Trong đơn gửi các cơ quan tố tụng tỉnh Bình Thuận, Ủy ban Tư pháp Quốc hội..., ông Ngọc cho biết, 19h ngày 31/7/1980, trên địa bàn xã Tân Minh, huyện Hàm Tân, xảy ra vụ án bà Phan Thị Khanh (lúc đó 26 tuổi) trên đường đi bẻ bắp về bị sát hại, cướp 1,6 lượng vàng (gia đình cho là bà vẫn mang theo người mỗi ngày).
Công an huyện Hàm Tân sau đó khởi tố, bắt tạm giam ông Võ Tê (cha của ông Võ Ngọc), sống cách hiện trường khoảng 300 m với cáo buộc Giết người, Cướp tài sản. Ông Tê được di lý về Công an tỉnh Thuận Hải (nay là Bình Thuận) để điều tra. Tuy nhiên, 5 tháng sau, ông Tê được công an tỉnh trả tự do vì "không đủ chứng cứ kết tội".
Năm 1994, ông Tê qua đời khi còn mang thân phận bị can. Đến nay, vụ án vẫn chưa tìm ra hung thủ.
Ánh mắt không giấu được nỗi buồn, ông Ngọc nói vẫn nhớ như in hôm xảy ra vụ án khiến cha bị bắt oan. Năm đó ông Ngọc 16 tuổi. Khoảng 16h ngày 31/7/1980, ông và em trai 8 tuổi theo cha đi câu cá ở khu vực cầu Sông Cát cách nhà một km. Gần hai tiếng sau cha con ông về nhà chuẩn bị cơm chiều.
Đến gần 19h, cha con ông nghe tiếng Lâm Văn Hồi (cùng tuổi với Ngọc) kêu lớn: "Chú Bảy (ông Tê) ơi chú Bảy, ra cứu chị Hai Khanh. Chị Hai Khanh bị trúng gió chết rồi". Do ông Tê biết bốc thuốc Nam và cạo gió nên mỗi khi người trong làng bị bệnh đều gọi ông đến giúp.
"Trời tối mịt. Cha nói 'đốt đuốc lên con' rồi ông đi trước, tôi theo sau", ông Ngọc kể. Đến khu vực rẫy ngô gần quốc lộ, họ thấy bà Khanh nằm bất động dưới đất. Bà Hồng (mẹ bà Khanh) ngồi ôm đầu con, vừa khóc vừa nói: "Chú Bảy ơi, cứu con tôi với".
Ông Tê bắt mạch thì biết bà Khanh đã chết, soi đuốc phát hiện trên người nạn nhân có 6-7 vết chém. "Bà Hồng nắm lấy chân cha tôi nhờ cứu con nên vết máu dính vào ống quần ông. Lúc này còn có ông Phan Thanh (em ruột bà Khanh) và một số người hàng xóm", ông Ngọc kể.
Khuya hôm đó công an vào hỏi chuyện cha con ông. Nghi vấn ông Tê là hung thủ từ vết máu dính trên ống quần. Sáng hôm sau, công an huyện đến bắt ông Tê, khám xét nhà, thu giữ con dao và cây cần câu ếch. Ông Ngọc cũng bị đưa lên xã nhốt một đêm, lấy lời khai, nhưng không có chứng cứ gì nên được thả về.
Ông Ngọc cho biết, từ ngày cha bị bắt, cả gia đình sống trong cảnh tủi nhục, bị người làng xa lánh. Anh em ông đều phải bỏ học giữa chừng. Người cha buồn rầu, kiệt sức rồi lâm bệnh, đến năm 1994 thì qua đời. "Đến tận bây giờ tôi cũng không dám ra ngồi quán cà phê vì ngại người ta dị nghị", ông Ngọc phân trần.
Năm ngoái, ông đã làm đơn gửi Công an tỉnh Bình Thuận đề nghị ra quyết định đình chỉ điều tra, giải oan cho cha. Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận đã chuyển đơn đến VKSND huyện Hàm Tân (cơ quan phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với ông Tê) để giải quyết. Tuy nhiên, cơ quan này cho rằng việc bồi thường oan sai phải căn cứ vào kết quả giải quyết vụ án để xác định có oan hay không. Việc này không thuộc thẩm quyền của VKSND huyện Hàm Tân nên đề nghị công an tỉnh điều tra theo thẩm quyền.
Sau hơn một năm chưa nhận được kết quả giải quyết của công an tỉnh, hồi cuối tháng 11, ông Ngọc tiếp tục gửi đơn kêu cứu.
Nói về lý do suốt nhiều năm không kêu oan, ông Ngọc cho rằng, bản thân và gia đình không hiểu biết pháp luật. Cho đến năm ngoái, nghe tin con trai bà Khanh có đơn gửi Công an tỉnh Bình Thuận tố cáo hung thủ giết mẹ mình. Từ đó, ông mới được một số luật sư, người từng trợ giúp pháp lý cho ông Huỳnh Văn Nén hướng dẫn thủ tục để làm đơn kêu oan.
"Dù muộn màng, nhưng chúng tôi mong các cơ quan có thẩm quyền trả lại công bằng cho cha tôi và những gì gia đình tôi đã gánh chịu suốt thời gian qua", ông Ngọc nói.
Liên quan đến việc con bà Khanh có đơn tố cáo hung thủ giết mẹ mình, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận cho biết đang tiếp tục phối hợp với Cục cảnh sát Hình sự (C02) Bộ Công an xác minh làm rõ do người này "không có nơi ở ổn định".
Việt Quốc
Xem thêm: lmth.5146934-tehc-ad-ahc-iougn-ohc-nao-uek/ten.sserpxenv