John Schmidt, trưởng ngành hàng không vũ trụ và quốc phòng toàn cầu tại công ty tư vấn Accenture, nói với CNBC: "Nếu bạn so sánh hiện tại với năm 2019, thị trường gần như đã bùng nổ".
Đại dịch đã khiến nhiều người chuyển sang sử dụng máy bay cá nhân. Nhưng các nhà phân tích cho rằng xu hướng này chủ yếu là cho bùng nổ sự giàu có trong năm 2020 và nửa đầu năm 2021. Xu hướng này phố biến hơn với tầng lớp cao nhất trong xã hội, khi ngày càng có nhiều công ty niêm yết cổ phiếu, thị trường chứng khoán đạt mức cao kỷ lục và người tiêu dùng tận hưởng lãi suất thấp trong khoảng thời gian dài.
Theo Morgan Stanley, số lần cất cánh và hạ cánh của các máy bay cá nhân ở Mỹ tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức cao nhất kể từ trước cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Danh sách công khai các công ty ở Mỹ cũng đạt mức kỷ lục trong năm 2021. Dữ liệu từ Jefferies Equity Research cho thấy khi hoạt động IPO tăng lên, hoạt động cung cấp dịch vụ máy bay cá nhân cũng tăng theo.
Thị trường máy bay cá nhân ngày một nóng
Thị trường đang thu hút các khách hàng cá nhân tìm kiếm cho mình một chuyến đi an toàn và riêng tư, đảm bảo độ tin cậy hơn so với các chuyến bay thương mại, vốn bị cản trở bởi các hạn chế đi lại trong đại dịch.
Trong bối cảnh nhu cầu ngành công nghiệp cao cấp tăng và lạm phát gia tăng, giá của những chiếc máy bay mới lẫn máy bay đã qua sử dụng đều đang ở mức cao nhất trong nhiều năm.
Tồn kho của máy bay đã qua sử dụng, tỷ lệ của máy bay bán ra so với số lượng máy bay đang tồn tại trên toàn cầu, đang ở mức thấp kỷ lục. Đối với hầu hết các nhà sản xuất máy bay như Cessna, Dassault, Gulfstream, Bombardier và Embraer, tỷ lệ này chưa đến 3%.
Schmidt cho biết hoạt động bay tư nhân không chỉ tăng ở Mỹ mà còn tăng 20% ở châu Âu. Ông nói thêm: "Đối với máy bay các nhân đã qua sử dụng, mọi thứ thực sự eo hẹp. Lượng hàng tồn kho thấp nhất trong nhiều năm qua, trong khi giá cả lại cao hơn từ 20-30%. Vì thế, thị trường này thực sự đang rất nóng".
Nguồn cung máy bay đã qua sử dụng ở mức thấp kỷ lục. Ảnh: CNBC
Những khách hàng mới
Theo báo mới đây của Goldman Sachs, số người lần đầu tham gia vào thị trường máy bay tư nhân chiếm hơn 30%. Đối với giám đốc thương mại Stephen Friedrich của Embraer, điểm nổi bật là sự phát triển của cơ sở khách hàng.
Friedrich cho biết: "Con người đang tìm cách để trở nên năng suất hơn, chắc chắn hơn trong mọi công việc mà họ thực hiện". Ông mô tả ngành kinh doanh hành không là một "công cụ năng suất".
Friedrich giải thích thêm: "Bạn có thể bay thẳng từ New York đến Muscle Shoals, Alabama, trên một chuyến bay thương mại không? Không". Đối với các công ty hoặc cá nhân giàu có sở hữu những chiếc máy bay riêng, hành trình di chuyển trước đây mất cả ngày thì giờ giảm xuống chỉ còn một vài giờ.
Áp suất cabin trên máy bay cá nhân cũng thấp hơn đáng kể so với máy bay thương mại. Sự khác biệt này giúp hành khách đỡ mệt mỏi hơn khi hạ cánh và có thể dừng chân ở nhiều nơi trong các thành phố hơn.
Công ty cho thuê máy bay tư nhân VisaJet báo cáo số lượng thành viên mới tăng 29%, với 71% yêu cầu đăng ký mới đến từ những khách hàng không thường xuyên sử dụng máy bay cá nhân trước đây. Công ty cũng thống kê được rằng 53% số người sử dụng máy bay tư nhân sẽ tiếp tục sử dụng dịch vụ này một cách thường xuyên sau đại dịch.
Ảnh: Honda Aircraft Company
Tác động đến môi trường
Máy bay cá nhân là vấn đề được nhắc đến nhiều trong hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 diễn ra vào tháng 11 tại Glasgow. Việc sử dụng máy bay cá nhân bị các nhà hoạt động môi trường chỉ trích dữ dội. Họ cho rằng 1% người sử dụng dịch vụ chịu trách nhiệm cho 50% lượng khí thải carbon của ngành.
Trong một báo cáo gần đây của nhóm chiến dịch châu Âu về Giao thông và Môi trường, máy bay tư nhân gây ô nhiễm gấp 5 đến 14 lần so với máy bay thương mại, tính trung bình trên mỗi hành khách trong một giờ. Một máy bay cá nhân có thể thải ra 2 tấn CO2.
Nhóm cũng phát hiện ra rằng chỉ riêng châu Âu, lượng khí thải CO2 từ máy bay cá nhân đã tăng 31% từ năm 2005 đến năm 2019, vượt xa lượng khí thải máy bay thương mại.
Các giám đốc điều hành trong ngành nói rằng tính bền vững đang trở thành ưu tiên hàng đầu đối với các doanh nghiệp. Vì vậy, một số hãng vận tải đang bắt đầu sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững, hay còn gọi là SAF. Loại nhiên liệu này thải ra ít hơn 80% khí thải CO2 so với nhiên liệu hoá thạch trong toàn bộ quá trình tiêu thụ.
Tuy nhiên, việc chuyển đối nhiên liệu đang diễn ra rất chậm. Schmidt cho biết nguyên nhân là vì SAF rất đắt và khó tìm. Hiện tại trên thế giới có hơn 20 địa điểm cung cấp SAF.
Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế, có 3,7 tỷ gallon SAF trong các thoả thuận mua bán kỳ hạn. Năm 2021, 26 triệu gallon SAF sẽ được sản xuất và khoảng 45 hãng hàng không đã từng sử dụng loại nhiên liệu này. Hơn 370.000 chuyến bay chạy bằng SAF kể từ năm 2016.
Những năm tới sẽ cho biết liệu lời hứa của các công ty có dẫn đến sự thay đổi lâu dài hay không. Nhưng với sự gia tăng đột biến của các chuyến bay tư nhân, khả năng giảm thiểu thiệt hại môi trường sẽ còn lâu mới xảy ra.
Theo CNBC