Nội dung trên được quy định tại Thông tư liên tịch số 01/2021 của VKSND Tối cao cùng các Bộ: Công an, Quốc phòng, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Theo đó, nếu người tham gia tố tụng (bị can, bị cáo, bị hại, người làm chứng, đương sự) bị cách ly y tế, cơ quan có thẩm quyền có thể tạm đình chỉ giải quyết tin báo tội phạm, điều tra hoặc vụ án.
Trường hợp người tham gia tố tụng; người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc địa điểm cần tiến hành hoạt động tố tụng nằm trong vùng được ban bố tình trạng khẩn cấp, vụ án cũng có thể tạm đình chỉ.
Thông tư 01/2021 có hiệu lực từ ngày 1/12, ra đời trong bối cảnh ngày 12/11, Quốc hội ban hành Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của luật tố tụng hình sự. Theo luật mới, các điều 148, 229, 247 được sửa đổi theo hướng bổ sung điều kiện tạm đình chỉ giải quyết tin tố giác, đề nghị khởi tố; tạm đình chỉ điều tra hoặc vụ án trong trường hợp "vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh".
Thông tư quy định nguyên tắc tạm đình chỉ gồm: thận trọng, không lạm dụng; đảm bảo kiểm soát tội phạm; không để ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ việc, vụ án khi được phục hồi.
Khi gặp các trường hợp bất khả kháng do thiên tai, người có thẩm quyền cũng được tạm đình chỉ vụ án hoặc tạm đình chỉ bị can nếu đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết nhưng không thể tiến hành được các hoạt động tố tụng.
Việc giải quyết sự việc, vụ án tạm đình chỉ sẽ dựa trên Thông tư liên tịch 01/2020. Cụ thể, cơ quan điều tra và viện kiểm sát phải định kỳ (hằng tháng, 6 tháng, một năm) rà soát lại các vụ án tạm đình chỉ, xem có lý do để phục hồi điều tra hay không.
Song Minh
Xem thêm: lmth.8808934-et-y-yl-hcac-ib-mahp-ihgn-ihk-art-ueid-ihc-hnid-mat/ten.sserpxenv