Tọa đàm "Phối hợp các chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, tạo nguồn lực ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi kinh tế" trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 ''Phục hồi và phát triển bền vững'' do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đồng tổ chức đã diễn ra chiều ngày 5/12.
Tại tọa đàm, đại diện các Bộ, ngành và các chuyên gia đến từ nhiều lĩnh vực đã cùng thảo luận về các vấn đề liên quan đến chính sách tài khóa, tiền tệ của thế giới cũng như Việt Nam. Đồng thời đặt ra các thách thức cũng như biện pháp để ổn định và phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
"Chính sách tiền tệ tác động đến lượng và giá"
Ông Phạm Thanh Hà - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã nói về dự địa của chính sách tiền tệ và thách thức của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để tạo nguồn lực ổn định kinh tế vĩ mô.
Theo Phó Thống Đốc, trong 2 năm nay, NHNN và các ngân hàng thương mại đều trong trạng thái hỗ trợ nền kinh tế. Theo ông Hà, phản ứng chính sách của Việt Nam ở mức trung bình của thế giới. "Chính sách tiền tệ tác động đến 2 khía cạnh: lượng và giá. 2 yếu tố này tác động tương hỗ với nhau", ông nói.
Về khía cạnh lượng, ông Hà cho biết, mục tiêu của hệ thống ngân hàng với tư cách huyết mạch của nền kinh tế là đảm bảo thanh khoản của thị trường. NHNN đã điều hành để thanh khoản của các ngân hàng để hỗ trợ nền kinh tế, các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp.
Về hỗ trợ nền kinh tế, ông cho biết 2 năm vừa rồi NHNN đã triển khai mua ngoại tệ ở mức 25 tỷ USD. Việc này giúp duy trì tốt thanh khoản thị trường liên ngân hàng để hỗ trợ các tổ chức tín dụng khi cần tiếp cận vốn. Lượng cung ứng tiền vẫn đều đặn hàng ngày và lãi suất thấp. hơn so với thời gian trước.
Về hỗ trợ doanh nghiệp, ông Hà lấy ví dụ, trước đây doanh nghiệp gặp khó khăn trong vấn đề cho vay mới và trả nợ. Việc triển khai các thông tư 01,03,14 của NHNN trong năm qua đã cho phép các tổ chức tín dụng cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp, duy trì thanh khoản cho doanh nghiệp với điều kiện ngân hàng đánh giá được khả năng trả nợ trong tương lai của doanh nghiệp đó.
Ông Hà nói thêm, chỉ tiêu tín dụng của NHNN năm 2021 là 12%. Cuối tháng 11, dư nợ tín dụng tăng trên 10% - phù hợp chỉ tiêu đặt ra. "NHNN sẵn sàng nới chỉ tiêu tín dụng cho tháng cuối cùng của năm" - Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà nói.
Bên cạnh đó, NHNN có các chương trình can thiệp trực tiếp về lượng với nền kinh tế như: tái cấp vốn cho ngân hàng Chính sách xã hội, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam...
Về khía cạnh giá, ông Phạm Thanh Hà cho biết từ năm 2020, NHNN đã giảm lãi suất điều hành. Trong các tháng 3,9,11 năm vừa rồi đều có các chương trình điều hành lãi suất đi xuống. "Lãi suất điều hành giảm từ 1,5-2%, lãi suất huy động vốn giảm xấp xỉ 1,5%, lãi suất cho vay giảm 1,77%... so với đầu năm 2020. Ngoài ra, 16 ngân hàng thương mại cam kết hạ lãi suất từ tháng 7/2021" - ông Hà nói. Tổng tiền lãi giảm lũy kế từ 15/7 đến 31/10 của 16 ngân hàng là 15.559 tỷ đồng, đạt 75,48% so với cam kết.
Đặc biệt, phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Hà cho biết NHNN đối mặt với 2 thách thức lớn đề lạm phát và nguy cơ nợ xấu. "Trên thế giới, các Ngân hàng Trung ương đã phải thu lại các biện pháp nới lỏng tiền tệ. Việc cơ cấu thời hạn trả nợ cho doanh nghiệp ảnh hưởng đến chất lượng tài sản của các tổ chức tín dụng"- ông Hà cho hay.
