CTCP Chứng khoán Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VICS, mã chứng khoán: VIG) vừa công bố nghị quyết tổ chức ĐHĐCĐ bất thường năm 2021 về việc phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ.
Theo đó, công ty chứng khoán này chuẩn bị phát hành 66 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá trị 660 tỷ đồng (giá phát hành tối thiểu là mệnh giá) để tìm cổ đông chiến lược cho công ty có nguồn vốn đầu tư, kinh doanh nhằm tái cấu trúc, đảm bảo tỷ lệ an toàn tài chính theo quy định.
Công ty sẽ chốt danh sách cổ đông ngày 17/12 tới đây. Sau đợt phát hành cổ phiếu này, nếu thành công, vốn điều lệ của VICS sẽ tăng thêm 660 tỷ đồng, từ 341,3 tỷ đồng hiện có lên mức 1.001 tỷ đồng.
Trên thị trường, cùng làn sóng tăng trưởng của khối chứng khoán thời gian gần đây, cổ phiếu VIG của VICS tăng gấp 7 lần từ vùng giá 2.200 đồng/cổ phiếu hồi đầu năm lên mức đỉnh 16.200 đồng/cổ phiếu vào phiên 24/11 vừa qua. Chốt phiên 30/11, cổ phiếu VIG giảm về mức 15.700 đồng/cổ phiếu.
Kết quả kinh doanh của Chứng khoán VICS lại ghi nhận không mấy khả quan. Trong 9 tháng đầu năm 2021, công ty này báo lỗ ròng gần 3,3 tỷ đồng. Sau nhiều năm hoạt động không hiệu quả, Công ty chịu lỗ lũy kế gần 172 tỷ đồng, ăn mòn vốn chủ sở hữu. Những năm qua, Chứng khoán VICS chỉ ghi nhận doanh thu hoạt động chủ yếu đến từ mảng môi giới.
Cổ phiếu VIG từng bị Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) hạn chế giao dịch khi chỉ được giao dịch vào phiên thứ 6 hàng tuần từ ngày 26/4/2021 . Lý do hạn chế là công ty chứng khoán này đã lỗ sau thuế liên tiếp trong hai năm 2019 và 2020. Theo quy định, cổ phiếu niêm yết của công ty sẽ bị hạn chế giao dịch. Tuy nhiên, căn cứ giải trình nguyên nhân và phương án khắc phục của công ty, cổ phiếu VICS đã được gỡ bỏ hạn chế từ ngày 14/5/2021.
Công ty này giải trình do năm 2019, công ty chỉ hoạt động ở mức cầm chừng để tái cấu trúc nên doanh thu chỉ đạt gần 6 tỷ đồng trong khi chi phí duy trì và chi phí quản lý doanh nghiệp là gần 30 tỷ đồng. Cộng với hơn 17 tỷ đồng chi phí trích lập dự phòng các khoản nợ phải thu khó đòi đã dẫn đến khoản lỗ gần 24 tỷ đồng sau thuế. Sang năm 2020, dù đã cắt giảm tối đa chi phí và quy mô hoạt động nhưng tình trạng kinh doanh dưới giá vốn vẫn tiếp tục diễn ra, dẫn đến khoản lỗ hơn 3 tỷ đồng sau thuế.
Chứng khoán VICS đang tìm kiếm đối tác và nhà đầu tư chiến lược để đầu tư hợp tác cũng như tái cấu trúc lại công ty.
Thời gian gần đây, cuộc đua tăng vốn để mở rộng thị phần của các công ty chứng khoán sôi động hơn bao giờ hết. Bên cạnh VICS, nhiều công ty chứng khoán cũng công bố kế hoạch tăng vốn, nâng quy mô.
Chứng khoán SSI vừa ban hành Nghị quyết trình Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) phương án tăng vốn điều lệ lên gần 15.000 tỷ đồng thông qua chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu bằng cách chào bán gần 500 triệu cổ phiếu mới cho cổ đông hiện hữu.
Chứng khoán VNDirect mới đây cũng công bố việc chào bán thêm 435 triệu cổ phiếu mới cho cổ đông hiện hữu và dự kiến phát hành gần 348 triệu cổ phiếu thưởng, nâng vốn điều lệ lên 12.000 tỷ đồng.
Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) cũng vừa được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận hồ sơ đăng ký tăng vốn điều lệ từ 1.500 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng.
Chứng khoán APG cũng muốn tăng vốn gấp đôi lên 1.460 tỷ đồng, Chứng khoán Apec dự kiến tăng vốn từ 1.660 lên 3.200 tỷ đồng, Chứng khoán VIX cũng xin ý kiến cổ đông phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ ngay khi hoàn tất tăng vốn thêm 115% trước đó.