Trước đó, xử sơ thẩm, TAND TPHCM tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thành Tài mức án 8 năm tù, bị cáo Lê Thị Thanh Thúy (Chủ tịch HĐQT công ty Hoa Tháng Năm) 5 năm tù về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí.
Cùng tội danh trên, các bị cáo còn lại trong vụ án bị phạt mức án từ 3 -5 năm tù.
Sau bản án sơ thẩm, bị cáo Nguyễn Thành Tài kháng cáo cho rằng trong vụ án này thiệt hại chưa xảy ra. Bên cạnh đó, ông Tài đưa ra nhiều tình tiết giảm nhẹ xin tòa xem xét miễn truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bị cáo Lê Thị Thanh Thúy kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Các bị cáo còn lại kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Bên cạnh đó, Viện trưởng Viện KSND TPHCM kháng nghị xem xét lại phần dân sự của vụ án.
Sau khi nghị án, hội đồng xét xử (HĐXX) nhận định việc giao nhà đất 8 -12 Lê Duẩn cho công ty Lavene (công ty phần lớn vốn góp là của công ty bị cáo Thúy) mà không qua đấu giá là không đúng quy định gây thất thoát tài sản Nhà nước.
Bị cáo Thúy biết rõ dự án 8-12 Lê Duẩn là một trong những dự án trọng điểm, nằm ở vị trí đắc địa của TPHCM nên bị cáo đã có sự tính toán, chuẩn bị trước bằng cách thành lập công ty Hoa Tháng Năm nhằm mục đích tham gia dự án trên.
Mặc dù công ty vừa thành lập, chưa có hoạt động kinh doanh, không đủ năng lực tài chính, không đăng ký kinh doanh nhà hàng khách sạn nhưng thông qua mối quen biết với ông Nguyễn Thành Tài bị cáo Thúy đã ký văn bản gửi công ty quản lý kinh doanh nhà để tham gia dự án.
Cấp sơ thẩm, xác định bị cáo Thúy phạm tội với vai trò đồng phạm giúp sức và tuyên phạt mức án 5 năm tù là không oan sai nên bác kháng cáo.
Ông Nguyễn Thành Tài cho rằng thiệt hại trong vụ án chưa xảy ra, HĐXX cho rằng hậu quả đã xảy ra, đất 8 -12 Lê Duẩn được thu hồi là do ngăn chặn kịp thời. Với cương vị là Phó Chủ tịch UBND TPHCM, ông Tài có quyết định khiến tài sản 8 - 12 Lê Duẩn bị chuyển dịch chủ sở hữu từ Nhà nước sang tư nhân gây thất thoát tài sản Nhà nước.
Bị cáo bị truy tố mức 10 - 20 năm tù nhưng cấp sơ thẩm tuyên phạt 8 năm tù là dưới khung hình phạt nên không có căn cứ xem xét.
Đối với kháng cáo của ông Đào Anh Kiệt và Trương Văn Út thì HĐXX cho rằng cấp sơ thẩm đã xử đúng người, đúng tội nên không chấp nhận kháng cáo.
Đối với kháng cáo của bị cáo Nguyễn Hoài Nam tòa cho rằng sau bản án sơ thẩm bị cáo đã nộp lại một phần dân sự, đây là tình tiết mới của vụ án nên có căn cứ xem xét giảm nhẹ hình phạt. Từ đó, HĐXX tuyên phạt bị cáo Nam 3 năm tù (giảm 1 năm tù).
Đối với kháng nghị cho rằng cấp sơ thẩm xác định số tiền thực tế thất thoát là 253 tỷ đồng là không đúng với thực tế và xác định số tiền thiệt hại là 1.927 tỷ đồng.
Đối với khoản tiền 126 tỷ mà cấp sơ thẩm tuyên trả cho công ty Lavenue và buộc công ty này có nghĩa vụ hoàn trả số tiền trên cho công ty quản lý kinh doanh nhà TPHCM, Viện kiểm sát cho rằng đây là khoản tiền phần vốn góp 30% (157 tỷ của Công ty quản lý kinh doanh nhà TP đã nộp vào công ty Lavenue).
Công ty quản lý kinh doanh nhà TP là doanh nghiệp 100% vốn góp của nhà nước, việc thực hiện vốn góp vào công ty Lavenue là do cá nhân Nguyễn Thị Thu Thủy (giám đốc công ty quản lý nhà TPHCM, hiện đang bị truy nã). Sai phạm của bà Thủy sẽ được xem xét, xử lý khi bắt được còn tài sản của nhà nước phải được thu hồi đầy đủ, trả lại 157 tỷ đồng.
Đối với kháng nghị của Viện Kiểm sát, HĐXX cho rằng không có căn cứ để xem xét, cấp sơ thẩm đã xem xét đầy đủ phần dân sự nên quyết định bác toàn bộ.
Từ những nhận định trên, HĐXX bác kháng cáo của bị cáo Nguyễn Thành Tài, Lê Thị Thanh Thúy, Đào Anh Kiệt, Trương Văn Út, bác kháng nghị. Đồng thời, chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Nguyễn Hoài Nam.
Xuân Duy
Xem thêm: mth.10793510120211202-ut-man-8-hnal-iat-hnaht-neyugn-gno-maht-os-na-y/taul-pahp/nv.moc.irtnad