"Đặt ra mức lạm phát thời gian 3-5 năm"
Tại tọa đàm, ông Trương Văn Phước - Nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia đưa ra một số kinh nghiệm quốc tế về điều hành chính sách tiền tệ.
Ông Phước cho biết 2 năm qua, lần đầu các Ngân hàng Trung ương ở các nền kinh tế mới nổi EM lần đầu thực thu các chương trình mua tài sản, chủ yếu là trái phiếu Chính phủ bằng nội tệ để giúp Chính phủ tài trợ cho các gói hỗ trợ tài khóa lớn. "Ngoài ra, họ cho doanh nghiệp trực tiếp vay vốn, không lấy lãi hoặc lãi rất thấp" - ông Phước cho hay.
"Trở lại Việt Nam, NHNN có vai trò tốt trong các gói chính sách tiền tệ kích thích, hỗ trợ phát triển kinh tế. Sau 3 thông tư 01,02,14 của NHNN, các gói hỗ trợ huy động được lên tới 400.000 tỷ đồng" - ông nói thêm.
"Với mức lạm phát đến cuối tháng 10/2021 vẫn thấp (CPI nhỏ hơn 2%, lạm phát cơ bản dưới 1%) và có khả năng dưới 3% đến cuối năm 2021, có thể giảm lãi suất điều hành của NHNN ít nhất 1%, mở rộng và nới lỏng điều kiện cho vay tái chiết khấu, tái cấp vốn... Nhờ đó đưa lãi suất cho vay thương mại bình quân giảm xuống" - ông Trương Văn Phước nói.
Đặc biệt, về mặt chính sách, Nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia đề xuất Quốc Hội xem xét việc đặt ra mức lạm phát mục tiêu bình quân trong khoảng thời gian 3-5 năm. "Không nhất thiết chính sách tiền tệ phải điều hành sao cho lạm phát hàng năm dưới mức mục tiêu (4%) như hiện nay. Lạm phát trong khoảng 3-5 năm, dù có năm cao năm thấp, nhưng bình quân dưới mức 4% là được" - ông nhấn mạnh.
"Vai trò của chính sách phải đặt trong bối cảnh"
Ông Võ Thành Hưng - Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết thời gian qua, Việt Nam đã có điều chỉnh linh hoạt về chính sách tài khóa, đặc biệt phải điều chỉnh cả về thu - chi ngân sách Nhà nước để có tiền hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn.
Về ngân sách, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết đã thực hiện miễn, giảm, giãn nhiều khoản thuế, phí, thu ngân sách... Ước tính mức thuế đã miễn, giảm, giãn năm 2020 là 130.000 tỷ đồng; trong đó, mức thuế giãn xấp xỉ 100.000 tỷ đồng. "Con số này trong năm 2021 là 140.000 tỷ đồng và thời gian tới sẽ nghiên cứu để tiếp tục triển khai" - ông nói.
Ông cho biết, năm 2021, số tiền hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp sử dụng lao động, người lao động, bảo trợ xã hội... đến nay là 76.000 tỷ đồng; chi cho các quỹ bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp, tai nạn lao đông… tổng 48.000 tỷ đồng, trong đó trợ cấp thất nghiệp là 38.000 tỷ đồng. Ngoài ra, nhiều chính sách miễn giảm tiền điện, cước viễn thông, học phí... lên tới 40.000 tỷ đồng.
"Mức chi chưa bao giờ lớn về quy mô tiền và phạm vi đối tượng đến vậy" - ông cho hay.
