Dự đoán trên vừa được ông Nguyễn Quốc Kỳ chia sẻ tại sự kiện "Diễn đàn kinh doanh 2021" hôm 9/12. Theo ông, Covid-19 khiến tất cả phải đứng yên bởi chưa ai có kinh nghiệm, chưa ai từng trải qua khủng hoảng như vậy. Dịch SARS năm 2002 và khủng hoảng kinh tế năm 2008 cũng không thể ảnh hưởng nghiêm trọng bằng đại dịch lần này.
Ông Kỳ cho biết doanh thu của Vietravel, đơn vị đang đứng đầu về lữ hành, mỗi ngày đang khoảng 1,5 triệu USD, đến khi có dịch đã lập tức về 0. Sau khoảng 10 ngày hoảng loạn, ông lớn ngành du lịch này nhận định thời gian khó khăn chắc chắn kéo dài và sẽ phải trải qua đỉnh dịch.
Từ đó, Vietravel xây dựng kế hoạch chuyển sang trạng thái "ngủ đông tích cực", trong đó tập trung giữ các mảng kinh doanh cốt lõi đảm bảo cho hệ thống hoạt động, tham gia vào hoạt động xã hội để đảm bảo vai trò. Đồng thời, trong giai đoạn này, công ty cũng tập trung vào marketing, gợi nhớ những hình ảnh đẹp lúc thanh bình trước kia để khách hàng không quên doanh nghiệp này.
"Để phục hồi phải trải qua 4 giai đoạn gồm rã đông, khởi động, tăng tốc và về đích", Chủ tịch Vietravel nhận định và nói doanh nghiệp này đang ở giai đoạn khởi động
Giãn cách xã hội mới kết thúc từ tháng 10, vì vậy ông Kỳ dự đoán, ngành du lịch chỉ có thể trở lại vào dịp Tết Âm lịch 2022 (khoảng đầu tháng 2), trong đó chủ yếu là du lịch trong nước. Hiện tại, công ty này bắt đầu cho các văn phòng khởi động trở lại.
Tại sự kiện, CEO Bamboo Airways, Đặng Tất Thắng cũng chia sẻ, hãng bay này cất cánh được 3 năm, thì 2 năm chịu tác động của dịch Covid-19.
Ông Thắng kể lại, sau Tết năm 2020, hãng này nhận thấy dịch có dấu hiệu bùng phát nên phải dừng ngay kế hoạch khai thác các đường bay quốc tế, để tập trung vào thị trường nội địa. Điều này đã giúp Bamboo Airways là một trong số ít hãng bay trên thế giới tăng trưởng về đội tàu bay từ 20 lên 30 chiếc, thị phần nội địa từ 13% lên xấp xỉ 20%.
CEO Bamboo Airways nhận định thị trường hàng không giống đồ thị chữ V, nhu cầu sẽ tăng trưởng mạnh trở lại sau thời gian giãn cách xã hội. Thời gian qua, tập trung bay trong nước, nhưng hãng này cũng đã chuẩn bị kế hoạch khai thác quốc tế trong bối cảnh thế giới đã chuyển sang xu hướng sống chung với dịch.
Ông Thắng đánh giá, việc Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ cho khách quốc tế, cũng như người Việt Nam xét nghiệm âm tính, đã tiêm đủ 2 mũi vaccine nhập cảnh không cần phải cách ly là một tin vui. "Đây sẽ là cánh cửa để khai thác lại các đường bay quốc tế, đón đầu việc mở cửa, tiền đề cho hàng không quay trở lại sau dịch Covid-19", ông Thắng cho hay.
Theo số liệu của ông Nguyễn Quốc Kỳ, năm 2019 - thời điểm trước dịch, ngành du lịch Việt Nam có khoảng 135.000 doanh nghiệp lưu trú với công suất 500.000 phòng, 29.000 hướng dẫn viên, 2.300 doanh nghiệp lữ hành, 19 triệu khách quốc tế và 82 triệu khách trong nước.
Anh Tú