Ngày 1-12, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) tổ chức tiêm vaccine COVID-19 mũi 1 Pfizer cho học sinh độ tuổi từ 15 đến dưới 18 tuổi. Tuy nhiên, trong ngày đầu tiên, có 86 học sinh có phản ứng sau tiêm và phải nhập viện với các triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, ớn lạnh,… Sau khi được cấp cứu tại bệnh viện, sức khỏe của tất cả các em đã ổn định.
BS Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch thường trực Hội truyền nhiễm TP.HCM cho biết sự việc trẻ ngất xỉu hàng loạt trong tiêm chủng đã từng xảy ra nhiều. Không chỉ trẻ nhỏ mà trẻ lớn và phụ nữ cũng thường ngất xỉu hàng loạt.
Học sinh trường THPT Củ Chi, TP.HCM được khám sàng lọc trước khi tiêm chủng vaccine COVID-19. Ảnh: HOÀNG GIANG
Triệu chứng ngất xỉu giống với phản ứng phản vệ, do đó khi gặp sự cố này, cần đo mạch và huyết áp để loại trừ nguyên nhân phản vệ. Nếu mạch và huyết áp bình thường, có khả năng trẻ bị phản ứng tâm lý hàng loạt. Phản ứng này đã được lưu ý trong tài liệu quốc tế và các lớp tập huấn tiêm chủng. Nhiều trường hợp trẻ đã về nhà rồi nhưng nghe bạn ngất xỉu thì trẻ cũng có thể xỉu theo.
Khi đó, cần tách các trẻ ra và đánh lạc hướng sự chú ý của trẻ bằng cách cho các trẻ ngậm kẹo để giảm bớt lo lắng cho các em. Khu vực tiêm chủng cũng nên chuẩn bị sẵn kẹo ngậm cho các trẻ để trẻ ngậm trước khi tiêm.
Theo PGS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa y tế công cộng, trường Đại học Y dược TP.HCM, trẻ bị ngất xỉu sau tiêm chủng là khá phổ biến. Ở trẻ, cảm giác đau có thể mạnh hơn người lớn hoặc lo sợ có thể khiến trẻ ngất xỉu.
Khi một trẻ bị ngất thì những trẻ còn lại cũng sợ và trong đó có một vài em bị cơn hoảng sợ nên cũng cảm thấy mệt, khó thở. Nên cho trẻ nằm nghỉ hoặc ngồi nghỉ ít nhất 15 phút trong lúc theo dõi các phản ứng phản vệ. Cần quan sát sắc mặt của trẻ, hỏi trẻ có cảm giác gì lạ, bất thường hay không. Vì vậy, nếu trẻ khóc trong hoặc sau khi tiêm cần an ủi, ôm trẻ vào lòng.
Ở trẻ nhỏ có thể có một số thủ thuật sẽ giúp trẻ vượt qua cảm giác đau. Ví dụ, bảo rằng con phải hít hơi sâu vào và thổi mạnh vào chỗ tiêm để “thổi bay cơn đau”. Việc hít thở sâu sẽ vừa giúp trẻ tốt hơn về hô hấp vừa tạo tác động tâm lý giúp trẻ giảm cảm giác đau.
Sau khi tiêm trẻ có thể gặp một số triệu chứng như sưng, đau, đỏ tại chỗ tiêm, sốt, ớn lạnh, đau cơ, mệt mỏi, nhức đầu, buồn nôn... Các triệu chứng này không được gọi là biến chứng vì nó thường tự khỏi trong 1 hoặc 2 ngày.
Nếu trẻ khó chịu nhiều thì có thể dùng khăn mát hạ nhiệt, chườm vào chỗ tiêm, sử dụng paracetamol theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Cho trẻ uống nước đầy đủ. Không nên uống thuốc hạ sốt giảm đau trước khi tiêm hoặc khi chưa bị đau sốt.
Ngoài ra, trước khi tiêm, phụ huynh cần giải thích về lợi ích của tiêm chủng, quy trình tiêm phòng cho trẻ với ngôn ngữ phù hợp với lứa tuổi, hướng dẫn trẻ chuẩn bị và ứng phó khi bị đau trong khi tiêm và sau khi tiêm, theo dõi trẻ chặt chẽ sau tiêm. Trước ngày tiêm, cha mẹ cho trẻ ăn uống thêm các loại thức ăn đặc biệt hoặc uống thuốc bổ trước ngày đi tiêm, cho trẻ uống nước đầy đủ, tránh làm trẻ cảm thấy căng thẳng.
Để làm sao nhãng sự lo sợ của trẻ trước khi tiêm, cha mẹ có thể đề nghị trẻ thực hành quan sát như bác sĩ có đeo khẩu trang không, bác sĩ tiêm ở tay phải hay tay trái, trước khi tiêm có khử khuẩn da vùng tiêm hay không. Việc thực hành này không phải để phát hiện thao tác đúng hay sai của nhân viên y tế mà giúp cho trẻ có đầu óc quan sát và làm sao nhãng sự lo sợ của trẻ.