Tháng 6-2020, trong chuyến công tác ở Hà Nội, Nguyễn Ngọc Huân (26 tuổi, TP.HCM) có dịp hỗ trợ nhóm thiện nguyện tặng quà cho trẻ em ở Sơn La. Vừa tới nơi, Huân thấy hai đứa trẻ địa phương đang đứng bên kia đường, nở nụ cười hồn nhiên. Anh liền chạy xuống ôm chúng vào lòng và tặng sữa.
“Đó là những ấn tượng đầu tiên thắp lên hy vọng đồng hành cùng trẻ em vùng cao. Sau khi trở về TP.HCM, tôi mong muốn tham gia một nhóm thiện nguyện nào đó để giúp đỡ cộng đồng, thay vì chỉ tập trung vào công việc như trước đây” - Huân kể lại. Nghĩ là làm, anh thành lập nhóm Thiện nguyện Sinh viên (SV), kết nối những bạn trẻ trong ký túc xá ĐH Quốc gia có chung niềm đam mê thiện nguyện.
Ròng rã chở sữa đến cho trẻ em ở Tây Bắc
Sau lần đến với Sơn La, Huân tự nhủ sẽ tự mình thực hiện thêm những chuyến đi gửi tặng quà cho trẻ em vùng núi Tây Bắc. Từ cuối năm 2020 đến đầu 2021, anh nhiều lần trở lại Sơn La và các huyện của Hà Giang như Mèo Vạc, Cán Chu Phìn, Giàng Chu Phìn, Há Súng, Đồng Văn. Ở mỗi hành trình, xe máy của Huân lúc nào cũng chở đầy 4-5 thùng sữa. Dọc đường, gặp đứa trẻ nào anh cũng dừng lại gửi tặng hộp sữa làm quà.
Cứ như vậy, quãng đường từ TP Hà Giang đến huyện Mèo Vạc hoặc Mã Pí Lèng dài chưa tới 200 km nhưng anh đi mất hơn 12 tiếng đồng hồ. Tới nơi, anh dẫn những bạn nhỏ trong vùng tới tiệm tạp hóa để các bé lựa chọn sữa, bánh kẹo thỏa thích và mua tặng. Anh cũng ghé thăm các trường tiểu học, mầm non trong huyện để gửi tặng bánh, sữa, áo quần.
Trong một lần đến điểm Trường Mầm non Mã Pí Lèng A (huyện Mèo Vạc), Huân biết được các bé phải sinh hoạt trong điều kiện không có nhà vệ sinh và điện, nước. Anh kể lại: “Buổi trưa, các bé có cơm không để ăn đã là may mắn. Nhiều bé chỉ có mèn mén (bắp xay) và rau cải luộc. Còn có nhiều học sinh tiểu học ở huyện khác phải băng rừng từ 3, 4 giờ sáng để đến trường”.
Vì chi phí xây dựng và lắp đặt cao, anh và nhóm Thiện nguyện SV quyết định vận động xây tặng trường một nhà vệ sinh và lắp điện, nước. “Nhưng làm thiện nguyện không thể trông cậy vào kêu gọi hỗ trợ mãi được. Vì vậy, tôi đã xây dựng dự án Sách từ tâm, Tủ sách cộng đồng để cho thuê và bán sách rẻ cho SV. 100% lợi nhuận của dự án đều dùng cho hoạt động từ thiện” - Huân tâm sự.
Cô Nguyễn Thị Bích Hạnh (Hiệu trưởng Trường Mầm non Mã Pí Lèng) kể: “Huân giúp trường xây nhà vệ sinh rất đẹp. Các cô giáo thấy điểm trường có nhà vệ sinh, đầy đủ điện, nước thì vui lắm. Ngoài điểm trường Mã Pí Lèng A, Huân cũng mong muốn xây dựng thêm nhà vệ sinh và lắp điện, nước ở những điểm trường khác để các con có môi trường học tập sạch sẽ, an toàn”.
Huân tặng sữa cho các bạn nhỏ trên đường đi tới huyện vùng sâu tỉnh Hà Giang. Ảnh: NVCC
Nhiệt tình giúp đỡ SV trong mùa dịch
Ngoài việc hỗ trợ trẻ em vùng cao, Huân còn cùng nhóm Thiện nguyện SV gây quỹ giúp đỡ trẻ em nghèo, nấu cháo đêm cho người vô gia cư. Trong chương trình Xuân tình nguyện năm 2021, nhóm đã tặng quà cho trẻ em nghèo tại Trường Tiểu học - THCS Tà Pứa. Trường thuộc huyện Tánh Linh - một huyện miền núi nằm ở phía tây bắc tỉnh Bình Thuận.
Nhớ lại thời gian đó, Hồ Quang Tiến (SV Trường ĐH Bách khoa TP.HCM) nói: “Có bạn đề xuất đi những tỉnh gần cho tiện nhưng anh Huân lại muốn đi xa, tới những nơi mà đội khác khó đi. Đến khi tới mới thấy anh Huân không sợ khổ mà chỉ mong giúp đúng người”.
Ngoài nấu đồ ăn gây quỹ, nhóm còn xin quần áo cũ để tặng cho người dân xung quanh trường. Tiến kể: “Người dân quanh đó ai cũng khổ. Nhiều học sinh phải đi bộ qua núi mới tới trường học. Qua lần đó, tôi càng thấm thía hơn ý nghĩa của hoạt động tình nguyện và muốn cống hiến nhiều hơn”.
Hai lần bùng phát dịch tại TP.HCM, Huân đều dùng ô tô chở đồ, đưa SV ra bến xe, sân bay miễn phí. Nhiều bạn gửi tiền nhưng anh không nhận. Một số bạn tặng anh cà phê, bánh kẹo để ăn uống dọc đường, anh liền để dành cho những bạn ở chuyến sau.
TP.HCM giãn cách, nhiều SV kẹt lại ở Làng đại học. Huân liên hệ các điểm bán rau củ quả giá rẻ để mua tặng miễn phí cho SV trong làng. Mỗi đợt anh phát khoảng 600-1.000 suất quà, tùy theo lượt SV đăng ký. Nhiều mạnh thường quân cũng nhờ anh làm cầu nối gửi gạo, thực phẩm đến SV.
Thời gian cao điểm của dịch, anh hỗ trợ hơn 1.000 SV mỗi đợt, không chỉ ở trong làng ĐH mà còn ở các quận 3, 5, 10, Bình Thạnh, TP Thủ Đức. Sau khi TP mở cửa, anh tạm ngưng hoạt động hỗ trợ và chuyển số gạo còn lại cho những tài xế sống tại bến xe buýt ĐH Quốc gia.
Làm việc thiện nguyện để thấy cuộc sống đa sắc màu Sau khi dịch kết thúc, Huân và nhóm của mình sẽ tái khởi động những hoạt động trước đây còn dang dở. Nghĩ về hành trình mình đã đi qua, Huân cười: “Nếu không tham gia thiện nguyện thì tôi sẽ không có được những trải nghiệm tuyệt vời đó, cuộc sống sẽ không đa sắc màu như bây giờ”. |