Mỗi câu chuyện là một cuộc đời, là một nghĩa cử cao đẹp của mỗi cá nhân dành cho cộng đồng, xã hội - Ảnh: HỒNG QUÂN
Tất cả những "ông tiên, bà bụt'" thầm lặng ấy như những bông hoa đẹp, góp phần làm nên cuộc đời đầy hương sắc.
Người quản trang già lặng lẽ chăm sóc mộ liệt sĩ
Quản trang Hồ Văn Thương - nghĩa trang liệt sĩ huyện Vĩnh Hưng và Tân Hưng, tỉnh Long An - chia sẻ - Video: HỒNG QUÂN
Ông Hồ Văn Thương vào làm việc tại nghĩa trang liệt sĩ liên huyện Vĩnh Hưng và Tân Hưng từ tháng 8-1996 đến nay. Công việc hằng ngày ông Thương là nhang khói, cắt cỏ, quét dọn... cho 4.000 phần mộ tập kết từ Campuchia về đây. Ngoài ra, ông còn tiếp đón thân nhân, các đoàn thăm viếng quanh năm ngày tháng, bận rộn nhất là dịp 27-7, 22-12...
"Đây là việc mình làm phải có tâm, không ăn lương, làm để đền ơn đáp nghĩa những người đã ngã xuống, hi sinh vì hòa bình hôm nay. Mình không đóng góp gì nhiều, mình còn sức khỏe thì ráng cố gắng phụ anh em. Nhỏ tuổi thì không làm, lớn tuổi thì đòi hỏi sức khỏe, ý thức nên khó kiếm người thay."
Người bác sĩ nửa đời thầm lặng chăm sóc bệnh nhân phong
Bác sĩ Nguyễn Thị Xuân - Bệnh viện Da liễu tỉnh Bắc Ninh - Ảnh: HỒNG QUÂN
Đó là câu chuyện bác sĩ Nguyễn Thị Xuân dành hơn 30 năm sống và phục vụ bệnh nhân phong khuyết tật tại Bệnh viện Da liễu Bắc Ninh. Ngoài ra, nữ bác sĩ này còn hỗ trợ vốn làm ăn và xây hơn 200 ngôi nhà cho bệnh nhân phong, tặng 50 học bổng các em nhỏ hoàn cảnh khó khăn hàng năm…
Tâm niệm cứ làm rồi điều thiện sẽ lan tỏa đến với mọi người xung quanh, bác sĩ Xuân chia sẻ: "Những người bệnh phong vừa chịu đựng cụt chân, cụt tay lại còn bị gia đình hắt hủi nên lúc nào, họ cũng có tâm lý "bị bỏ rơi". Thêm nữa, có người bị "dồn nén" nên tính tình không bình thường. Tưởng tượng gia đình có một người già thì mình đã thấy vất vả, nhưng đây cả mấy trăm người.
Mỗi người một tính. Khi ở với họ, mình phải tâm sự để hiểu và chia sẻ để họ vượt qua khó khăn. Nhiều bạn trẻ tâm sự buồn, chán khi vận động lại bỏ nhưng bác sĩ Xuân lại khuyên nhủ làm cái gì cũng khó, cố gắng vì công việc."
"Để theo nghề phải quên mình, nhiều lúc đói, mất ăn mất ngủ. Có người hiểu thì họ thông cảm, có những người không hiểu thì trách móc... Mình thương người ta thực sự thì sẽ vượt qua được" - bác sĩ Xuân nói.
Chàng trai 23 tuổi làm "trái lệnh Thần chết"
Anh Lê Anh Tuấn - Ảnh: HỒNG QUÂN
Anh Lê Anh Tuấn (sinh 1997, tỉnh Bình Dương) được bà con lối xóm mệnh danh là "Hiệp sĩ bóng đêm". Từ đầu 2018 đến nay, anh đã chạy hơn 500 chuyến xe cấp cứu miễn phí, kịp thời đưa người bị nạn trên đường vào bệnh viện.
Tuấn chia sẻ: "Mình không sợ máu, không ngại tai nạn, sẵn có xe nên làm việc thiện tích đức, tạo phước cho đời. Nếu mình không giúp thì sẽ có thêm một người phải bỏ mạng, cứu một người bằng xây bảy tòa tháp mà".
Mỗi ngày từ 3h sáng, anh phụ ba mẹ lấy hàng về bán ở chợ Thủ Dầu Một cho đến đến 18h. Tối đến, Tuấn lái xe trên đường hoặc trực điện thoại để cứu giúp những trường hợp bị tai nạn giao thông do người dân báo.
Để làm việc này, anh Tuấn học thêm kiến thức và kỹ năng sơ cứu. Tuấn chia sẻ dù đã cấp cứu hàng trăm ca tai nạn nhưng anh Tuấn vẫn nhớ ca tai nạn vào một ngày tháng 7-2018. 23h đêm có một xe 4 chỗ tông vào 2 chiếc xe máy đi ngược chiều, một anh thanh niên bê bết máu, gãy một bên chân, chân còn lại giập nát. "Đây là ca thảm thiết nhất, hoại tử nặng dẫn đến việc bác sĩ phải cưa chân, mình ám ảnh mãi" - Tuấn nói.
Nguyện vọng của Tuấn bây giờ là mua được một chiếc xe tốt hơn, có bình oxy chuyên dụng, cáng cứu thương, còi ưu tiên... vì nhiều ca tai nạn không có dụng cụ chuyên dụng khi đưa đến bệnh viện thì quá muộn.
TTO - Ở công viên sông Tiền, nơi có ngã ba sông nước xoáy cực kỳ nguy hiểm, mỗi khi người ta nghe tiếng kêu cứu thất thanh là xuất hiện ngay một ông già dáng nhỏ thó lao ra sông cứu người như tia chớp. Ông là Tám Cuộc.