Lý Ngọc Tuyết Nhi - thủ khoa "kép" Trường ĐH Luật TP.HCM - Ảnh: Q.NG.
Trò chuyện cùng Tuổi Trẻ, Tuyết Nhi thật thà: "Chẳng mấy người khi đi học lại nghĩ mình học để trở thành thủ khoa và tôi cũng không ngoại lệ vì tôi học cũng bình thường như bao bạn khác thôi, không có gì đặc biệt cả".
* Nhưng danh hiệu thủ khoa "kép" là dấu ấn mà không phải ai đi học cũng dễ dàng đạt được!
- Tôi chọn cách học và hỏi. Hỏi thầy cô, hỏi bạn bè bất cứ điều gì còn thắc mắc. Có bạn nói với tôi rằng ngại khi phải hỏi lại điều này, điều kia nhưng tôi thì không. Cái gì chưa biết tôi hỏi lại, không kịp trên lớp tôi sẽ email cho các thầy cô hỏi liền và thực tế là tôi đã được nhiều thầy cô chia sẻ cả những điều có khi không nói trên lớp.
Tôi hay phát biểu, thậm chí là nói linh tinh mà không sợ sai. Tôi quan niệm trường học là nơi cho phép mình sai, tại sao lúc học lại phải giấu, phải sợ sai. Chi bằng mình sai lúc đi học để sau này ra trường, đi làm không được phép sai.
* Từng học chuyên lý nhưng lại chọn khối C để vào trường luật, nghe không thuận lắm nhỉ?
- Lúc tôi nói sẽ thi khối C vào trường luật, nhiều người hỏi lại sao không phải là một trường kinh tế, kỹ thuật hay bách khoa gì đấy. Thực ra hồi phổ thông tôi học cũng nhạt nhòa thôi, không nổi bật lắm so với nhiều bạn giỏi giang khác cùng khóa. Tôi từng học với tâm trạng lỡ vào lớp chuyên lý rồi, dù thấy không hợp mấy nhưng nếu xin ra sẽ không được học lớp chuyên nữa, lại thủ tục nọ kia phiền phức nên thôi cứ học cho xong phổ thông.
Có người còn kêu hai hướng đi hoàn toàn khác nhau, sợ tôi không đậu đại học nổi khi chọn khối C kia mà. Nhưng ba mẹ luôn tin và ủng hộ con gái. Tôi cũng tự thấy có chút năng khiếu về ngôn ngữ, không hứng thú lắm với những con số đã quá quen thuộc suốt 3 năm phổ thông rồi nên cũng khá tự tin khi đăng ký vào trường luật.
* Tốt nghiệp xuất sắc kể ra không phải dạng vừa vì dân học luật ra trường xuất sắc cũng hiếm lắm...
- Thú thật là mới vào trường tôi cũng hơi lơ là việc đến lớp. Có những môn tôi ít lên lớp, thường chỉ đọc sách, xem tài liệu mà đạt kết quả thi khá ổn. Lúc đó tôi mới nghĩ rằng nếu mình chăm hơn, chịu đến lớp hơn hẳn kết quả còn có thể tốt hơn nữa nên tôi học tập chủ động, ý thức hơn. Với tôi, việc học không quá khó, mà cũng không ai ép mình học cả vì học là học cho mình trước hết. Chỉ là nếu bạn chịu khó một chút, bạn sẽ tự khám phá được đâu là điểm mạnh của mình và sẽ biết cách phát huy nó.
* Đâu là chặng đường tiếp theo của tân cử nhân luật lớp chất lượng cao?
- Sau nhiều giả định tự đặt ra cho bản thân sau ngày tốt nghiệp, tôi quyết định sẽ học lên cao hơn. Nếu được chọn lựa, tôi muốn trở thành giảng viên. Đơn giản tôi thích cảm giác được truyền tải những điều mình có, mình biết với người khác. Khi đó, chính tôi cũng đang được học lại những điều mới từ những người có thể tạm gọi là học trò của mình.
Chàng trai mê toán muốn làm bác sĩ
Nguyễn Ngọc Huy - thủ khoa tuyển sinh Trường ĐH Y dược TP.HCM - Ảnh: Q.NG.
Nhận kết quả trúng tuyển vào ngành bác sĩ đa khoa Trường ĐH Y dược TP.HCM với điểm số 29,75, Nguyễn Ngọc Huy - thủ khoa tuyển sinh toàn trường năm nay - vẫn không thể tự lý giải "vì sao lại có thể sai một câu trong bài thi môn hóa ngớ ngẩn thế".
Huy mê toán từ nhỏ. Những con số có sức hút lạ kỳ với chàng trai người Đồng Nai ấy. Cả ba năm phổ thông, Huy đều có trong tay giải thưởng học sinh giỏi toán quốc gia, hai năm liền lọt vào danh sách những học sinh tham gia ôn luyện để chọn đội tuyển học sinh giỏi đại diện Việt Nam đi thi quốc tế.
Cha làm bác sĩ song nhận ra đam mê của con, ông còn hướng con theo học toán cao cấp chứ không phải nối nghiệp cha. Nhưng Ngọc Huy quyết tâm chọn ngành y bởi bản thân muốn được đóng góp chút gì đó vào sứ mệnh cứu người luôn là ưu tiên hàng đầu.
"Mình đang có nhiều kịch bản cho phía trước, cũng muốn nghiên cứu sâu về y học, và cũng muốn giảng dạy về y học nhưng trước mắt là tập trung học đã vì mọi thứ vừa mới bắt đầu, còn nhiều thử thách cần vượt qua và chắc là quá trình học sẽ giúp mình định hướng rõ hơn" - Ngọc Huy chia sẻ.
Anh chàng đã kịp hoàn thành IELTS 7.0 tiếng Anh khi vừa kết thúc năm học lớp 11. Lý giải như anh chàng ấy là cứ học một cách tự nhiên thôi, làm gì cũng cần cố gắng hết sức mình, phải tin tưởng vào khả năng của chính mình. "Cứ để đam mê dẫn lối bạn đi chứ đừng tự đặt thêm bất kỳ áp lực nào cho bản thân vì có vậy mới thấy việc học hành là niềm yêu thích, đến trường mới thoải mái và tiếp thu tốt được" - Ngọc Huy cười.
Vinh danh 79 thủ khoa
46 tân sinh viên là thủ khoa "đầu vào" trong mùa tuyển sinh vừa qua cùng 33 tân cử nhân là thủ khoa "đầu ra" tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP.HCM sẽ được Thành đoàn, Hội Sinh viên Việt Nam TP.HCM tuyên dương trong chương trình Vinh danh thủ khoa năm 2021 vào ngày mai (4-12).
Với các gương mặt thủ khoa tốt nghiệp, ngoài kết quả dẫn đầu, các bạn còn là những cán bộ Đoàn, Hội tiêu biểu của các trường, từ cấp chi đoàn, chi hội trở lên.
TTO - Sau 19 năm, gần 2.000 thủ khoa tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn thành phố đã được vinh danh, nhận bằng khen của UBND thành phố Hà Nội.