Elon Musk - người đàn ông giàu nhất hành tinh chưa bao giờ ngại các ý tưởng kinh doanh tệ. Cách đây vài năm, ông từng viết trên Twitter: "Mở công ty tên lửa là một trong những cách ngớ ngẩn và khó khăn nhất để kiếm tiền".
Trong một cuộc hội thảo năm 2018, vị tỷ phú chia sẻ: "Nếu tính tỷ suất lợi nhuận đã điều chỉnh theo rủi ro của các ngành, tôi sẽ đặt chế tạo tên lửa và ô tô ở cuối danh sách. SpaceX và Tesla là những ý tưởng kinh doanh ngớ ngẩn nhất".
Điều đó nghe có vẻ buồn cười bởi Tesla hiện có vốn hóa thị trường hơn 1.000 tỷ USD trong khi công ty tên lửa tư nhân SpaceX được định giá khoảng 100 tỷ USD.
"Về cơ bản, khi mới bắt đầu, tôi cho rằng cả SpaceX và Tesla chỉ có ít hơn 10% khả năng thành công", Musk nói. Ông cũng liệt kê hàng loạt thách thức của việc tung ra thị trường sản phẩm ô tô điện trong ngành công nghiệp cực kỳ cạnh tranh và nhiều công ty đã phá sản. Ngoài ra, Musk cũng đề cập đến những khó khăn trong quá trình chế tạo tên lửa trong lĩnh vực tư nhân.
Bất chấp những rủi ro đó, Musk vẫn muốn tìm ra giải pháp cho "những thứ quan trọng đối với cuộc sống của chúng ta và để tương lai trở nên tốt đẹp". Và sự nghiệp rực rỡ của Musk đã chứng minh rằng ông sẽ không thể thành công như hiện nay nếu ngày trước không chấp nhận mạo hiểm.
Rất nhiều người đã ngăn Musk tham gia vào ngành tên lửa trước khi ông thành lập SpaceX năm 2002. "Một người bạn của tôi đã thu thập hàng loạt video về tên lửa nổ tung và bắt tôi xem. Cậu ấy không muốn tôi mất toàn bộ tiền", Musk chia sẻ trong chương trình 60 Minutes của đài CBS năm 2014.
Sau thương vụ eBay mua lại PayPal trị giá 1,5 tỷ USD năm 2002, Musk được cho là đã kiếm được 180 triệu USD. Sau đó, ông phân vẫn giữa quyết định tham gia vào mảng xe điện hay công nghiệp vũ trụ. Ông cảm thấy vũ trụ là ngành có vẻ ít hấp dẫn đối với các doanh nhân khởi nghiệp.
"Tôi nghĩ chẳng ai đủ điên rồ để đâm đầu vào lĩnh vực này, vì vậy, tốt hơn hết là mình nên tham gia", Musk cho biết. Nhưng thay vì chỉ tập trung vào SpaceX, Musk lại gia nhập Tesla chỉ 2 năm sau đó. Ông dẫn đầu một nhóm đầu tư vào Tesla rồi tham gia vào hội đồng quản trị công ty với tư cách là chủ tịch.
"Đó là sai lầm lớn nhất trong sự nghiệp của tôi khi nghĩ rằng mình có thể dễ dàng cân bằng thời gian giữa SpaceX và Tesla", Musk nói.
Trên thực tế, SpaceX đã trải qua không ít thất bại trước khi trở thành hãng sản xuất tên lửa tư nhân. Năm 2008, SpaceX gần như sụp đổ sau 3 lần phóng tên lửa thất bại. "Lần hỏng thứ 4 sẽ là dấu chấm hết", Musk kể lại khi tham gia một hội nghị ở Australia năm 2017. May mắn thay, họ đã thành công trong lần thứ 4 và giành được hợp đồng trị giá 1,6 tỷ USD với NASA.
Tesla cũng gần như rơi vào cảnh phá sản năm 2008 và sau đó là thách thức liên tiếp về sự chậm trễ trong sản xuất và giao xe.
Mặc dù vậy, Musk vẫn không ngại tham gia vào các dự án mạo hiểm. Ông đã thành lập "The Boring Company" để đào đường hầm và xây dựng hệ thống giao thông ngầm tốc độ cao.
Khi được hỏi về việc có rút kinh nghiệm và lên kế hoạch dựa trên thất bại từ SpaceX và Tesla không, Musk cho biết: "Tôi không thực sự có kế hoạch kinh doanh. Tôi thậm chí còn không có kế hoạch chính thức lúc ra mắt startup đầu tiên của mình năm 1995. Thực tế luôn khác với kế hoạch, vì vậy, tôi chẳng buồn lên kế hoạch làm gì".
Nguồn: CNBC
Mộc Tiên
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị
Xem thêm: nhc.3803615130211202-tahn-nagn-ogn-hnaod-hnik-gnout-y-gnuhn-al-alset-av-xecaps-ksum-nole/nv.zibefac