vĐồng tin tức tài chính 365

Trung Quốc và 36 năm cấm xe máy

2021-12-09 10:44

Tại nhiều thành phố lớn của Trung Quốc, lệnh cấm xe máy đã được thực thi hơn 30 năm qua với mục tiêu chính là giảm tai nạn giao thông. Do rẻ, nhanh và thuận tiện nên xe máy đã trở thành phương tiện cá nhân chính của hàng chục triệu gia đình Trung Quốc, thế nhưng chúng cũng là nguyên nhân gây ra vô số vụ tai nạn ở các thành phố lớn.

Bất chấp những lệnh cấm, số xe máy tại Trung Quốc đang ngày một tăng do điều kiện kinh tế người dân được cải thiện.

Nghiên cứu năm 2020 của chuyên gia Yuntao Guo thuộc trường đại học Tongji University-Thượng Hải và của Jian Wang thuộc trường Southeast University cho thấy năm 1981, Trung Quốc chỉ có 200.000 xe máy thì con số này đã lên đến hơn 100 triệu chiếc vào năm 2014.

Trung Quốc và 36 năm cấm xe máy - Ảnh 1.

Nguyên nhân chính khiến người Trung Quốc thích dùng xe máy là do giá rẻ, nhanh hơn ô tô khi chạy đường hẹp, dễ luồn lách, không phải phụ thuộc vào các phương tiện công cộng và thuận tiện sử dụng cũng như chi phí "nuôi" thấp.

Tuy nhiên nghiên cứu của Guo và Wang cũng cho thấy xe máy gây ra rất nhiều vụ tai nạn ở Trung Quốc do số lượng nhiều và tình trạng phóng nhanh vượt ẩu. Đi kèm với đó là các vấn đề về ô nhiễm môi trường, tắc đường, bị sử dụng làm phương tiện cho nạn cướp giật...

Nhằm hạn chế những vấn đề này, chính quyền nhiều thành phố lớn của Trung Quốc đã dừng cấp phép mới cho xe máy, cấm sử dụng phương tiện này tại khu vực trung tâm hoặc thậm chí cấm xe máy từ cửa ngõ thành phố.

Năm 1985, thủ đô Bắc Kinh đã cấm hoàn toàn xe máy trên toàn thành phố và trở thành nơi đầu tiên áp dụng lệnh cấm ở mức toàn diện như thế này. Đến đầu thập niên 1990, ngày càng nhiều thành phố theo gót và cho đến hiện nay đã có khoảng 185 thành phố, đô thị áp dụng lệnh cấm này.

Chính quyền địa phương cho hay việc cấm xe máy đem lại 2 lợi ích chính là hạn chế tai nạn giao thông và số vụ cướp giật, đồng thời kích thích được người dân sử dụng phương tiện công cộng thân thiện môi trường hơn.

Một số chuyên gia thậm chí tin rằng lệnh cấm này sẽ tạo áp lực lên chính phủ để cải thiện hệ thống giao thông công cộng do ngày càng nhiều người từ bỏ xe máy chuyển sang xe buýt.

Trung Quốc và 36 năm cấm xe máy - Ảnh 2.

Cảnh sát thanh tra giao thông tại Thâm Quyến

Thành công?

Lợi ích là vậy nhưng một nghiên cứu năm 2009 đăng trên Tạp chí thông tin công nghệ vận tải Trung Quốc (CJITTS) cho thấy lệnh cấm này cũng gây thiệt hại kinh tế cho các hộ gia đình nghèo, nhất là những người lao động cấp thấp nhập cư từ các vùng quê.

Việc không có giấy tờ đăng ký và khó tiếp cận được các phương tiện công cộng, đi kèm với đó là những hoạt động kinh doanh, vận tải cần xe máy đã khiến lệnh cấm tước đi kế sinh nhai của những lao động nghèo này. Phần lớn những người dân của tầng lớp này bị buộc phải đi bộ hoặc thậm chí bỏ nghề.

Để hiểu thêm tác động của lệnh cấm xe máy, chuyên gia kinh tế Jingjing Chen của trường đại học Hangzhou Normal University đã thực hiện nghiên cứu tại 4 thành phố là Hangzhou, Ningbo, Wenzhou và Shaoxing, nơi đều cấm xe máy tại tỉnh Zhejiang.

