vĐồng tin tức tài chính 365

'Bài học Nhật Bản' để đối phó lãi suất thấp và lạm phát thời hậu Covid-19

2020-11-29 11:07

Nhiều bữa tiệc xa hoa được tổ chức bởi giới ngân hàng khi thập niên 80 của thế kỷ trước chính thức khép lại với chỉ số Nikkei 225 chạm đỉnh lịch sử 38.957 điểm. Đây chính là thập kỷ huy hoàng nhất họ từng chứng kiến. Và đó cũng là lý do họ bước vào một thập kỷ mới với hy vọng 10 năm tiếp theo nối đà thăng hoa như giai đoạn vừa qua.

Nền kinh tế tăng trưởng bình quân 4%/năm và dường như chặng đường 10 năm tới cũng không có quá nhiều khác biệt. Đến năm 1995, Nomura Securities dự đoán chỉ số Nikkei sẽ chạm 63.700 điểm. Đó thực sự là một kỷ nguyên rực rỡ. Các quan chức nước ngoài, nhà đầu tư và làm việc trong lĩnh vực tài chính, báo giới đổ xô tới thủ đô Tokyo. Tất cả đều muốn "gói mang về" những bài học về sự phát triển thần kỳ của Nhật Bản.

Quá trình học hỏi đó vẫn chưa dừng lại. 30 năm sau, nền kinh tế Nhật Bản vẫn chưa đánh mất sự hấp dẫn của mình. Nhưng ngoài những "bí quyết" để có một tốc độ tăng trưởng kinh tế thần kỳ, sinh viên Nhật Bản ngày nay còn muốn biết cách "sống chung với lũ" khi chu kỳ thịnh vượng chính thức trôi qua.

"Có một sự thật rằng những vấn đề Nhật Bản đã gặp phải cũng là những vấn đề các quốc gia châu Âu đang đối mặt", theo Hirisho Nakaso, cựu phó thống đốc ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ).

"Tôi không khẳng định châu Âu sẽ theo đúng con đường mà Nhật Bản đã đi nhưng những kinh nghiệm của Nhật Bản chắc chắn sẽ cho họ những gợi ý hết sức quý giá".

Bài học Nhật Bản để đối phó lãi suất thấp và lạm phát thời hậu Covid-19 - Ảnh 1.
Hoạt động tại sàn giao dịch ngoại hối Tokyo, Nhật Bản, năm 1987. Ảnh: AP.

Trên khía cạnh kinh tế, những bài học đó bao gồm tầm quan trọng của việc duy trì sự tin tưởng của người dân với chính sách từ ngân hàng trung ương và sự cần thiết có một chiến lược phù hợp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nói rộng hơn, những kinh nghiệm của Nhật Bản trong nhiều thập kỷ qua phần nào giúp hình thành một "khuôn mẫu" về việc làm sao xã hội có thể tồn tại với lãi suất thấp.

Phần lớn các quốc gia phát triển trên thế giới đã có những bước hồi phục sau dịch bệnh với nhiều nền kinh tế đang trong đúng tình trạng Nhật Bản từng trải qua.

Nhưng viễn cảnh đó lại trở thành nỗi lo của không ít người, khi Nhật Bản cũng phải đối mặt với không ít thời điểm trì trệ trong khoảng thời gian 3 thập kỷ qua. Kể từ năm 1990, Nhật Bản ghi nhận tốc độ tăng trưởng thực tế bình quân hàng năm 0,8% và lạm phát 0,4%. Chỉ số Nikkei 225 cũng không bao giờ có thể tiến gần tới mức kỷ lục như tháng 12/1989. Hiện tại, chỉ số này đang dao động quanh 25.907 điểm. Thu nhập bình quân đầu người của Nhật Bản tính theo USD chỉ bằng 1/3 so với Mỹ.

Trong khi phần lớn các quốc gia trên thế giới đều chứng kiến nền kinh tế bùng nổ vào những năm 1990 và 2000, các vấn đề của Nhật Bản dường như khá đặc biệt, và giới chuyên gia kinh tế nước ngoài "xếp hàng" chờ được đóng góp quyết sách mang tính chiến lược cho quốc gia này. Nhưng nền kinh tế quốc gia họ cũng dần bắt đầu cho thấy những sự trùng hợp đến kỳ lạ. Trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 - 2009, lãi suất tại châu Âu và Mỹ đã giảm xuống 0% và trong suốt quá trình hồi phục nền kinh tế, lạm phát cũng không tăng trở lại.

Không còn là trường hợp cá biệt, Nhật Bản hiện tại trở thành trường hợp điển hình cho quá trình nghiên cứu điều gì sẽ xảy ra trong một môi trường mà lãi suất cũng như chỉ số lạm phát luôn ở mức thấp trong một khoảng thời gian dài - tình thế mà nhiều quốc gia phát triển trên thế giới đang phải đối mặt sau đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, để có thể giải mã các bài học trên, việc hiểu điều gì đã xảy ra tại Nhật Bản trong vòng 30 năm qua là điều hết sức quan trọng. Cho dù kết quả của tình trạng tăng trưởng thấp, lạm phát thấp và lãi suất thấp là khá giống trong suốt giai đoạn đó, các lực lượng kinh tế lao động đã thay đổi rất nhiều. Đó không phải là một quá trình riêng lẻ.

Thay vào đó, có đến tới 3 giai đoạn riêng biệt nhưng lại mang ý nghĩa tương trợ lẫn nhau: cuộc khủng hoảng tài chính vào những năm 1990, giảm phát nhẹ kéo dài vào những năm 2000 và trong thập kỷ vừa qua, là cuộc chiến chống lại tình trạng già hóa dân số. Với 3 giai đoạn sau kỷ nguyên bong bóng tại Nhật Bản, những bài học cho phần còn lại của thế giới chắc chắn sẽ có những khác biệt.

Thập kỷ 1990 - khủng hoảng ngành ngân hàng

Bài học Nhật Bản để đối phó lãi suất thấp và lạm phát thời hậu Covid-19 - Ảnh 2.

Một người đàn ông ở thành phố Sapporo đọc tin ngân hàng Hokkaido Takushoku của Nhật Bản chuyển giao hoạt động cho ngân hàng North Pacific (Hokuyo). Ảnh: Jiji Press.

Trong những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, nhiều người bắt đầu cảnh giác về việc bong bóng trên thị trường chứng khoán và bất động sản chạm đỉnh, khi các nhà đầu cơ và phát triển bất động sản mất khả năng thanh toán các khoản vay lên tới hàng nghìn tỷ yên. Tuy nhiên, thay vì việc công bố nợ xấu, các ngân hàng tại Nhật Bản lại "giả vờ" như những tài sản thế chấp vẫn nằm trong diện an toàn và các khoản nợ vẫn đang ở trong trạng thái tốt.

Minoru Masubuchi tiếp quản bộ phận hệ thống tài chính thuộc BOJ vào năm 1994.

"Tôi nghĩ rằng chúng ta biết trước từ rất sớm rằng đó là vấn đề hết sức nghiêm trọng. Đó là tình hình tôi nhìn thấy khi tôi bắt đầu nhận nhiệm vụ mới", ông cho biết. "Tuy nhiên, đối với nhiều người, đặc biệt là trong giới chính trị và truyền thông, họ không nhận ra được điều đó".

Các nhà kỹ trị muốn cung cấp thêm vốn cho các ngân hàng thông qua nguồn tài chính công nhưng họ không thể thuyết phục được các chính trị gia. Cuộc khủng hoảng ngành ngân hàng chỉ thực sự bùng nổ vào "tháng 11 đen tối" của năm 1997.

"Takushoku và Yamaichi Securities chính thức tuyên bố thua lỗ và bầu không khí trở nên vô cũng căng thẳng", theo Masubuchi. "Quãng thời gian tồi tệ nhất là từ tháng 11/1997 cho tới hết năm".

