Kéo giảm nợ thuế
Theo Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 11/2021, toàn ngành Thuế đã xử lý được 29,3 nghìn tỷ đồng tiền nợ thuế (trong đó xử lý khoanh nợ 25,8 nghìn tỷ đồng, xóa nợ thuế không còn khả năng thu hồi 3,5 nghìn tỷ đồng), theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội. Để kéo giảm nợ thuế về dưới 5% trên tổng thu ngân sách, ngành Thuế đang dồn lực rà soát, đôn đốc thu kịp thời các khoản thuế hết thời gian được gia hạn vào ngân sách Nhà nước (NSNN).
Năm 2021 các đợt dịch Covid-19 bùng phát với diễn biến phức tạp, khiến nhiều địa phương phải giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh theo các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, dẫn đến người nộp thuế gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh nên chưa nộp kịp thời tiền thuế nợ vào NSNN.
Để kéo giảm nợ thuế, các địa phương đã chủ động rà soát, thực hiện quyết liệt các biện pháp thu hồi nợ đọng. Tại Hà Nội, Cục Thuế Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng đơn vị liên quan trong xử lý các khoản nợ liên quan đến đất. Mới đây, Cục Thuế Hà Nội tiếp tục công khai nợ thuế đối với 369 người nộp thuế có số nợ thuế phí, nợ nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất. Trong danh sách này có 6 người nộp thuế nợ nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất kỳ khóa sổ 30/9/2021, với số nợ còn lại đến 1/11/2021 là 264,5 tỷ đồng.
Theo Tổng cục Thuế, mặc dù dịch phức tạp nhưng nhiều khoản thu sắc thuế thu đạt và vượt dự toán. Tổng thu NSNN lũy kế 11 tháng năm 2021 do cơ quan Thuế quản lý ước đạt 1.180 nghìn tỷ đồng, bằng 105,1% so với dự toán pháp lệnh, bằng 107,5% so với cùng kỳ năm 2020, nếu loại trừ yếu tố gia hạn và một số khoản thu đột biến thì bằng 104,1% so với cùng kỳ.
Trong đó, thu từ dầu thô ước đạt 38.104 tỷ đồng, bằng 164,2% so với dự toán, bằng 120% so với cùng kỳ, thu nội địa ước đạt 1.135.587 tỷ đồng, bằng 103,8% so với dự toán, bằng 107,1% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó số thu từ thuế, phí nội địa ước đạt 900.567 tỷ đồng, bằng 102,1 % so với dự toán, bằng 111,1% so với cùng kỳ năm 2020.
So với dự toán có 14/18 khoản thu, sắc thuế đảm bảo tiến độ thực hiện dự toán (đạt trên 91%), trong đó một số khoản thu lớn như: doanh nghiệp Nhà nước ước thu đạt 101,6%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 99,5%; thu từ khu vực ngoài quốc doanh ước đạt 107,8%; thuế thu nhập cá nhân ước đạt 107,7%; tiền sử dụng đất ước đạt 121,5%; tiền thuê đất ước đạt 125,9%. Số thu thuế, phí nội địa đạt khá so với dự toán là do các địa phương đã mở cửa trở lại, kinh tế dần phục hồi, trong đó có một số khối ngành như: Ngân hàng thương mại, hoạt động kinh doanh bất động sản, hoạt động chuyển nhượng vốn và đầu tư vốn, hoạt động kinh doanh chứng khoán có tốc độ tăng trưởng cao và đóng góp lớn cho NSNN.
Hơn 139.000 doanh nghiệp, cá nhân xin gia hạn thu thuế
Theo Tổng cục Thuế, để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn của đại dịch, đẩy nhanh tốc độ hồi phục nền kinh tế, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52/2021/NĐ-CP về việc thực hiện gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất trong năm 2021.
Qua đó, thực hiện gia hạn thuế giá trị gia tăng phải nộp từ tháng 3 đến tháng 8/2021, thuế giá trị gia tăng quý 1 và quý 2/2021, thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp quý 1 và quý 2/2021, gia hạn tiền thuê đất kỳ 1 năm 2021 cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng và gia hạn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân năm 2021 đối với hộ, cá nhân kinh doanh thuộc các ngành, lĩnh vực gặp khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19.
Ước tính đến cuối tháng 11/2021, tổng số đơn đề nghị gia hạn mà cơ quan Thuế đã nhận được là 139.190 đơn, trong đó có 119.708 doanh nghiệp và tổ chức và 19.482 hộ, cá nhân kinh doanh. Tổng số thuế, tiền thuê đất được gia hạn là 92.825 tỉ đồng.
Tổng cục Thuế nhận định, giải pháp này đã tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh và tạo nguồn thu cho ngân sách.
