vĐồng tin tức tài chính 365

Tín dụng đen nhìn từ vụ cho vay với lãi suất "cắt cổ" hơn 1.700%/năm

2021-12-06 15:04

Đào Xuân Thắng (31 tuổi, ở Hải Phòng) vào TPHCM lập nhóm cho vay với lãi suất “cắt cổ” lên tới 1.738%/năm, theo thiếu tướng Trần Ngọc Hà - Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, tín dụng “đen” đã kiềm chế song vẫn diễn biến phức tạp.  

Lãi suất "trên trời" của nhóm đối tượng người Hải Phòng

Hôm 4.12, Cục Cảnh sát Hình sự, C02 Bộ Công an cho biết, đã khởi tố Đào Xuân Thắng (Hải Phòng, 31 tuổi, 2 tiền án) cùng 6 bị can về tội "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự".

Từ tháng 5.2020, Đào Xuân Thắng, Nguyễn Văn Luyện cùng một số đàn em từ Hải Phòng bắt đầu vào TPHCM, thuê chung cư để hoạt động cho vay lãi nặng.

Thắng thường cho khách vay với 2 hình thức gồm: Vay “bát họ”- trả tiền góp theo ngày, lãi suất từ 282-1.738%/năm; vay “lãi nằm”- đóng tiền lãi 15 ngày một lần, lãi suất 5.000 đồng/triệu/ngày hoặc 1,5%/ngày, tương đương mức lãi suất 180- 547,5%/năm.

Trong số những người vay tiền của Thắng, có anh P.C.L vay 16,2 tỉ đồng, lãi suất từ 282 - 1.738%/năm; anh N.V.S vay hơn 3,6 tỉ đồng, lãi suất từ 491 - 983%/năm; chị T.D.K vay 24 tỉ đồng, lãi suất từ 144 - 491%/năm, tổng số tiền gốc và lãi phải trả là gần 40 tỉ đồng…

Thủ đoạn của băng nhóm cho vay lãi nặng do Thắng cầm đầu là cho đăng quảng cáo trên các website, mạng xã hội; kết nối với các đối tượng môi giới (“cò”) làm trong ngành ngân hàng, tài chính để giới thiệu người đang có nhu cầu vay vốn để kinh doanh, đầu tư, buôn bán, đặc biệt là những người có nhu cầu đáo nợ ngân hàng.

Ngoài ra, nhằm tránh sự phát hiện, xử lý của lực lượng Công an, Thắng không mở cơ sở kinh doanh cầm đồ, hỗ trợ tài chính ở một địa điểm cố định. Bị can thuê căn hộ chung cư để ở và hoạt động, quảng cáo dịch vụ cho vay lãi trên mạng để thu hút khách vay, lập các nhóm Zalo để trao đổi công việc cho vay, đòi nợ, siết nợ…

Chúng lập, sử dụng tài khoản kế toán trên trang web “dongnai123.online” để quản lý, theo dõi các khoản vay của khách, số tiền gốc, tiền lãi, tiền góp hằng ngày theo từng mã vay, từng khách hàng.

Khi “khách” vay có nhu cầu muốn vay tiền, Thắng chỉ đạo Nguyễn Văn Luyện, Trần Hồng Giang, Hoàng Đăng Dũng… liên hệ với người vay để kiểm tra chỗ ở, điều kiện kinh tế. Khi vay tiền, khách hàng phải để lại các giấy tờ như Chứng minh nhân dân, Giấy phép lái xe, Sổ hộ khẩu... để làm tin và viết giấy vay nợ.

Đối với những khách vay khoản lớn, Thắng yêu cầu khách viết giấy tờ thế chấp, hợp đồng cầm cố tài sản hoặc hợp đồng ủy quyền sử dụng tài sản như ôtô, nhà cửa nhằm mục đích đảm bảo cho khoản vay, nếu sau này khách chậm trả hoặc không trả được nợ thì sẽ ép khách làm thủ tục sang tên tài sản.

