hiện tỷ giá trung tâm mới tăng 9 đồng, tức tăng chưa tới 0,04%. Trong khi giá bán ra USD tại các ngân hàng cũng chỉ tăng 20 đồng, tương đương tăng chưa tới 0,01%, thậm chí giá mua vào USD của các nhà băng còn giảm tới 60 đồng so với đầu năm nay.
Theo giới chuyên môn, nguyên nhân khiến tỷ giá trong nước ổn định, thậm chí còn có xu hướng giảm trong thời gian gần đây là do nguồn cung ngoại tệ trong nền kinh tế hiện đang rất dồi dào nhờ cán cân thương mại thặng dư kỷ lục 19,42 tỷ USD. Bên cạnh đó, giải ngân vốn FDI tuy giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn đạt gần 16 tỷ USD. Ngoài ra còn nguồn giải ngân vốn ODA, kiều hối… Đặc biệt, USD trên thị trường quốc tế cũng đã và đang có xu hướng giảm khi Mỹ đã tung ra hàng nghìn tỷ USD giải cứu nền kinh tế, đồng thời FED duy trì lãi suất gần 0% và nới lỏng định lượng không giới hạn.
Theo Công ty Chứng khoán KBSV, nguồn cung ngoại tệ được đánh giá vẫn duy trì trạng thái dồi dào trong quý IV/2020, khi hoạt động xuất nhập khẩu hồi phục và vốn FDI giải ngân vẫn tương đối tốt. Trong khi đó, lượng kiều hối thường tăng mạnh giai đoạn cuối năm nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm trước Tết Nguyên Đán.
Cũng chính bởi vậy, thay vì nhận định tỷ giá sẽ tăng, KBSV dự báo, tỷ giá sẽ đi ngang trong năm 2020. Sở dĩ như vậy do: Thứ nhất, nguồn cung USD trong nước hiện rất dồi dào. Thứ hai, đồng USD có xu hướng giảm giá trên thị trường quốc tế.
“Việc FED khẳng định vẫn duy trì quan điểm nới lỏng tiền tệ ít nhất cho đến 2021 và chính sách tài khóa mở rộng của Mỹ có thể sẽ khiến USD tiếp tục nghiêng về xu hướng giảm trong quý IV/2020”, KBSV dự báo.
TS. Cấn văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV nhận định, tỷ giá từ nay đến cuối năm có thể tăng nhẹ, song vẫn nằm trong phạm vi kiểm soát của NHNN nhờ lượng dự trữ ngoại hối tương đối lớn, hơn 90 tỷ USD và có thể đạt 100 tỷ USD vào cuối năm nay.
Nhìn chung, các dự báo của giới chuyên môn đều cho thấy, khả năng tăng mạnh của tỷ giá trong những tháng cuối năm nay là không có.
Xem thêm: lmth.5161978846061-oas-ar-es-aig-yt-gnod-yt-00003-mob-coun-ahn-gnah-nagn/nv.semitaer