Theo Tổng cục Thuế, thời gian tới, toàn ngành Thuế sẽ theo dõi chặt chẽ, đôn đốc thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thu đã được gia hạn theo Nghị định số 52/2021/NĐ-CP khi hết thời gian gia hạn, tránh việc phát sinh nợ thuế và tiền chậm nộp làm tăng thêm khó khăn về tài chính cho doanh nghiệp.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt việc miễn, giảm tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất cho doanh nghiệp và người dân theo các Nghị quyết, Nghị định của Chính phủ, Quốc hội để tháo gỡ, hỗ trợ kịp thời những khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, hồi phục và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, từ đó góp phần tăng thu bền vững cho ngân sách nhà nước.
Các địa phương thực hiện quyết liệt các biện pháp thu nợ
Ông Lương Văn Ngà – Cục trưởng Cục Thuế Khánh Hòa cho hay, để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, trong tháng 12 này, ngoài việc chú trọng thu kịp thời các nguồn thuế phát sinh, toàn đơn vị đang tập trung nguồn lực thực hiện quyết liệt các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế để thu hồi nợ thuế, nhằm bù đắp cho những nguồn thu sụt giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Báo cáo của Cục Thuế Khánh Hòa cho thấy, tính đến 31/10/2021, tổng nợ thuế trên địa bàn cơ quan thuế đang quản lý là 1.252 tỷ đồng. So với mục tiêu Tổng cục Thuế giao, tỷ lệ tổng nợ trên tổng thu là 10,9%. Cũng theo báo cáo của đơn vị này, thực hiện Nghị quyết số 94/2019/QH14, đơn vị đã xử lý khoanh, xóa 159,8 tỷ đồng tiền nợ thuế, đạt tỷ lệ 40,7% số tiền nợ thuế phải xử lý. Trong đó, cơ quan thuế đã ban hành 331 quyết định khoanh nợ với số tiền là 136,6 tỷ đồng; UBND tỉnh đã ban hành 55 quyết định xóa nợ, với số tiền 23,1 tỷ đồng.
Lý giải thêm về tỷ lệ nợ thuế vẫn cao so với chỉ tiêu được giao, lãnh đạo Cục Thuế Khánh Hòa cho rằng, lý do chính vẫn do ảnh hưởng của dịch bệnh, khiến nhiều DN gặp khó khăn chưa có nguồn tài chính nộp NSNN dẫn đến nợ thuế. Cục Thuế Khánh Hòa đặt mục tiêu phấn đấu tổng số tiền thuế nợ tại thời điểm 31/12/2021 trên địa bàn không quá 847 tỷ đồng. Theo đó, Cục Thuế Khánh Hòa đang tổ chức thực hiện các biện pháp đôn đốc thu nợ ngay đối với những người nộp thế (NNT) đã hết thời gian gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất theo quy định tại Nghị định 52/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
Cùng với đó, Cục Thuế Khánh Hòa cũng giao nhiệm vụ thu nợ, xử lý nợ thuế cho người đứng đầu lãnh đạo đơn vị và từng cán bộ tham gia quản lý nợ thuế, chỉ đạo cụ thể các biện pháp áp dụng thu nợ, xử lý nợ để xử lý, thu hồi nợ thuế vào NSNN, đảm bảo chỉ tiêu đã được giao.
Ông Đỗ Trọng Nghĩa – Cục trưởng Cục Thuế Thái Nguyên cho hay, công tác quản lý nợ, cưỡng chế nợ thuế cũng như xử lý nợ thuế luôn được toàn đơn vị triển khai thực hiện nghiêm túc, đảm bảo thực hiện đúng quy trình quản lý nợ và các quy định hiện hành. Thông qua các biện pháp tích cực, cục thuế đã triển khai, tổng số nợ do ngành thuế quản lý trên địa bàn tỉnh đã giảm đều qua từng tháng. Tính đến thời điểm 31/10/2021, số tiền thuế nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày đã giảm 24 tỷ đồng so với thời điểm 30/9/2021.
Trong tháng nước rút này, Cục Thuế Thái Nguyên giao bộ phận quản lý nợ tăng cường thực hiện các biện pháp đôn đốc và cưỡng chế nợ thuế, cũng như xử lý nợ thuế; xây dựng kế hoạch thu tiền thuế nợ cụ thể đến từng DN, từng cán bộ quản lý nợ, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu thu tiền thuế nợ và xử lý nợ đã được Tổng cục Thuế giao.
“Cùng với đó, chúng tôi mời các trường hợp còn nợ các khoản nợ tiền sử dụng đất và tiền thuê đất lên cơ quan thuế làm việc để yêu cầu NNT hoàn thành nghĩa vụ với NSNN, cũng như thông báo rõ các biện pháp cưỡng chế nợ thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế; thực hiện nghiêm các biện pháp cưỡng chế thu hồi nợ thuế đối với các khoản nợ đã đến thời hạn cưỡng chế; ban hành văn bản đề nghị UBND tỉnh thu hồi đất, thu hồi dự án đối với NNT nợ chây ỳ, kéo dài, đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo quy định nhưng không thu hồi được tiền nợ vào NSNN” – ông Đỗ Trọng Nghĩa nhấn mạnh.
Hương Anh (tổng hợp)