Thủ đoạn "vây thầu" của bà Nguyễn Thị Loan
Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 2/12, phóng viên đã đề nghị đại diện Bộ Công an cho biết thêm thông tin về việc Công an TP. Hà Nội khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam bà Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch HĐQT công ty TĐ dược phẩm Vimedimex để làm rõ hành vi “vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản”.
Trung tướng Tô Ân Xô , Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, đây là vụ án liên quan đến việc đấu thầu đất đai. Sau khi UBND TP Hà Nội có quyết định cho huyện Đông Anh đấu thầu diện tích đất 49.000 m2 thì công ty của Nguyễn Thị Loan tiến hành các thủ đoạn như "vây thầu".
"Tức là cho các công ty con đi đấu thầu và dùng các biện pháp câu móc với cơ quan liên quan để hạ giá đất lúc đó xác định là 500 tỷ xuống còn 300 tỷ đồng, để vào thắng thầu", tướng Xô nêu.
Theo tướng Xô, Nguyễn Thị Loan đã rải 3 công ty "vây thầu" nhằm loại các công ty khác để chỉ còn 3 công ty con này. Tại vòng đấu thầu thứ nhất 3 công ty đều đưa ra một mức giá. Đến vòng 2, vòng 3, vòng 4 đều cùng 1 giá như nhau. Sau đó, đều xin bỏ thầu để bốc thăm.
Người phát ngôn Bộ Công an nêu rõ, hiện cơ quan điều tra đang tiếp tục làm rõ vụ án này.
Trước đó, ngày 9/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đã khởi tố, bắt tạm giam 8 bị can về tội Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản, lợi dụng chức vụ quyền hạn, xảy ra tại Đông Anh, Hà Nội.
Trong đó, có Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần tập đoàn Vimedimex (người đang nắm giữ vị trí quan trọng tại nhiều doanh nghiệp có vốn hàng nghìn tỷ đồng, trải dài từ các lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, y dược đến bất động sản) và 3 bị can thuộc Công ty tham gia đấu giá; 3 bị can thuộc Công ty cổ phần tư vấn thẩm định giá và 1 bị can thuộc Ban Quản lý dự án huyện Đông Anh.
Thiệt hại ban đầu được xác định khoảng 200 tỷ đồng.
Theo tài liệu điều tra, khu đất gần 5ha ở Cổ Dương, Đông Anh, Hà Nội, ban đầu được Công ty cổ phần tư vấn thẩm định giá và đầu tư Hà Nội xác định giá trị bán đấu giá khoảng 500 tỷ đồng.
Thế nhưng, trước yêu cầu của một cán bộ thuộc Ban Quản lý dự án huyện Đông Anh, đơn vị thẩm định giá đã hạ giá xuống chỉ còn khoảng 300 tỷ đồng.
Để hoàn thiện chứng từ thẩm định giá, các đối tượng đã lập khống 12 phiếu khảo sát để đưa vào hồ sơ.
Bằng nhiều thủ đoạn, công ty thẩm định giá đã hạ giá thẩm định đất xuống còn hơn 17 triệu đồng/m2. Trong khi, giá giao dịch thực tế tại thời điểm thẩm định khoảng từ 60 - 70 triệu đồng/m2.
Sau khi Hội đồng thẩm định giá đất duyệt mức giá sàn là hơn 18 triệu đồng/m2 để tổ chức đấu giá, Nguyễn Thị Loan, đã đưa 3 công ty vào tham gia đấu giá là Công ty CP bất động sản Thanh Trì, Công ty CP đầu tư bất động sản Mỹ Đình và Công ty CP phát triển nhà ở Bắc Từ Liêm.
Với hành vi chỉ đạo các đối tượng cấp dưới thông đồng, dìm giá trong quá trình tham gia đấu giá quyền sử dụng đất, công ty mà Loan nắm quyền chi phối, là Công ty cổ phần phát triển nhà ở Bắc Từ Liêm, đã trúng đấu giá với mức hơn 20 triệu đồng/m2. Chỉ sau đúng 1 tháng được bàn giao đất, Loan đã bán, với thửa có giá cao nhất lên tới 110 triệu đồng/m2, thu lợi nhuận khoảng 200 tỷ đồng.
Cơ quan điều tra đã chứng minh Nguyễn Thị Loan và 3 thuộc cấp phạm tội Vi phạm các quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản.
Các cá nhân còn lại bị cáo buộc có hành vi Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ do có hành vi thông đồng hạ giá khởi điểm để đấu giá đất tại Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất đấu giá phía Đông Nam, thôn Cổ Dương.
Xử lý 1 vụ án cảnh tỉnh cả 1 vùng, cả 1 lĩnh vực
Cũng tại cuộc họp báo, Trung tướng Tô Ân Xô chia sẻ thêm, trong công cuộc đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, lực lượng công an nhân dân thực hiện theo phương châm là quyết tâm, quyết liệt, chủ động, thường xuyên liên tục, với quan điểm thượng tôn pháp luật, đúng người, đúng tội, không bỏ lọt tội phạm, không có vùng cấm, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, rõ đến đâu xử lý đến đấy.
Với những vụ án tham nhũng mà dư luận bức xúc, đặc biệt những người đứng đầu thuộc diện có chức vụ cao hoặc có ảnh hưởng trong cộng đồng mà vi phạm pháp luật, ngoài việc chỉ đạo trực tiếp thường xuyên trong quá trình tố tụng, trước khi cơ quan điều tra tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can thì Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương họp nghe lại, xem xét rất cẩn trọng các vụ việc.
Đặc biệt là khi khởi tố những người có ảnh hưởng, có chức vụ, quyền hạn, Bộ trưởng Công an yêu cầu cơ quan điều tra phải cá thể hóa trách nhiệm của người vi phạm, xem có vi phạm không.
"Nếu quyết định của người đứng đầu vì dân, vì cái chung, có sai nhưng không có tiêu cực thì sẽ được xem xét một cách khác so với những người cơ quan điều tra báo cáo rõ ràng trong vụ việc có ăn chia, có phần trăm, phần chục gì đó, có tiêu cực thì rõ ràng phải xử lý", Chánh Văn phòng Bộ Công an nói.
Cũng theo ông Tô Ân Xô, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực yêu cầu Bộ Công an ưu tiên làm trước một số vụ việc, trong đó có các sai phạm trong lĩnh vực y tế, đấu thầu đất đai, theo đúng chủ trương là "xử lý 1 vụ án thì cảnh tỉnh cả 1 vùng, cả 1 lĩnh vực".
Liên quan vụ khởi tố ông Trương Quốc Cường, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Trung tướng Tô Ân Xô cho biết, Ban Bí thư, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã có kết luận. Cơ quan tố tụng tiếp tục làm việc.
Theo Hoàng Đan
Doanh nghiệp và Tiếp thị