Cội mai nở Tết 2021 nhà ngoại tôi - Ảnh: tác giả cung cấp
Ngay lập tức, tôi phóng xe đến khu nhà lụp xụp, mỗi phòng trọ chỉ vỏn vẹn có mấy mét vuông nằm san sát nhau cũ mèm, tối tăm hun hút. Ở căn phòng cuối, anh V. gầy nhom, phờ phạc, ngồi bó gối gọi một cuộc điện thoại cho gia đình.
Anh quê ở Cà Mau, làm công nhân ở Sài Gòn cũng đã tám năm. Mỗi năm anh chỉ về nhà một lần vào dịp Tết. Đồng lương công nhân cũng không nhiều. "Dự định năm nay kiếm thêm ít tiền về sửa lại cái nhà cho ba má ở quê. Nhưng mấy tháng qua, dịch giã như vầy…".
Mỗi tháng anh gói ghém gửi những đồng tiền ít ỏi còn lại về cho ba má để còn nuôi đứa con gái của mình. Anh ngậm ngùi, vợ anh bỏ đi đã lâu vì không chịu nổi cái nghèo. Mỗi ngày hai cha con nhìn thấy nhau qua Zalo.
"Thèm ôm con, nhớ con lắm nhưng chịu thôi". Bây giờ anh chỉ mong được đi làm lại để còn có tiền lo cho con.
Anh V. ngồi bâng khuâng, kể tôi nghe ước mơ của người cha đơn thân đang thất nghiệp, hàng ngày vẫn gọi điện cho con gái nhỏ và nói dối rằng cha vẫn ổn. Túi quà của tôi, rất nhỏ thôi nhưng có thể giúp anh no lòng những ngày chưa có việc. Rời khu nhà trọ, bên tai tôi như còn văng vẳng những lời tâm sự của anh với con. "Ráng tới Tết cha về".
Hôm qua đột nhiên nhớ đến anh, tôi lục tìm số điện thoại trong danh bạ dài lê thê của mình. Anh mừng vui bảo anh đi làm lại từ tháng trước, vừa được lãnh lương. Tết này anh về luôn, một người quen đã hứa nhận anh vào làm việc tại xưởng của họ. Vừa gần nhà lại gần con, có nhiêu sống bấy nhiêu.
Tôi liên tưởng ra vẻ mặt khắc khổ của anh ấy rực sáng những hy vọng. Ừ Tết này, anh sẽ được về quê đoàn tụ cùng con gái và ba mẹ già. Còn niềm vui nào hơn thế nữa.
***
Hôm tháng 7, một người cậu của tôi ở Tiền Giang vào bệnh viện chạy thận, không may mắc COVID-19 và qua đời. Một ngày mưa bay lất phất, tôi nhìn hình ảnh hũ tro cốt của cậu được người nhà chia sẻ qua điện thoại, rưng rưng thương nhớ cậu.
Những năm tháng còn sống, cậu tôi rất hiền. Cậu hay trồng hoa. Mọi năm giáp Tết cậu đều gieo vạn thọ mấy chục giỏ ngoài sân để Tết có chia cho mỗi nhà chị em cậu dì trong dòng họ. Năm nay cậu mất rồi, chẳng có ai trồng hoa Tết nữa.
Thương nhất là ngoại tôi không biết tin cậu mất (gia đình quyết định giấu vì ngoại đã 90 tuổi, sợ ngoại không chịu nổi cú sốc này). Thỉnh thoảng, ngoại lại loanh quanh nhà trước nhà sau, nhìn ra con đường lớn và nhắc cậu: "Sao lâu quá chưa thấy thằng Sáu Thanh về, hết giãn cách rồi mà"…
Vợ chồng bác hàng xóm là bạn thân của cha tôi. Họ có tiệm cắt tóc là một chòi lá ven kênh. Mấy chục năm nay, cha tôi đều cắt tóc ở đó. Nhưng rồi cả hai vợ chồng bác đều đã mất do COVID-19, chỉ cách nhau có hai ngày.
Đám tang không kèn không trống, không người đưa tiễn, chỉ có di ảnh và hai hũ tro cốt cho các con vái lạy mẹ cha. Người con trai về từ Sài Gòn chịu tang cha cũng phải cách ly nửa tháng mới được về nhà...
Giờ, mỗi khi đi ngang cái chòi lá ven kênh thân thuộc từ khi còn ấu thơ ấy, tôi sẽ chẳng nghe thấy tiếng cười rôm rả của hai ông bà nữa… Những người thân, người quen đã ra đi, sau này chúng ta chỉ có thể hoài niệm về họ trong tâm tưởng mà thôi.
Hơn 23.000 người mất trong đại dịch, là biết bao nhiêu cảnh ngộ, bao gia đình chịu mất mát đau thương. Cảm giác sinh ly tử biệt không được gặp nhau lần cuối là nỗi đau khắc khoải không nguôi.
Mùa xuân năm nay, những cội mai đào vẫn nở, nhưng khuyết đi những người thân yêu nào đó của mình. Ai cũng có ước mơ đoàn viên, ai cũng có mùa xuân hy vọng. Bao nhiêu phận người nổi trôi đều đau đáu những nỗi niềm riêng. Nhưng tôi biết, xuân này, tất cả đều có chung một khát khao: "Về nhà, đoàn viên, đón Tết".
Tất cả chuyện buồn cũng sẽ qua, chúng ta vẫn cứ tiến về phía trước, đón những mùa xuân tuần tự nối tiếp trong đời...
Đồ họa: NGỌC THÀNH
TTO - Nhà báo lão thành, phóng viên ảnh kỳ cựu Nguyễn Công Thành của báo Tuổi Trẻ là người gắn bó với chiếc xe Vespa cổ từ thời trẻ. Đến nay, ông vẫn gắn bó và là người rất am hiểu Vespa. Ông chia sẻ với Đoàn viên sau đại dịch 2 câu chuyện về Vespa.
Xem thêm: mth.60581330220211202-iod-gnort-peit-ion-ut-naut-naux-aum-gnuhn-nod/nv.ertiout