Năm 2001, Shaoxing cấm xe máy trong vành đai 1 của thành phố với thời gian và phạm vi thay đổi tùy nơi đăng ký biển số. Chính quyền địa phương cũng ngừng cấp mới biển số xe máy cho khu vực nội đô.

Năm 2002, Hangzhou cũng cấm xe máy vào nội đô và ngừng cấp phép mới cho phương tiện này trong trung tâm. Năm 2016, chính quyền thành phố nâng cấp lệnh cấm lên cả những quận quanh trung tâm và đến năm 2017 là toàn bộ trục đường chính.

Sau Shaoxing và Hangzhou, thành phố Ningbo cũng hạn chế xe máy vào nội đô từ năm 2010 và đến năm 2012 đã cấm phương tiện này vào khu đường phố trung tâm, ngoại trừ xe cảnh sát. Tình hình cũng tương tự tại Wenzhou vào năm 2011.

Quay trở lại nghiên cứu của Jingjing Chen, trước khi lệnh cấm được ban hành thì số vụ tai nạn tại tỉnh Zhejiang đã tăng đều qua các năm, từ 22.266 vụ năm 1996 lên 62.266 năm 2002, tương đương mức tăng 179%. Số người tử vong vì tai nạn giao thông cũng tăng 22,14% trong cùng kỳ.

Trung Quốc và 36 năm cấm xe máy - Ảnh 3.

Cấm xe máy nhưng Trung Quốc vẫn tắc đường

Tuy nhiên kể từ năm 2002 khi lệnh cấm xe máy được ban hành, số vụ tai nạn đã giảm 81% tính đến năm 2019 trong khi số ca tử vong giảm 57%. Thiệt hại tải sản do tai nạn giao thông cũng giảm 93% trong cùng kỳ.

Trên toàn Trung Quốc, số vụ tai nạn giao thông cũng giảm 68% từ hơn 773.000 ca năm 2002 xuống còn 247.600 ca năm 2019. Thiệt hại kinh tế từ tai nạn cũng giảm 56,4% từ hơn 3 triệu Nhân dân tệ xuống còn gần 1,35 triệu Nhân dân tệ trong cùng kỳ.

Thất bại?

Theo Jingjing Chen, việc cấm xe máy đã giúp thu hồi những chiếc xe cũ không đảm bảo an toàn cũng như hạn chế lưu lượng phương tiện này trên đường phố, qua đó giảm số vụ tai nạn.

Tuy nhiên việc cấm xe máy lại chẳng giúp ích cho môi trường, giải tỏa ách tắc giao thông hay thậm chí là có lợi cho người nghèo.

Nghiên cứu của Jingjing Chen cho thấy do điều kiện sống đi lên nên 25% số người dùng xe máy đã chuyển sang mua ô tô cá nhân, khiến lượng xăng tiêu thụ còn cao hơn. Nạn ách tắc giao thông cũng chẳng hết bởi ô tô khó luồn lách được như xe máy, đó là chưa kể đến những lao động nghèo bị ảnh hưởng thu nhập.

Chuyên gia Jingjing Chen cho biết chỉ cấm xe máy thôi là không thể giải quyết tình trạng ách tắc giao thông ở Trung Quốc. Chính phủ cần có biện pháp đi kèm như mở rộng mạng lưới giao thông công cộng, hỗ trợ giá vé, tạo làn đường riêng cho xe đạp hay có chính sách giúp đỡ người lao động nghèo.

"Nếu không có các chính sách đi kèm thì việc cấm xe máy không thể đạt mục tiêu mong muốn và sẽ chỉ gây thêm gánh nặng kinh tế, xã hội, nhất là cho những người nghèo", chuyên gia Guo và Wang có cùng nhận định.

http://tintuc.vdong.vn/12/1123699.htm

Băng Băng

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

Xem thêm: nhc.35173859090211202-yam-ex-mac-man-63-av-couq-gnurt/nv.zibefac

Comments:0 | Tags:No Tag

“Trung Quốc và 36 năm cấm xe máy”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools