Trái ngược lời khai của cựu Giám đốc Sở Xây dựng và Tổng Giám đốc SAGRI
Trả lời HĐXX về trình tự, thủ tục chuyển nhượng dự án hơn 36.676 m2 tại khu phố 4, phường Phước Long B, quận 9 (nay là Tp.Thủ Đức, Tp.HCM) giữa SAGRI và Tổng công ty Phong Phú, ông Lê Tấn Hùng, nguyên Tổng Giám đốc SAGRI khai ông là người ký đơn xin chuyển nhượng dự án.
Đơn này có 5 nội dung gồm: Đề nghị xin chuyển nhượng tài sản trên đất đã đầu tư; chuyển nhượng quyền sử dụng đất; chuyển nhượng phần vốn góp của SAGRI trong dự án (28%); trong quá trình thực hiện dự án, SAGRI chưa huy động vốn cho bên thứ 3; lý do xin chuyển nhượng dự án là tái cơ cấu doanh nghiệp theo chỉ đạo của UBND Tp.HCM.
Tuy nhiên, ông Trần Trọng Tuấn, cựu Giám đốc Sở Xây dựng Tp.HCM, cho rằng ông Hùng khai không đúng. Ông Tuấn trình bày trước đây, vốn để triển khai dự án nhà ở tại phường Phước Long B, quận 9 phù hợp với chiến lược, chức năng của SAGRI.
Tuy nhiên đến năm 2013, UBND TP phê duyệt đề án tái cơ cấu SAGRI theo hướng SAGRI chỉ kinh doanh nông nghiệp, không có ngành nghề kinh doanh bất động sản. Vì không thuộc ngành nghề kinh doanh bất độngsản nên SAGRI chuyển nhượng toàn bộ số vốn đã đầu tư dự án bất động sản trước đây theo quy định.
Theo ông Tuấn, chuyển nhượng dự án là chuyển nhượng quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư bên chuyển nhượng sang cho bên nhận chuyển nhượng. Và vì đây là hồ sơ chuyển nhượng dự án bất động sản, do đó hội đồng không thẩm định, không có thẩm quyền quyết định, tham mưu chuyện chuyển nhượng vốn đầu tư ra ngoài.
Đối với việc chuyển nhượng dự án, phải chuyển nhượng hết những gì đang đầu tư dở dang và chuyển nhượng dự án nhà ở thì phải gắn liền với quyền sử dụng đất. Quyết định của UBND Tp.HCM cho phép chuyển nhượng dự án này là thực hiện theo Luật Kinh doanh bất động sản, với vai trò là cơ quan chấp thuận đầu tư chứ không phải là cơ quan chủ sở hữu.
Không đồng tình với lời khai của ông Tuấn, đại diện VKS cho rằng lời khai của ông Tuấn mâu thuẫn với trước đây, khi ông Tuấn khai do SAGRI là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước nên hội đồng thẩm định dự án mới có văn bản hỏi Sở Tài chính về việc chuyển nhượng vốn nhà nước ra ngoài doanh nghiệp. Điều này thể hiện ông Tuấn quan tâm đến việc chuyển nhượng vốn tại SAGRI chứ không phải chỉ là chuyển nhượng dự án thông thường.
Đáp lại, ông Tuấn nói không hề mâu thuẫn. Giải thích về điều này, ông Tuấn cho rằng, việc hội đồng hỏi Sở Tài chính là do thành viên Sở Tài chính không tham gia họp nên phải hỏi để xem có gì nằm ngoài chuyên môn của hội đồng hay không và yêu cầu Sở Tài chính trả lời có vướng mắc gì không, nếu có thì hội đồng sẽ tổ chức họp lại.
Khi kiểm tra lại hồ sơ, ông thấy mình còn thiếu sót nhưng thiếu sót này không làm thay đổi bản chất hồ sơ chuyển nhượng dự án.
Cựu Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM thừa nhận chưa làm hết trách nhiệm
Liên quan đến việc SAGRI chuyển nhượng dự án cho Tổng công ty Phong Phú, VKS chất vấn ông Trần Vĩnh Tuyến, cựu Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM về cơ sở pháp luật và lý do ký Quyết định 6077 đồng ý cho chuyển nhượng.
Ông Tuyến cho rằng, sau khi lấy ý kiến sở ngành liên quan, ngoài việc tuân theo luật Kinh doanh bất động sản, luật Doanh nghiệp, thì việc chuyển nhượng dự án phải tuân thủ luật quản lý sử dụng vốn và nhiều luật khác.
Khi nhận được hồ sơ xin chuyển nhượng dự án, kèm đề xuất của Văn phòng UBND Tp.HCM, ban đầu ông Tuyến từ chối ký đồng ý cho chuyển nhượng. Nhưng khi kiểm tra lại, ông Tuyến thấy phù hợp quy định nên mới ký. Bởi việc chuyển nhượng dự án sẽ theo luật Doanh nghiệp, luật Kinh doanh bất động sản, riêng phần vốn không nằm trong chi phối này.
Tuy nhiên, ông Tuyến thừa nhận có thiếu sót, chưa làm hết trách nhiệm. “SAGRI thực hiện chủ trương thoái vốn sau khi Quyết định 6077 có hiệu lực. Nếu tôi làm hết trách nhiệm, kiểm tra đôn đốc các sở ngành hướng dẫn SAGRI thoái vốn đúng quy định thì hôm nay không đứng đây”, ông Tuyến trình bày trước tòa.
Cũng theo ông Tuyến, do thời điểm ký Quyết định 6077, công việc nhiều, trong khi Tp.HCM chỉ có 2 Phó Chủ tịch và bản thân ông Tuyến cũng phải phụ trách 2 mảng khác nhau. “Nếu yêu cầu tôi đọc hết hồ sơ dự án rồi ký các quyết định liên quan thì tôi xin nhận thiếu sót vì không thể đọc nổi”, ông Tuyến thừa nhận.
Đồng thời, ông Tuyến cũng thừa nhận mình thiếu trách nhiệm bởi không thể tự mình đọc hết kết luận của Thanh tra TP (trước đó, chủ tịch UBND Tp.HCM đã giao Thanh tra TP thanh tra toàn diện SAGRI). Do không thể tự đọc hết nên ông Tuyến mới giao Văn phòng UB rà soát lại và báo cáo ủy ban.
“Bị cáo chịu trách nhiệm giải quyết công việc của nửa thành phố, không thể xem xét hết. Bị cáo thấy mình thiếu trách nhiệm”, ông Tuyến nói.
Ông Tuyến cũng thừa nhận việc ký Quyết định 6077 là do nể nang. VKS hỏi nể nang ai?, ông Tuyến nói nể nang vì ông Lê Tấn Hùng là em trai của nguyên Bí thư Thành ủy Tp.HCM thời điểm đó.
Trả lời câu hỏi của VKS về việc đã nhận thấy hồ sơ chưa đủ căn cứ nhưng vẫn ký, ông Tuyến cho rằng không có chuyện ông biết sai mà vẫn ký.
Việc ký quyết định đồng ý cho chuyển nhượng dự án là vì nể nang. “Nhưng nể nang vì tình cảm, tôn trọng chứ không phải nể nang biết sai mà vẫn ký. Biết sai mà ký là sự ngu dốt, chứ không phải nể nang, ông Tuyến nói.