Những nỗ lực đầu tiên nhằm cải thiện tình hình thậm chí còn khiến cho mọi chuyện tệ hơn. Đầu năm 1997, Bộ Tài chính Nhật Bản cho biết cơ quan này sẽ can thiệp nếu như tỷ lệ an toàn vốn (CAR) xuống thấp hơn so với một mốc nhất định nhưng điều đó lại góp phần thúc đẩy các ngân hàng cắt giảm cho vay nhằm có thể tồn tại.

"Nhiều công ty nhỏ và vừa không thể trụ vững", theo Hiroshi Yoshikawa, thành viên của hội đồng tư vấn kinh tế của chính phủ Nhật Bản trong giai đoạn 2001 - 2006. "1997 - 1998 là quãng thời gian tồi tệ nhất đối với Nhật Bản, kể từ sau Thế Chiến II".

Sự đổ vỡ trên quy mô lớn của hệ thống tín dụng tác động tiêu cưc lên nền kinh tế. Bị ám ảnh bởi bong bóng, BOJ tỏ ra rất chậm trong cắt giảm lãi suất, và lặp đi lặp lại những vòng hỗ trợ tài khóa vốn có rất ít hiệu quả.

Lạm phát giảm dần và tới năm 1999, thậm chí rơi xuống 0%. Nhưng lý do dẫn tới tình trạng này này lại là điều không hề xa lạ đối với Nhật Bản, và cũng không có gì là bất thường. Đó chính là một cuộc khủng hoảng ngành ngân hàng không được giải quyết triệt để.

Theo dõi từ bờ bên kia Đại Tây Dương, các nhà hoạch định chính sách của Mỹ học hỏi được rất nhiều điều. Khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra trong giai đoạn 2008 - 2009, họ nhanh chóng cắt giảm lãi suất và đổ dồn nguồn lực tài chính công vào các ngân hàng thông qua Chương trình cứu trợ tài sản nguy hiểm.

"Vấn đề nợ xấu và khó khăn tài chính kết thúc vào năm 2003", theo ông Yoshikawa. "Nếu như chúng tôi có bất cứ khó khăn nào sau năm 2003, chúng tôi phải có một cách giải thích khác".

Sau nhiều khó khăn, Nhật Bản khắc phục thành công cuộc khủng hoảng ngân hàng và mọi người nghĩ rằng mọi chuyện quay trở lại trạng thái bình thường.

"Cá nhân tôi nghĩ rằng chúng ta đã quay trở lại một chu kỳ kinh tế bình thường. Tôi không cho rằng tình trạng trì trệ sẽ kéo dài mãi", theo ông Masubuchi.

Những năm 2000 - thời kỳ trì trệ

Bài học Nhật Bản để đối phó lãi suất thấp và lạm phát thời hậu Covid-19 - Ảnh 3.
Sau giai đoạn chật vật, Nhật Bản giải quyết thành công khủng hoảng ngân hàng và mọi người tin mọi thứ sẽ trở lại bình thường. Ảnh: Reuters.

Điểm yếu của nền kinh tế trở nên rõ ràng và BOJ cần hành động. Câu hỏi ở đây là họ phải làm gì? Tất cả các bộ sách kinh tế đều ám chỉ tới lãi suất dương.

"Không có tài liệu nào chúng tôi có thể tham khảo. Tôi cho rằng thứ chúng tôi có đó chính là lý thuyết tài chính cơ bản", theo Nobou Inaba, cựu vụ trưởng vụ chính sách tiền tệ của BOJ trong những năm giữa thập niên 90 trước khi trở thành một thành viên trong ban điều hành.

Và kết quả cuộc thử nghiệm này giúp tạo nên cuốn sổ tay hoạt động cho nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới. Đầu tiên, BOJ cắt giảm lãi suất xuống 0%. (Tại thời điểm họ cho rằng lãi suất âm là điều bất khả thi, theo ông Masubuchi).

