Làn sóng dịch bệnh do biến thể Delta hoành hành khắp Đông Nam Á từ mùa hè đã tàn phá chuỗi cung ứng thế giới, làm gián đoạn sản xuất từ chất bán dẫn đến giày thể thao và tăng giá mọi loại hàng hóa cho người tiêu dùng phương Tây. Đến nay, các quốc gia trong khu vực như Việt Nam và Malaysia đã rút được nhiều bài học kinh nghiệm và chuẩn bị tốt hơn cho những làn sóng mới của Covid-19 khi biến thể Omicron đang lây lan toàn cầu.
Việt Nam và Thái Lan là hai ví dụ cho việc linh động chiến lược ngăn chặn đại dịch để thúc đẩy nền kinh tế. Động thái đó đã được hỗ trợ bởi chiến lược tiêm chủng quốc gia giúp độ phủ vaccine tăng lên nhanh chóng. Tuy nhiên, các nhà kinh tế và chủ doanh nghiệp vẫn rất thận trọng trước biến thể Omicron đã lây lan sang Singapore, Malaysia và Thái Lan.
Biến thể mới xuất hiện khi các điều kiện trong chuỗi cung ứng toàn cầu đang được cải thiện, song vẫn phải đối mặt với những thách thức. Nhiều nhà máy đã được mở cửa trở lại trong nhiều tháng qua trên khắp Đông Nam Á, giảm bớt một phần áp lực lớn cho các công ty phương Tây, nhưng tình trạng thiếu lao động tiếp tục hạn chế năng lực sản xuất ở các nước như Việt Nam và Malaysia. Các nhà máy trong khu vực cũng đang phải đối mặt với việc tăng giá cước vận tải và tình trạng thiếu nguyên liệu thô. Điều đó làm tăng giá cả và thời gian nhận hàng lâu hơn cho người tiêu dùng phương Tây.
Tuy nhiên, nhiều công ty vẫn hy vọng Omicron sẽ không làm mọi thứ trở lại tồi tệ. The Wall Street Journal cho rằng, Việt Nam với việc chuyển hướng sang thích ứng với đại dịch là nhân tố có thể giúp chuỗi cung ứng ít gián đoạn hơn bởi bất kỳ đợt lây nhiễm nào trong tương lai.
Từ đầu tháng 10, nhiều nhà máy đã hoạt động bình thường trở lại. Đến nay, khoảng 55% người dân được tiêm chủng đầy đủ và khoảng 75% được tiêm chủng ít nhất một mũi. Số ca tử vong do Covid-19 trung bình mỗi ngày trong những tuần gần đây chỉ bằng một nửa so với đầu tháng 9. Với biến thể Omicron, Chính phủ vẫn đang giám sát chặt chẽ.
Câu chuyện tương tự cũng diễn ra ở Malaysia. Quốc gia này đã đóng cửa nghiêm ngặt vào đầu mùa hè làm gián đoạn các lĩnh vực sản xuất chủ chốt, thậm chí ảnh hưởng đến sản xuất trong ngành bán dẫn quan trọng toàn cầu. Hiện khoảng 78% dân số nước này đã được tiêm chủng đầy đủ, cao hơn nhiều so với tỷ lệ của Mỹ hoặc Liên minh châu Âu.
Tan Thian Poh - một chủ nhà máy ở Malaysia và là chủ tịch hiệp hội ngành may mặc, cho rằng tỷ lệ tiêm chủng cao như hiện nay sẽ tránh được các đợt giãn cách trên diện rộng. Theo các quan chức chính phủ Malaysia, còn quá sớm để đưa ra kết luận chắc chắn về biến thể mới nhưng không muốn phản ứng quá mức.
"Chúng tôi cũng muốn đảm bảo rằng, phản ứng của chúng tôi phải tương xứng với rủi ro. Hiện vẫn chưa biết hết mức độ rủi ro của biến thể này", Bộ trưởng Y tế Malaysia Khairy Jamaluddin, cho biết vào tuần trước.
Dẫu vậy, biến thể Omicron vẫn có thể gây ra một số vấn đề cho chuỗi cung ứng toàn cầu. Các lệnh hạn chế biên giới mới có thể kéo dài thời gian quay trở lại làm việc của lao động nước ngoài đến các nước châu Á, làm giảm sản lượng của các nhà máy. Tại Việt Nam, các doanh nghiệp lo ngại những người lao động trở về quê trong giai đoạn cao điểm đại dịch sẽ ít có khả năng quay trở lại thành phố hơn nếu biến thể mới làm số ca nhiễm gia tăng thêm hoặc khả năng thắt chặt hạn chế đi lại trong nước.
Trước mắt, nhiều nhà kinh tế và phân tích cho rằng, chính phủ các nước Đông Nam Á sẽ tìm cách tránh đi đến giãn cách xã hội kéo dài trên diện rộng để không làm căng thẳng thêm mối quan hệ với các công ty nước ngoài. Louis Kuijs - trưởng bộ phận kinh tế châu Á của Oxford Economics, nhận định: "Cả Việt Nam và Malaysia đều quyết định thích nghi với Covid-19".
Tất Đạt (theo The Wall Street Journal)