Chứng khoán Mỹ đã kết thúc tuần với một kỷ lục mới trong phiên 10/12 mặc dù thông tin giá tiêu dùng Mỹ tăng đột biến trong tháng 11 đã củng cố nhận định Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ đẩy nhanh kế hoạch nâng lãi suất.
Phiên này trên thị trường Phố Wall, chỉ số tổng hợp S&P 500 tăng 0,9% và kết thúc ở mức 4.712,02 điểm, vượt qua kỷ lục ghi nhận hồi tháng trước. Chỉ số công nghiệp Dow Jones cũng tăng 0,6% lên 35.970,99 điểm, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tiến 0,7% và đóng cửa ở mức 15.630,6 điểm.
Thị trường chứng khoán Mỹ vẫn đi lên ngay cả khi báo cáo mới nhất của Bộ Lao động Mỹ cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này trong tháng trước đã tăng 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 6/1982 tới nay.
Theo giới quan sát, thị trường đã tiếp nhận thông tin trên một cách khá bình tĩnh, một phần vì nhà đầu tư đã dự báo về điều này từ trước.
Ông Art Hogan, chiến lược gia trưởng tại công ty môi giới đầu tư National Securities cho biết miễn là mọi thứ diễn ra theo dự kiến, thị trường có đủ thời gian để "tiêu hóa" những thông tin bất lợi này.
Chuyên gia của National Securities còn lưu ý rằng các nhà đầu tư cũng cảm thấy nhẹ nhõm khi độc lực của biến thể Omicron có vẻ thấp hơn so với các biến thể trước đó.
Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg
Dù vậy, nhà phân tích Edward Moya của công ty tài chính Oanda cảnh báo rằng tâm lý người tiêu dùng Mỹ vẫn có vẻ dễ bị tổn thương. Ông nhấn mạnh tình hình có thể sẽ khó khăn hơn nếu những đợt tăng giá lan rộng này kéo dài.
Số liệu CPI mới nhất được đưa ra sau khi Chủ tịch FED Jerome Powell báo hiệu kế hoạch đẩy nhanh việc cắt giảm các biện pháp kích thích kinh tế được triển khai trong mùa dịch. Nhiều nhà phân tích dự báo ngân hàng trung ương này sẽ tăng lãi suất ít nhất hai lần vào năm 2022.
Nhìn chung, chứng khoán Mỹ đã có một tuần khá thành công khi có tới bốn phiên tăng và chỉ một phiên đi xuống.
Trong phiên giao dịch 6/12, thị trường chứng khoán Mỹ đi lên trước hy vọng biến thể Omicron có thể không nguy hiểm như lo ngại ban đầu. Chốt phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 1,9%, chỉ số tổng hợp S&P 500 tăng 1,2% còn chỉ số công nghệ Nasdaq tăng 0,9%. Chuyên gia Craig Erlam của công ty môi giới OANDA đánh giá các báo cáo cho thấy những triệu chứng bệnh lý của người nhiễm biến thể Omicron ít nghiêm trọng hơn đã làm gia tăng sức hấp dẫn của các tài sản rủi ro như chứng khoán.
Đà tăng tiếp tục kéo dài trong các phiên 7-8/12, khi nỗi lo về biến thể Omicron tiếp tục mờ nhạt dần. Chuyên gia Patrick J. O'Hare của chuyên trang tài chính Briefing.com (Mỹ) nhận định thị trường có khả năng hướng sự chú ý quay trở lại với thay đổi chính sách tiền tệ của FED khi rủi ro từ biến thể Omicron không còn ám ảnh nhà đầu tư.
Sang phiên 9/12, hai trong ba chỉ số chính đóng cửa giảm mạnh và kết thúc chuỗi tăng kéo dài ba phiên liên tiếp, vốn đưa Phố Wall lên gần mức cao kỷ lục nhờ số liệu tích cực của thị trường việc làm Mỹ trước khi nước này công bố báo cáo về lạm phát trong ngày 10/12. Kết thúc phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm nhẹ chưa đến 1 điểm so với phiên trước, trong khi S&P 500 giảm 0,7% và Nasdaq Composite mất tới 1,7%.
Với mức tăng trong phiên 10/12, chỉ số công nghiệp Dow Jones tính chung trên cả tuần tăng 4% và kết thúc chuỗi bốn tuần giảm liên tiếp. S&P 500 và Nasdaq Composite lần lượt tăng 3,8% và 3,6% trong tuần này - mức tốt nhất kể từ tháng 2/2021 cho cả hai chỉ số.
Các nhà đầu tư đang chuẩn bị cho cuộc họp cuối cùng trong năm của FED vào tuần tới. Thị trường đang muốn tìm hiểu xem ngân hàng trung ương này có kế hoạch hoàn tất chương trình mua trái phiếu nhanh như thế nào, cũng như tìm kiếm các dấu hiệu về thời điểm FED có thể bắt đầu tăng lãi suất vào năm 2022.
Bà Mona Mahajan, chiến lược gia đầu tư cấp cao tại công ty dịch vụ tài chính Edward Jones, cho biết cuộc họp của FED có thể giúp nhà đầu tư có thêm thông tin rõ ràng hơn sau một loạt biến động trong những tuần gần đây.
Song giới phân tích thận trọng rằng vẫn có khả năng thị trường xảy ra nhiều biến động mới nếu FED có quan điểm "diều hâu" hơn dự kiến, bao gồm việc giảm nhanh chương trình mua trái phiếu để dọn đường tăng lãi suất sớm hơn. Trước đó, các chính sách tiền tệ nới lỏng của FED đã giúp thị trường chứng khoán tăng hơn gấp đôi so với mức thấp kỷ lục hồi tháng 3/2020, thời điểm đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát tại nước Mỹ.
Thị trường cũng có thể bị xáo trộn nếu FED báo hiệu nỗi lo lớn hơn về tình trạng lạm phát, điều mà chính ông Powell cho hay không còn có thể coi là "mang tính nhất thời". Số liệu mới nhất công bố ngày 10/12 cho thấy giá tiêu dùng tháng 11 đã ghi nhận mức tăng hàng năm lớn nhất trong gần bốn thập niên, củng cố cơ sở cho Fed điều chỉnh lãi suất lên cao hơn.
Các nhà đầu tư cũng muốn tìm hiểu quan điểm của ngân hàng trung ương về tác động tiềm tàng của biến thể Omicron đối với tăng trưởng kinh tế hoặc lạm phát.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.45305204111211202-iom-cul-yk-oac-cum-iov-hcid-oaig-naut-cuht-tek-ym-naohk-gnuhc/et-hnik/nv.vtv