Nhiều nhất là các khu đất thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (đã cổ phần hóa từ năm 2018), có tổng diện tích tới trên 1.036ha.
Trong đó, Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) III tại xã Hội Nghĩa, thị xã Tân Uyên và xã Tân Lập, huyện Bắc Tân Uyên có tổng diện tích 1.000ha thì có khoảng 691ha đất có nguồn gốc thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao su.
Khu công nghiệp Nam Tân Uyên mở rộng (giai đoạn II) của Công ty cổ phần Khu công nghiệp Nam Tân Uyên có quy mô dự án hơn 345ha nguồn gốc đất của tập đoàn.
Theo UBND tỉnh Bình Dương, mặc dù các diện tích đất nói trên được định hướng chuyển sang làm khu công nghiệp nhưng hiện bị "vướng", do theo phương án cổ phần hóa của Tập đoàn Công nghiệp cao su thì các diện tích này vẫn là đất trồng cây cao su.
Hiện nay chưa có hướng dẫn về việc điều chỉnh phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa, vì vậy UBND tỉnh Bình Dương và Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam thống nhất kiến nghị các cơ quan trung ương để giải quyết vướng mắc này.
Tại Bình Dương, Bình Phước và nhiều tỉnh vùng Đông Nam Bộ, trước đây đã có nhiều khu công nghiệp được hình thành và phát triển từ quỹ đất từng trồng cây cao su.
Các quỹ đất này có lợi thế là có địa hình khá bằng phẳng và có diện tích lớn, không phải giải phóng mặt bằng của người dân, khi chuyển từ trồng cây cao su sang phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ sẽ mang lại giá trị cao hơn.
TTO - Để tăng cường mảng xanh và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân, tỉnh Bình Dương có kế hoạch cung cấp miễn phí gần 200.000 cây xanh mỗi năm để trồng tại các khu công nghiệp, đô thị.