Trong một cuộc phỏng vấn kế toán của một công ty tài chính hàng đầu, ba ứng viên được yêu cầu trả lời câu hỏi: “Nếu bạn nhặt được 150 triệu rồi sau đó có một người xuất hiện, tự xưng là chủ sở hữu và nói rằng số tiền người đó bị mất là 250 triệu chứ không phải 150 triệu như bạn nói. Lúc đó bạn sẽ xử lý thế nào?”
Ứng viên thứ nhất không chút do dự mà trả lời rằng: "Tôi nghĩ nếu người này nói như vậy thì rõ ràng là đang muốn nhân cơ hội này để lừa tiền. Nếu tôi gặp phải tình huống này, tôi sẽ giải quyết bằng cách đi báo cảnh sát".
Ngay sau đó, ứng viên thứ hai liền nói: Những gì ứng viên thứ nhất vừa nói chưa thực sự thuyết phục. Trong thời buổi hiện nay, muốn làm bất cứ chuyện gì cũng phải có bằng chứng xác đáng. Nếu là tôi, đầu tiên tôi sẽ đến địa điểm mà người đó mất tiền, sau đó kiểm tra camera xung quanh, từ đó chứng minh bản thân vô tội. Sau đó tôi sẽ bắt người đó phải bồi thường cho tôi một số tiền, coi như một khoản đền bù vì đã làm lãng phí thời gian.
Còn lại ứng viên thứ ba, sau khi suy nghĩ cuối cùng đã trả lời: Nếu người đó khẳng định rằng số tiền bị mất là 250 triệu, trong khi số tiền tôi nhặt được chỉ có 150 triệu. Vậy thì gần như chắc chắn số tiền tôi nhặt được không phải là của người đó. Vậy nên tôi sẽ không trả lại số tiền vừa nhặt được cho người này mà sẽ đi tìm chủ nhân thực sự.
Sau khi quan sát cách xử lý của các ứng viên, nhà tuyển dụng đã không do dự mà tuyển ngay ứng viên thứ ba vào làm việc và đánh trượt thẳng tay hai ứng viên đầu tiên.
Như vậy, nếu suy xét kỹ càng, người tự xưng là người bị mất tiền không phải là chủ nhân thực sự của số tiền 150 triệu. Nhưng tại sao hai ứng viên đầu lại hấp tấp mà trả lời sai. Liệu nhà tuyển dụng có dụng ý gì khi đưa ra câu hỏi này không?
Chắc chắn là có. Trong khi phỏng vấn, không có bất cứ câu hỏi nào là câu hỏi thừa. Mỗi câu hỏi đều có thể đánh giá năng lực và phẩm chất của người tìm việc. Vậy nếu gặp phải những dạng câu hỏi khó trong khi phỏng vấn, cần phải chú ý điều gì?
Phải có nguyên tắc
Dù là bất cứ công việc gì đi chăng nữa, luôn có một yêu cầu mà bất cứ nhà tuyển dụng nào cũng yêu cầu nơi ứng viên, đó là: phải có nguyên tắc.
Vậy như thế nào thì được coi là một người có nguyên tắc?
1. Cẩn trọng trong lời nói và hành động
Ở nơi làm việc, nhân viên nên nói ít đi và hành động nhiều hơn. Hãy dùng kết quả công việc để chứng minh năng lực bản thân thay vì chỉ nói những lời sáo rỗng.
2. Có giới hạn đạo đức
Chúng ta luôn phải nhớ rằng: có một số chuyện nhất định không được làm.
Chẳng hạn như: giậu đổ bìm leo, thừa cơ người khác gặp nguy khốn mà làm hại thêm; mượn gió bẻ măng, lợi dụng cơ hội để làm việc xấu, kiếm lợi về cho mình. Đây đều là những việc người tử tế không thể làm.
Đọc đến đây, có lẽ nhiều người đã hiểu vì sao ứng viên thứ hai bị đánh trượt. Lý do chính là ứng viên này không có nguyên tắc. Chưa cần biết người tự xưng mình là chủ nhân của số tiền bị mất có phải chủ nhân thực sự hay không nhưng quả thật người đó đã bị mất tiền. Khi sự việc chưa sáng tỏ, ứng viên thứ hai lại làm lớn sự việc và có ý định đòi tiền. Chỉ một điểm này thôi đã đủ phản ánh tư cách đạo đức của một người.