Trước câu hỏi trong nhiều chính sách tài khóa đã triển khai, chính sách nào đóng vai trò trọng tâm, Thử trưởng Bộ Tài chính cho biết vai trò của các chính sách phải được đặt trong bối cảnh cụ thể để đánh giá. Ông nêu ví dụ, trong giai đoạn dịch bùng phát nhanh, lan tràn ở Bắc Ninh, Bắc Giang và tháng 4, tháng 5 vừa rồi hay ở 21 địa phương miền Nam trong tháng 8, tháng 9, trọng tâm là sử dụng công cụ chi trực tiếp về tiền và nguồn lực, chẳng hạn xuất cấp hàng dự trữ để người dân yên tâm thực hiện yều cầu phòng dịch.
"Khi tình hình dịch đc kiểm soát, các hoạt động trở lại bình thường, chính sách tài khóa sẽ tập trung vào tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất, thị trường lao động, giải quyết vấn đề an sinh xã hội… Khi đó, những chính sách về kích cầu kinh tế, đầu tư công, hệ thống hạ tầng... là trọng tâm" - ông nói.
Thứ trưởng đặc biệt lưu ý dịch Covid-19 vẫn tiếp tục và thậm chí còn phức tạp hơn với biến chủng mới Omicron. "Diễn biến dịch phức tạp sẽ đòi hỏi giành nguồn lực thích đáng cho lĩnh vực y tế" - ông nhấn mạnh.
TS Võ Trí Thành - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng việc phối hợp chính sách tài khóa và tiền tệ ngày càng khó trong bối cảnh dịch Covid-19.
Các chính sách gặp vấn đề độ trễ trong và độ trễ ngoài
TS Võ Trí Thành nhấn mạnh nguyên tắc muốn bắn bao nhiêu con thỏ thì phải có bấy nhiêu mũi tên. "Tuy nhiên, chúng ta vừa muốn hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ an sinh xã hội, nhưng lại vừa phải ổn định kinh tế vĩ mô, vừa đẩy mạnh phòng, chống dịch Covid-19. Vì thế, việc phối hợp chính sách tài khóa, tiền tệ lại càng quan trọng, phải có thêm nhiều công cụ" - ông nói. Ông cho rằng phối hợp chính sách tài khóa, tiền tệ là nguyên tắc, cũng là nghệ thuật.
Ông Võ Trí Thành nhận định các chính sách tài khóa, tiền tệ của nước ta đang gặp phải vấn đề về độ trễ trong và độ trễ ngoài.
"Khi triển khai các chính sách cần sự đồng hành, phối hợp, vào cuộc của Quốc hội, Chính phủ, Đảng... cho đến doanh nghiệp, người dân nên các chính sách triển khai đôi khi bị chậm" - ông Thành nói về độ trễ trong.
"Bên cạnh đó, Kho bạc Nhà nước có những lúc dư hàng trăm nghìn tỷ, tuy nhiên không thể triển khai ngay dẫn đến mất chi phí cơ hội" - TS Võ Trí Thành nói về độ trễ ngoài.
Theo ông Thành, Quối hội cần sửa đổi, đánh giá tác động, rủi ro, cải cách thể chế để thực thi vấn đề đầu tư công. "Phải có khuôn khổ pháp lý cụ thể để thực hiện tốt, không chỉ Quốc hội mà bên Ngân hàng cũng vậy" - ông nói.
TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh, khi ban hành chính sách thì thị trường lập tức phản ứng ngay, cả thị trường tài chính, thị trường kinh tế, cả thu nhập, tiêu dùng của người dân. Vậy nên phải giám sát, theo dõi tình hình để điều chỉnh chính sách.
Bên cạnh giám sát, phối hợp chính sách kịp thời cũng cũng phải lưu ý, trong phản ứng của các thị trường thì phản ứng của thị trường tài chính là nhanh nhất, giá của tài sản tài chính chính là tỷ giá và lãi suất, lạm phát.
Trong bối cảnh hiện nay, chính sách tài khóa tác động đến lạm phát thì ít, nhưng có thể tác động đến lãi suất, làm tăng lãi suất. Điều này cũng phù hợp khi sắp tới, nhiều ngân hàng của các nước trên thế giới có thể thắt chặt dần việc nới lỏng tiền tệ hoặc gói hỗ trợ.