Trong khi đó, Nobuyuki Nakahara, cựu doanh nhân đồng thời là thành viên trong ủy ban chính sách của BOJ tích cực ủng hộ các ý tưởng của Bennett McCallum, nhà kinh tế học người Mỹ. Ông McCallum đã đệ trình một nguyên tắc về cách một ngân hàng trung ương có thể tăng lượng cung tiền mặt trong bối cảnh nền kinh tế không thể đạt được số lượng việc làm toàn thời gian cần thiết.

BOJ không thể cắt giảm lãi suất thêm nữa, nhưng cơ quan này có thể gia tăng tỷ lệ dự trữ của các ngân hàng. Ông Nakahara gọi đây là phương pháp "nới lỏng định lượng".

Phương pháp này cho phép hạ lãi suất trong dài hạn và có tác động ổn định hóa thị trường tài chính, nhưng không thể chuyển đổi lạm phát thành tăng trưởng, vốn đang có đà hồi phục chậm trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 20. Vấn đề cốt lõi nhanh chóng lộ ra. Đó chính là người dân không còn kỳ vọng giá cả hàng hóa hay lương tăng. Dù nhiều biện pháp đã được ngân hàng trung ương áp dụng, kỳ vọng của họ dường như vẫn không có sự thay đổi.

Bài học Nhật Bản để đối phó lãi suất thấp và lạm phát thời hậu Covid-19 - Ảnh 4.
Diễn biến lãi suất tại Mỹ và Nhật Bản qua các năm. Đơn vị: %.

"Trong lý thuyết chính sách tiền tệ, kinh nghiệm của chúng ta cho thấy rằng việc neo lạm phát kỳ vọng là điều khá quan trọng. Tại Nhật Bản, trong một giai đoạn mà giảm phát kéo dài, kỳ vọng về lạm phát được cố định ở mức xung quanh 0%", theo Nakaso.

Một trong những bài học cơ bản trong kinh nghiệm của Nhật Bản đó là sự cần thiết của một hành động mạnh mẽ nhằm ngăn chặn trước bất cứ một sự đi xuống nào của lạm phát kỳ vọng và sức mạnh hạn chế của chính sách tiền tệ nếu như mục tiêu đó không thể đạt được.

Bài học về sự kỳ vọng đó được áp dụng tại ngân hàng trung ương nhiều quốc gia phát triển. Jerome Powell, chủ tịch Cục dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed), cam kết đẩy lạm phát vượt mức mục tiêu 2% "trong một số giai đoạn", thể hiện "sự quyết tâm" nhằm không để kỳ vọng về lạm phát rơi xuống 0% trong đại dịch.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và ngân hàng trung ương Anh gần đây hiệu chỉnh lại các quy định hướng dẫn nhằm giữ chính sách tiền tệ ở trạng thái nới lỏng hoặc nới lỏng hơn so với thời điểm hiện tại cho tới khi lạm phát tăng trở lại tới mức mục tiêu và không có dấu hiệu đi xuống.

Những năm 2010 - đấu tranh chống giá hóa dân số

Bài học Nhật Bản để đối phó lãi suất thấp và lạm phát thời hậu Covid-19 - Ảnh 5.
Masaaki Shirakawa khi còn là thống đốc BOJ trả lời họp báo năm 2012. Ảnh: Bloomberg.

Khi một giai đoạn lạm phát thấp vẫn tiếp tục kéo dài và các quốc gia phát triển khác áp dụng chính sách lãi suất bằng 0 sau năm 2008, các nhà kinh tế học bắt đầu đi tìm nguyên nhân sâu xa hơn. Tiến gần về cuối của thập kỷ này, thống đốc BOJ cho rằng nguyên nhân gốc rễ của tình trạng lạm phát thấp của Nhật Bản xuất phát từ tốc độ tăng trưởng yếu của quốc gia này và có liên quan tới vấn đề nhân chủng học đang gặp phải.

"Ngày nay, mọi người đều cho rằng nền kinh tế Nhật Bản có một tương lai tương đối ảm đảm vì sự sụt giảm dân số. Nhưng quan điểm đó là khá mới", theo ông Yoshikawa.

"Trong suốt thâp kỷ đầu tiên của thế kỷ 20, khi các công ty đang cắt giảm số lượng việc làm, ông cho biết, chủ đề của các cuộc bàn luận chủ yếu xoay quanh tình trạng thừa lực lượng lao động của Nhật Bản, không phải sự thiếu hụt".

Tỷ lệ sinh trong xã hội Nhật Bản luôn thấp kể từ những năm 1970 và dân số trong độ tuổi lao động chạm đỉnh vào những năm 1990. Với thực trạng người lao động cao tuổi có xu hướng tiết kiệm nhiều hơn và các công ty cũng có ít động lực hơn đầu tư vào một nền kinh tế đang ngày càng phát triển chậm lại, kết quả tất yếu đó là tỷ lệ lãi suất tự nhiên luôn ở mức thấp. Nhà kinh tế học người Mỹ Lawrence Summers đúc kết ra quan điểm này vào năm 2014 khi ông làm sống lại khái niệm "sự đình trệ thế tục".

Nếu như nhân chủng học là nguyên nhân gốc rễ của vấn đề tại Nhật Bản, đó cũng là bài học chung cho phần còn lại của thế giới. Tỷ lệ sinh tại châu Âu và Mỹ cao hơn, và họ cũng có tỷ lệ người dân nhập cư đáng kể. Cho dù dân số cũng đang già đi, nhưng họ vẫn có cơ hôi tốt hơn để thoát khỏi tình trạng lạm phát và lãi suất bằng 0 kéo dài. Nhưng nhiều nền kinh tế Đông Á khác như Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loạn đang đi đúng vào vết xe của Nhật Bản.

Bài học Nhật Bản để đối phó lãi suất thấp và lạm phát thời hậu Covid-19 - Ảnh 6.
Cơ cấu dân số Nhật Bản theo độ tuổi năm 2100 so với năm 2020.

Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế học cho rằng lý thuyết định mệnh nhân chủng học đã bị đưa đi quá xa, không những không thể giải thích tại sao lại xuất hiện xu hướng lạm phát và lãi suất về 0 mà còn không được áp dụng chính xác.

Ông Yoshikawa không phải là người quá ủng hộ góc nhìn nhân chủng học. "Dân số giảm chắc chắn là một yếu tố bất lợi đối với tăng trưởng kinh tế. Nhưng ít nhất, trong lịch sử, tầm quan trọng của sự sáng tạo đã lấn át đi những bất lợi đó", ông cho biết.

Đối với Charles Goodhart, cựu chuyên gia kinh tế trưởng của ngân hàng trung ương Anh, ông cho rằng tình trạng già hóa dân số phần nào đó sẽ giúp các quốc gia thoát khỏi "cái bẫy Nhật Bản", vì người già thường chi tiêu nhiều hơn so với số tiền họ kiếm được trên thị trường lao động, làm giảm tình trạng tiết kiệm quá mức vốn dẫn đến tình trạng lạm phát và lãi suất ở mức tương đối thấp.

Tuy nhiên, nếu như đúng, lý thuyết đó lại chưa thể giải thích được thực trạng tại Nhật Bản. Hơn là ngồi chờ một sự cải thiện nào đó xuát hiện, vào những năm 2010, Nhật Bản, với những nỗ lực quyết tâm cao nhất của mình, cố gắng thoát khỏi sự trì trệ vốn có với gói hỗ trợ mang tên Abenomics.

Tình hình phát triển kinh tế tại đất nước mặt trời mọc đã được cải thiện rất nhiều dưới thời thủ tướng Shinzo Abe. Nợ công được giữ ổn định lần đầu tiên trong nhiều năm, nhưng những vấn đề cơ bản như lãi suất và lạm phát lại ít có sự thay đổi. Tỷ lệ lạm phát vẫn duy trì ở mức thấp và lãi suất vẫn được cố định ở mốc 0%, qua đó khiến cho Nhật Bản không còn nhiều dư địa để thực hiện các biện pháp đòn bẩy trong bối cảnh nền kinh tế giảm tốc, ví dụ như trong dại dịch Covid-19.

Điều chỉnh kỳ vọng

Bài học Nhật Bản để đối phó lãi suất thấp và lạm phát thời hậu Covid-19 - Ảnh 7.
Cựu phó thống đốc BOJ Hiroshi Nakaso. Ảnh: Reuters.

30 năm kể từ khi bong bóng vỡ, phản ứng thông thường đối với tình thế khó khăn của Nhật Bản là tự đặt ra câu hỏi liệu có sự tồn tại thực sự của một vấn đề hay không?

Một quốc gia ổn định và thịnh vượng. Tốc độ tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người không đến nỗi quá tệ. Đối với nhiều người, đặc biệt là người già, tỷ lệ lạm phát thấp là một dấu hiệu tốt, và một khoản nợ công lớn cũng đỡ đáng sợ hơn khi mang lãi suất là con số 0.

Tuy nhiên, sự lạc quan đó lại đang che mờ đi những vấn đề quản lý kinh tế đầy khó khăn. Đối với phần lớn thời gian trong ba thập kỷ qua, nền kinh tế Nhật Bản vận hành dưới mức công suất tối đa, phá hủy cơ hội trong cuộc sống của hàng triệu người - những người sau khi tốt nghiệp ra trường phải lao ngay vào thị trường lao động yếu ớt. Lựa chọn duy nhất của quốc gia này khi một cuộc khủng hoảng như dịch bệnh Covid-19 bùng nổ là tăng các khoản nợ công.

Vậy bài học từ kinh nghiệm của Nhật Bản là gì? Một trong những bài học đó là việc lãi suất và lạm phát giảm xuống bằng 0 không phải là vấn đề quan trọng. Điều cần thiết ở đây là phải tìm cách ngăn chặn đà suy giảm đó trở thành lời tiên tri tự ứng nghiệm. Hiện tại, cả Mỹ và Anh đều đã có những biện pháp nhằm tránh khỏi cái bẫy lạm phát bằng 0 nhưng ECB lại đang ở mốc tiệm cận nguy hiểm.

Vấn đề nhân chủng học tại Mỹ và Anh khác so với Nhật Bản, nhưng tất cả các quốc gia phát triển đều đang phải đối mặt với thực trạng già hóa dân số, điều sẽ gây nên sự chú ý nhiều hơn tới vấn đề tiêu dùng, trong khi sự phát triển công nghệ là hiện tượng toàn cầu, không của riêng lẻ quốc gia nào cả.

Điều quan trọng là phải nhìn nhận một cách cụ thể vào kinh nghiệm của Nhật Bản và nhận ra rằng dù khó khăn là gì, các quốc gia cũng không được từ bỏ tham vọng phát triển, và phải làm tất cả những gì cần thiết để nâng tầm đất nước lên những tầm cao mới, ở đó, tỷ lệ người dân có việc làm luôn ở mức cao, thu nhập của người lao động có sự tăng trưởng và lạm phát không bị rơi xuống mốc tiêu cực là 0.

"Có hai điều mà chúng tôi đúc kết ra trong thời gian qua. Một là tầm quan trọng của tình hình ổn định tài chính và hai là tầm quan trọng của chiến lược phát triển", theo ông Nakaso.

"Các chính sách nhằm xác định được lượng cung và cầu của nền kinh tế cũng rất nên được lưu ý quan tâm. Việc nâng cao tốc độ tăng trưởng tiềm năng của Nhật Bản vẫn giữ được ý nghĩa vô cùng quan trọng".

Trọng Đại

NDH

Xem thêm: nhc.97850609092110202-91-divoc-uah-ioht-tahp-mal-av-paht-taus-ial-ohp-iod-ed-nab-tahn-coh-iab/nv.zibefac

Comments:0 | Tags:No Tag

“'Bài học Nhật Bản' để đối phó lãi suất thấp và lạm phát thời hậu Covid-19”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools