Ngoại trưởng Mỹ Blinken (trái) và người đồng cấp Nga Lavrov sau cuộc gặp ngày 2-12 - Ảnh: REUTERS
Ngoại trưởng Nga và Mỹ đã gặp nhau trong khoảng 40 phút tại Stockholm (Thụy Điển) ngày 2-12 trong bối cảnh căng thẳng Nga và phương Tây quanh Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
"Cách tốt nhất để ngăn chặn cuộc khủng hoảng là thông qua ngoại giao và đó là điều tôi mong muốn được thảo luận với ông Sergei", ông Blinken nói với các phóng viên trước hội đàm.
Theo ngoại trưởng Mỹ, Nga và Ukraine nên thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo tiến trình hòa bình Minsk 2014, vốn được thiết kế để chấm dứt cuộc chiến giữa phe ly khai thân Nga và lực lượng chính phủ Ukraine ở các tỉnh miền đông Ukraine giáp Nga.
"Washington sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho việc này nhưng nếu Nga quyết định theo đuổi đối đầu, sẽ có những hậu quả nghiêm trọng", ông Blinken cảnh báo.
Đáp lại, ông Lavrov tuyên bố Matxcơva sẵn sàng đối thoại với Kiev. "Chúng tôi, như Tổng thống Vladimir Putin đã nói, không muốn có bất kỳ xung đột nào", Hãng thông tấn Tass trích lời ông Lavrov.
Ngoại trưởng Nga cũng nhấn mạnh việc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mở rộng sang phía đông đang khiến nước này cảm thấy bất an.
Theo ông Lavrov, NATO không nên rơi vào thế lưỡng nan an ninh, tức hành động tăng cường an ninh cho các nước của khối này lại khiến nước khác cảm thấy mất an ninh.
Trong bài phát biểu trước Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Lavrov cho biết căng thẳng quân sự đang gia tăng trên lục địa và ông hy vọng các đề xuất của Nga về một hiệp ước an ninh châu Âu mới sẽ được xem xét cẩn thận.
"Cấu trúc ổn định chiến lược đang nhanh chóng bị phá hủy, NATO từ chối xem xét các đề xuất của chúng tôi nhằm giảm leo thang căng thẳng và tránh các sự cố nguy hiểm. Thay vào đó, các cơ sở hạ tầng quân sự của NATO đang tiến gần biên giới của Nga hơn. Kịch bản ác mộng về đối đầu quân sự đang quay trở lại", ông Lavrov nêu quan điểm.
Căng thẳng Nga và phương Tây nảy sinh từ năm 2014 khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine sau một cuộc trưng cầu ý dân. Trong cùng năm đó, lực lượng ly khai ở các tỉnh miền đông Ukraine nổi lên chống lại chính quyền Kiev.
Ukraine tuyên bố Nga đứng sau lực lượng ly khai, điều này càng khiến quan hệ giữa hai nước lao dốc.
Căng thẳng hiện tại bắt đầu vào tháng trước khi Ukraine và phương Tây tuyên bố Nga đang tập trung hàng chục ngàn quân sát biên giới Ukraine. Chính quyền Kiev cáo buộc Matxcơva chuẩn bị xâm lược nước này, kéo theo các cảnh báo từ phương Tây.
Ở chiều ngược lại, Nga tuyên bố có quyền điều động quân đến bất kỳ đâu trên lãnh thổ mình và lo ngại sẽ bất ổn mới tại miền đông Ukraine.
TTO - Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo Matxcơva sẽ hành động nếu NATO giúp Ukraine xây dựng vũ khí tấn công hoặc triển khai một hệ thống như vậy ở Ukraine trong tương lai.
Xem thêm: mth.15320730220211202-eniarku-iv-uahn-oab-hnac-ym-agn-gnourt-iaogn/nv.ertiout