Khi phỏng vấn, phải biết ứng biến linh hoạt
Bây giờ, khi viết hồ sơ ai cũng “làm đẹp” thêm CV của mình nên nhà tuyển dụng khi phỏng vấn, nhà tuyển dụng bắt buộc phải xác minh tính trung thực và chuẩn xác của những thông tin đã ghi trong hồ sơ.
Trong quá trình phỏng vấn, nhà tuyển dụng sẽ hỏi rất nhiều câu hỏi kỳ quặc để kiểm tra phản ứng và năng lực xử lý tình huống của các ứng viên.
Ví dụ như: câu hỏi ở đầu bài viết tưởng như là một câu hỏi đơn giản nhưng sự thật không phải như vậy.
Sau khi nghe xong, ứng viên thứ nhất hấp tấp đưa ra câu trả lời và cuối cùng bị loại thẳng tay.
Ứng viên thứ ba lựa chọn xử lý câu hỏi bằng cách suy nghĩ thật thấu đáo rồi mới đưa ra hướng giải quyết. Đây là một yếu tố quan trọng giúp ứng viên được tuyển thẳng vào làm việc.
Vậy nên, khi tham gia phỏng vấn, bạn không nên vội vàng đưa ra câu trả lời ngay sau khi vừa nghe xong câu hỏi, đặc biệt là với những câu hỏi tưởng chừng như đơn giản.
Khi gặp những câu hỏi nghe tưởng chừng rất đơn giản, hãy suy xét thật kỹ: Tại sao một câu hỏi đơn giản như vậy lại xuất hiện trong một buổi phỏng vấn quan trọng thế này?
Hãy học cách đặt câu hỏi để tìm ra đáp án cuối cùng. Thông qua câu hỏi này, nhà tuyển dụng muốn kiểm tra, khai thác thông tin gì từ chúng ta? Những thông tin này có ảnh hưởng thế nào đến kết quả phỏng vấn?
Chỉ khi hiểu được mục đích thực sự nằm sau câu hỏi của nhà tuyển dụng, chúng ta mới có thể dễ dàng đưa ra câu trả lời thuyết phục.
Khi trả lời câu hỏi, đừng quên chú ý đến yêu cầu công việc
Rất nhiều người cho rằng những câu hỏi mà nhà tuyển dụng đưa ra chỉ để kiểm tra năng lực xử lý tình huống của ứng viên mà quên mất rằng, mọi câu hỏi đều liên quan đến yêu cầu công việc của vị trí mà họ đang tuyển dụng.
Ví dụ, trong cuộc phỏng vấn ở đầu bài viết, hầu hết ứng viên đều quên rằng vị trí họ đang ứng tuyển là kế toán.
Vậy điều quan trọng nhất với một kế toán là gì? Đó là sự thận trọng.
Nếu bạn muốn trở thành một kế toán, sự cẩn thận, kiên nhẫn và thận trọng phải tồn tại trong bạn như một dạng tính cách bẩm sinh.
Quan sát hai ứng viên bị loại, chúng ta có thể thấy: ứng viên thứ nhất có lẽ là một người bốc đồng và không thận trọng, nghe xong câu hỏi liền trả lời ngay. Còn ứng viên thứ hai, tuy rằng có cẩn trọng hơn ứng viên trước một chút nhưng ứng viên này lại là một người không có nguyên tắc đạo đức, không thể trở thành kế toán.
Chỉ có ứng viên thứ ba - người có thể bình tĩnh suy xét danh tính chủ nhân thực sự bị mất tiền mới là người không rơi vào câu hỏi “bẫy” này. Chính cách xử lý tình huống thận trọng và thông minh đã giúp ứng viên thứ ba chứng tỏ năng lực và phẩm chất của bản thân, từ đó trở thành ứng viên duy nhất được tuyển thẳng.
Vậy nên, trước khi trả lời câu hỏi mà người phỏng vấn đưa ra, hãy suy nghĩ thật thấu đáo.
Và đừng quên, đây là một cuộc phỏng vấn! Nhà tuyển dụng sẽ không hỏi mà không có mục đích. Những câu hỏi tình huống, những câu hỏi tưởng chừng đơn giản nhưng luôn có liên hệ nhất định đến vị trí ứng tuyển và đôi khi, những câu hỏi này có thể quyết định bạn có là người trúng tuyển hay không.
Phương Thu
Nhịp sống kinh tế