Nhiều nước trên thế giới tiếp tục ghi nhận các ca nhiễm biến thể Omicron mới - Ảnh: REUTERS
Ngày 4-12, Viện Y tế Hà Lan (RIVM) cho biết tổng cộng 18 hành khách trên 2 chuyến bay đến từ Nam Phi hồi tuần trước đã dương tính với biến thể Omicron. Cơ quan y tế trên cũng thông báo việc xét nghiệm các hành khách trên hai chuyến bay này cũng chính thức kết thúc.
Hai chuyến bay trên đã cất cánh vào ngày 26-11, cùng thời điểm chính phủ Hà Lan áp dụng các hạn chế đi lại mới do lo ngại về biến thể Omicron.
Hơn 600 hành khách đi trên cả 2 chuyến bay đã được cách ly và xét nghiệm COVID-19. Kết quả có 61 hành khách dương tính, trong đó 18 người nhiễm biến thể Omicron.
Theo Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid, Chính phủ Anh sẽ yêu cầu toàn bộ du khách muốn đến nước này xét nghiệm COVID-19 trước khi bay, trong khi các hành khách đến từ Nigeria sẽ phải cách ly ở khách sạn để ngăn biến thể Omicron lây lan.
Trước đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã tuyên bố hiện cần có các giới hạn đi lại để giảm thiểu khả năng lây lan của Omicron, trong khi chờ đợi giới khoa học hiểu hơn về biến thể này và cả hiệu quả của vắc xin đối với nó.
Tại Ấn Độ, chính phủ đã ghi nhận trường hợp thứ 3 nhiễm Omicron trong ngày 4-12. Tổng số ca COVID-19 ở quốc gia này đã nhích gần đến cột mốc 35 triệu.
Các chuyên gia y tế tại tiểu bang Gujarat cho biết bệnh nhân dương tính với Omicron là một cụ ông 72 tuổi gốc Ấn. Ông đã sinh sống ở Zimbabwe nhiều năm và mới trở về quê nhà vào ngày 28-11.
Cũng trong ngày 4-12, Thủ tướng Đức Angela Merkel kêu gọi người dân Đức tiêm vắc xin COVID-19 để giúp lật ngược tình thế trong đợt bùng dịch thứ 4.
Tại Úc, Omicron đã trở thành thách thức mới nhất cho kế hoạch mở cửa lại nền kinh tế. Một ổ dịch ở thành phố Sydney đã ghi nhận thêm 13 ca nhiễm và tiểu bang Queensland cũng có thêm 1 trường hợp nghi nhiễm.
Giới khoa học vẫn chưa nắm rõ mức nghiêm trọng của biến thể Omicron - Ảnh: REUTERS
Tuy Omicron vẫn tiếp tục là mối lo ngại mới nhất của thế giới hiện nay, giới khoa học vẫn chưa có kết luận về tính nghiêm trọng của loại biến thể này.
Điển hình, dù Mỹ đã có thêm 6 trường hợp nhiễm Omicron trong ngày 3-12, giới chuyên gia tại đây vẫn cho rằng biến thể Delta là mối đe dọa lớn nhất trong mùa đông 2021.
Tại Nam Phi, Omicron được cho là nguyên nhân chủ yếu gây ra đợt bùng dịch thứ 4 tại Nam Phi. Đợt dịch hiện nay cũng ghi nhận tỉ lệ nhập viện cao hơn ở trẻ em.
Tuy vậy, bà Ntsakisi Maluleke - một chuyên gia y tế công ở tỉnh Gauteng, Nam Phi - cho rằng thế giới không nên hoảng loạn vì Omicron bởi các ca nhiễm biến thể này vẫn ở mức nhẹ.
Theo bà Ntsakisi, trong số 1.511 bệnh nhân dương tính với COVID-19 tại các bệnh viện ở tỉnh, có 113 trẻ dưới 9 tuổi. Tỉ lệ này lớn hơn so với các đợt bùng dịch trước đây.
"Nhưng chúng tôi được an ủi bởi báo cáo của các bác sĩ lâm sàng rằng những đứa trẻ này chỉ mắc bệnh nhẹ", bà nói với Hãng tin Reuters.
Nữ chuyên gia cũng thông báo các quan chức y tế và các nhà khoa học đang xem xét điều gì đã làm gia tăng tỉ lệ nhập viện ở lứa tuổi trẻ hơn. Bà Ntsakisi hy vọng sẽ có thông tin rõ ràng trong vòng hai tuần.
Theo các nhà nghiên cứu, biến thể Omicron có thể có khả năng lấy ít nhất một trong những đột biến của nó bằng cách nhận một đoạn vật liệu di truyền từ một loại virus khác có mặt trong cùng các tế bào nhiễm bệnh.
Đây được đoán là nguyên nhân khiến Omicrion gây ra các triệu chứng cảm lạnh thông thường.
Các nhà nghiên cứu cho biết chuỗi gen mới của Omicron không xuất hiện trong bất kỳ biến thể nào trước đó của SARS-CoV-2. Song, đây lại là chuỗi gen phổ biến ở nhiều loại virus khác, bao gồm cả những virus gây cảm lạnh thông thường và cả trong bộ gen người.
TTO - Với những trường hợp bị rụng tóc sau khi mắc COVID-19 hoặc sau khi tiêm vắc xin COVID-19, các chuyên gia cho biết có thể tóc sẽ mọc lại. Họ cũng đưa ra một số lời khuyên giúp giải quyết vấn đề rụng tóc.