Một cây thông mới bị đốn hạ bằng cưa máy ở hiện trường - Ảnh: M.VINH
Ngày 7-12, Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết đang phối hợp với các lực lượng chức năng giám định hiện trường vụ phá rừng tác động đến 4ha ở Tiểu khu 267C (xã Hiệp An, huyện Đức Trọng) làm hơn 500 cây thông có đường kính gốc từ 8-50cm bị cưa.
Ngoài ra, một số lượng lớn cây dầu trà beng và dẻ cũng bị chặt hạ, đang được thống kê. Đây là số lượng thông rừng bị chặt hạ lớn nhất trong năm 2021 tại huyện Đức Trọng, tính đến thời điểm này.
Bước đầu cơ quan chức năng xác định vụ phá rừng trên đã diễn ra trong thời gian dài, có tổ chức. Có dấu hiệu đây là vụ phá rừng nhằm mục đích chiếm đất quanh hồ chứa nước Ta Hoét (thôn Kà Rèn, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng).
Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lâm Đồng cho biết đơn vị đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm chủ trì, phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế và Phòng Cảnh sát môi trường Công an Lâm Đồng, Công an huyện Đức Trọng, Hạt kiểm lâm Đức Trọng và Ban quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh xác minh.
Kết quả kiểm tra xác định tại khu vực khoảnh 7, Tiểu khu 267C, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng có tới 7 vị trí phá rừng trái pháp luật và 1 vị trí lấn chiếm đất rừng.
Một số vị trí khi kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện cả trăm cây thông bị cưa, chặt hạ, bề mặt gốc chặt mới khô. Toàn bộ lâm sản thiệt hại đã bị cắt ngắn thành lóng, khúc, để lăn lóc tại hiện trường.
Theo ghi nhận của chúng tôi tại hiện trường, người dân thôn Kà Rèn cho biết nửa năm gần đây, liên tục có nhiều nhóm người xuất hiện vào ban đêm, chặt hạ thông rừng ven khu vực dự kiến làm hồ chứa nước Ta Hoét.
Chúng tôi ghi nhận có 6 - 8 điểm thông rừng bị chặt hạ, tàn phá nham nhở trên những khu đồi cao. Một số điểm nằm ngay con đường đất, trên lưng chừng một quả đồi. Có cả trăm gốc thông đã bị chặt hạ, đốt cháy đen từ trước xen lẫn cả những cây thông mới bị cưa, lá mới ngả màu vàng, gốc còn ứa nhựa.
Lực lượng chức năng khám nghiệm hiện trường - Ảnh: M.V.
Đáng nói, vị trí rừng thông bị phá rất gần đường cao tốc Liên Khương - Prenn, gần với Đà Lạt. Người dân khu vực này cho biết các nhóm mua bán bất động sản đồn thổi sau khi hồ chứa nước này hình thành, khu vực này sẽ là rừng vành đai lòng hồ, có địa thế rất đẹp, hợp làm du lịch nghỉ dưỡng. Các thông tin này kích thích nhiều người lạ mặt tìm đến phá rừng.
TTO - Rừng thông tại Lâm Đồng lại tiếp tục bị tàn phá với diện tích lớn, trong thời gian dài nhưng kiểm lâm khu vực không biết và cũng không xác định được danh tính người phá rừng.
Xem thêm: mth.38040305170211202-gnoud-ihgn-hcil-ud-mal-tad-meihc-nal-gnur-gnoht-ah-nod/nv.ertiout