Đến hẹn trả tiền, các đối tượng Luyện, Giang, Dũng nhắn tin, gọi điện đôn đốc trả nợ đúng hẹn. Đối với những người vay chậm đóng tiền lãi, tiền góp hằng ngày, Thắng chỉ đạo đối tượng đàn em gây sức ép để yêu cầu người vay “bốc bát” mới để đáo hạn, tất toán cho các khoản vay trước.

Với thủ đoạn cho vay kiểu “lãi chồng lãi” như trên, dẫn đến việc nhiều người vay mặc dù đã trả cho nhóm của Thắng số tiền lãi gấp nhiều lần tiền gốc nhưng vẫn chưa trả hết nợ, phải chuyển nhượng tài sản có giá trị cao như căn hộ, ôtô cho chúng.

Kiềm chế được hoạt động tín dụng "đen" song còn diễn biến phức tạp

Đó là nhận định của thiếu tướng Trần Ngọc Hà khi nói về hoạt động cho vay lãi nặng qua vụ việc trên xảy ra ở TPHCM, cũng như một số vụ án công an các địa phương triệt phá thời gian vừa qua.

Theo Cục trưởng C02, qua công tác nghiệp vụ, từ đầu năm 2020 đến nay, Công an các địa phương đã rà soát, phát hiện 6.664 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ; 540 cơ sở kinh doanh tài chính; 3.667 cá nhân có biểu hiện hoạt động cho vay lãi suất cao.

Theo Cục trưởng C02, hoạt động “tín dụng đen” tuy được kiềm chế nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 làm thiệt hại nặng nề đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội.

Tình trạng tạm dừng kinh doanh, kinh doanh không có lãi; nợ lương, mất việc làm, giảm thu nhập khiến nhu cầu vay tiền để phục vụ sinh hoạt, kinh doanh tăng cao. Một bộ phận không nhỏ thanh niên còn có nhu cầu vay tiền để phục vụ tiêu xài cá nhân hoặc thậm chí sử dụng cho các mục đích vi phạm pháp luật như sử dụng ma túy, cờ bạc... Vì vậy, khách hàng đã chấp nhận vay tiền với lãi suất "trên trời" và phải chịu "lãi chồng lãi".

Từ vụ C02 triệt phá trên, cho thấy, các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” chuyển hướng lợi dụng công nghệ, mạng xã hội… mời chào, dụ dỗ người kinh doanh nhỏ lẻ, người lao động thu nhập thấp, công nhân, thanh thiếu niên… vay tiền.

Không chỉ có nhóm Thắng "Nam tiến" để hoạt động cho vay lãi nặng, thực tế tại chính các địa phương, những đối tượng cũng đứng ra cho vay với lãi suất "cắt cổ", bị công an triệt phá thời gian vừa qua.

Theo thiếu tướng Trần Ngọc Hà, thời gian tới, các lực lượng chủ động triển khai các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” kịp thời, đúng trọng tâm, phù hợp với phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm, nhất là trong những diễn biến phức tạp của tình hình đã dự báo trong và sau dịch bệnh COVID-19.

Ngoài ra, UBND các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành có liên quan kịp thời giải quyết các vấn đề về an sinh xã hội trong và sau thời gian dịch bệnh COVID-19... góp phần hạn chế người dân có nhu cầu vay tiền chính đáng, phục vụ sản xuất, kinh doanh phải tìm đến “tín dụng đen”.

Phối hợp với ngành ngân hàng giới thiệu các kênh vay vốn chính thống, đẩy mạnh phát triển các loại hình tiết kiệm, tín dụng, hệ thống tài chính vi mô, kịp thời có hình thức hỗ trợ tài chính đối với hội viên, đoàn viên gặp khó khăn. 

Xem thêm: odl.043189-man0071-noh-oc-tac-taus-ial-iov-yav-ohc-uv-ut-nihn-ned-gnud-nit/taul-pahp/nv.gnodoal

Comments:0 | Tags: vay Tín dụng

“Tín dụng đen nhìn từ vụ cho vay với lãi suất "cắt cổ" hơn 1.700%/năm”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools