Khu nghỉ dưỡng bãi biển St.Regins Bahia ở Puerto Rico tự hào vì sở hữu những sân goft và dinh thự bên bờ biển, nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên dọc theo vùng nước xanh ngắt và khu rừng nhiệt đới tươi tốt.
Tuy nhiên, sức hấp dẫn lớn nhất khiến ngày càng nhiều người đổ xô tìm mua bất động sản nơi đây đến từ lợi ích thuế cho cư dân sinh sống tại hòn đảo.
Anthony Emtman - Giám đốc điều hành của Ikigai Asset Management (công ty quản lý tài sản về tiền mã hoá) đã rời Los Angeles và mua một căn hộ tại khu nghỉ dưỡng vào tháng Ba năm nay. Anh là một phần của cộng đồng đầu tư tiền kỹ thuật số đang phát triển dọc theo bờ biển phía Bắc của Puerto Rico.
Emtman và những người trong giới tiền mã hoá tìm đến đây vì chính sách ưu đãi thuế. Các nhà đầu tư có thu nhập cao ở Mỹ trả mức thuế 20% trên thặng dư vốn và tới 37% lợi nhuận ngắn hạn. Còn ở Puerto Rico, họ gần như không mất gì.
Với các doanh nghiệp trụ sở tại Mỹ, họ phải trả 21% thuế thu nhập doanh nghiệp liên bang cộng với thuế tiểu bang khác, trong khi đó mức thuế doanh nghiệp tại hòn đảo này chỉ 4%.
Tốc độ tăng trưởng siêu tốc của thị trường tiền mã hoá cộng với việc Đảng dân chủ đang đẩy mạnh việc đánh thuế người giàu khiến cộng đồng tiền mã hoá đổ về hòn đảo Puerto Rico ngày một sôi động.
Sự hiện diện của những người đam mê tiền mã hoá tạo nên vô số cuộc gặp gỡ tình cờ và cơ hội kết nối. Cứ mỗi thứ Hai hàng tuần lại có cuộc tụ tập giới tiền mã hoá tại các khách sạn và nhà hàng xa xỉ tại San Juan - thủ phủ và cũng là thành phố lớn nhất tại Puerto Rico.
Quỹ đầu tư tiền mã hoá Pantera Capital và Redwood City Ventures là hai trong nhiều quỹ đã mở văn phòng tại hòn đảo này. Thị trưởng đắc cử của New York, Eric Adams, thậm chí đã bay đến hòn đảo vào tháng 11 cùng với tỷ phú tiền mã hóa Brock Pierce để ăn tối với Thống đốc Puerto Rico, ông Pedro Pierluisi.
Giovanni Mendez, một luật sư tư vấn thuế cho doanh nghiệp nói, giờ đây, họ chuyển đến Puerto Rico không chỉ để tiết kiệm thuế mà bởi "cộng đồng nằm ở đây".
Chính phủ Puerto Rico đã có nhiều đợt giảm thuế vào năm 2012 với hy vọng mang lại nguồn tiền mặt cho nền kinh tế đang gặp khó khăn và đa dạng hóa việc làm. Các quỹ đầu tư bắt đầu tìm kiếm cơ hội tại hòn đảo này từ nhiều năm trước nhưng xu hướng mạnh lên đáng kể từ sau đại dịch và sự bùng nổ của thị trường tiền mã hóa.
Những người ủng hộ giảm thuế mô tả chính sách này là động lực phát triển kinh tế và là cơ hội tái tạo hòn đảo từng sa lầy trong nhiều năm do tác động của bão, động đất, bê bối chính trị.
Tuy nhiên, ý tưởng này cũng nhận nhiều ý kiến phản biện khi một số chính sách ưu đãi thuế chỉ áp dụng cho những cư dân mới, loại trừ những người đang sinh sống trên hòn đảo. Nhiều người lo ngại sự xuất hiện của giới giàu có sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng và tạo ra căng thẳng xã hội, giá bất động sản tăng đến mức "phi lý".
Theo số liệu Bộ Phát triển Kinh tế và Thương mại của hòn đảo này, năm nay, Puerto Rico đã nhận được kỷ lục hơn 1.200 đơn đăng ký thông qua Đạo luật Nhà đầu tư cá nhân, miễn các cư dân mới nộp thuế đối với lãi thặng dư vốn. Lượng người từ Mỹ tìm cách hưởng ưu đãi thuế của Puerto Rico đã tăng gấp ba lần trong năm nay.
274 tập đoàn, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và các tổ chức khác đã được chấp thuận cho Đạo luật Dịch vụ Xuất khẩu, bao gồm mức thuế doanh nghiệp 4% và miễn thuế với cổ tức. Cả hai đều tuân theo Đạo luật 60 của Puerto Rico, ban hành năm 2019 để thu hút đầu tư không chỉ lĩnh vực tiền mã hóa mà còn cả tài chính, công nghệ và các ngành khác.
Hòn đảo này thậm chí còn khởi động Tuần lễ Blockchain Puerto Rico đầu tiên vào ngày 6/12. Vào ngày đầu tiên của hội nghị, Chủ tịch Hạ viện Puerto Rico thông báo cơ quan lập pháp sẽ xem xét việc sử dụng công nghệ blockchain để giảm bớt sự chi phối của chính phủ.
"Puerto Rico sẽ được công nhận là thủ đô blockchain", Michael Terpin, người sáng lập BitAngels - chuyển đến hòn đảo từ Las Vegas vào năm 2016 nói.
Hiện nay, giới đầu tư tiền mã hoá chủ yếu tập trung vào ba khu vực dọc theo bờ biển. Có những nơi nằm biệt lập như Bahia, nằm cách San Juan 26 dặm về phía đông, và khu nghỉ mát Dorado Beach mang thương hiệu Ritz-Carlton, cách thủ phủ San Juan khoảng 23 dặm về phía tây.
Những người thích lối sống thành thị hơn đã chọn Condado, gồm khu mua sắm và khu phố cao cấp ở San Juan, nơi các tòa tháp căn hộ và khách sạn nằm dọc bờ biển.
Brent Johnson, Giám đốc điều hành của công ty quản lý tài sản Santiago Capital, người đã chuyển từ San Francisco đến Condado vào tháng 5, cho biết: "Ở đây có nhà hàng, quán cà phê và trung tâm mua sắm, giống như một Miami thu nhỏ vậy".
Trong thời gian ở Puerto Rico, Johnson đã có thể kết nối với các công ty quản lý tài sản, công ty về mảng tiền mã hóa cũng như các lĩnh vực bất động sản, dược phẩm, năng lượng và nông nghiệp.
"Tôi cảm thấy mình có thể đến đây, làm công việc của mình và vẫn được gắn bó với cộng đồng tài chính, nhiều hơn là đến một nơi nào đó như Hawaii hay Mexico," anh nói.
Dòng người giàu có chuyển đến đây đang tạo nên làn sóng trên thị trường bất động sản, đặc biệt là các khu nghỉ dưỡng. Theo Priscilla Ferrer, nhà môi giới và thẩm định viên người Puerto Rico, Dorado có mức tăng trưởng mạnh với mức giá gần như tăng gấp ba lần.
"Điều đó thật vô lý. Bất động sản hạng sang đang được mua dựa vào cảm xúc chứ không phải dựa trên giá trị kinh tế", cô nói.
Tại Bahia, giá mỗi foot vuông đã tăng gần gấp đôi, theo Blanca Lopez, người sáng lập Tập đoàn bất động sản Gramercy và là con dâu của Thống đốc Pierluisi. Và không có đủ hàng tồn kho để đáp ứng nhu cầu, vì người mua đang đổ xô đến hòn đảo nhanh hơn tốc độ xây dựng.
Raul Santiago-Bartolomei, một trợ lý giáo sư của Đại học Puerto Rico, cho biết sự xuất hiện của những người giàu đang ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân trên đảo. Đất đai khu vực này trở nên khó tiếp cận hơn đối với lực lượng lao động và các hộ gia đình có thu nhập thấp.
Có một số tòa tháp dân cư mới đang mọc lên ở Condado, nhưng vẫn không đủ để theo kịp tốc độ phát triển.
Diaz Fournier, đồng sáng lập của công ty bất động sản Luxury Collection cho biết, thị trường thậm chí còn thiếu lao động. Vì vậy, Puerto Rico đang làm việc với Bộ Ngoại giao Mỹ để đảm bảo thị thực đưa "những người đến từ Cộng hòa Dominica, Mexico, Haiti và Nam Mỹ vì ở đây không có nhân lực để xây dựng".
Đối với ông, những người mới đến đều được chào đón, sau khi hơn 500.000 cư dân rời hòn đảo trong hai thập kỷ qua. "Đây là những năm tuyệt vời nhất của Puerto Rico", Diaz Fournier nói.
Cho đến nay, các biện pháp khuyến khích đang tạo ra việc làm. Từ năm 2015 đến 2019, Đạo luật Nhà đầu tư cá nhân đã tạo thêm khoảng 4.400 việc làm và Đạo luật Dịch vụ xuất khẩu tạo ra 36.222 công việc, theo một nghiên cứu của công ty tư vấn Estudios Tecnicos của Puerto Rico. Phần lớn là các công việc chăm sóc khách hàng, tiếp theo là dịch vụ tư vấn, quảng cáo, quan hệ công chúng và dịch vụ thuế và kế toán.
Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn nhất vẫn là thuyết phục người dân địa phương về các lợi ích kinh tế của chương trình. Đạo luật Nhà đầu tư cá nhân, còn được gọi là Đạo luật 22, chỉ áp dụng cho những người không phải là người Puerto Rico, có nghĩa là người dân trên đảo không đủ điều kiện.
Và mặc dù Đạo luật Dịch vụ xuất khẩu có sẵn cho người dân địa phương, nhiều người lại giả định ngược lại vì việc giảm thuế thường được quảng cáo với các chương trình dành cho người nước ngoài.
Trong chuyến thăm San Juan vào tháng này, nhà kinh tế học từng đoạt giải Nobel Joseph Stiglitz nói rằng, việc giảm thuế không phải là một công cụ phát triển kinh tế hiệu quả.
"Những người theo Đạo luật 22 sẽ không đóng góp nhiều vào nền kinh tế Puerto Rico," ông nói trong một hội nghị mới tổ chức. "Họ chi tiêu một ít, nhưng lại khiến giá bất động sản và chi phí sinh hoạt của người dân tăng cao. Đó là điều nhà kinh tế học chúng tôi gọi là ngoại tác tiêu cực ", ông nói.
Puerto Rico không phải là nơi đầu tiên thu hút đầu tư tiền mã hoá và chắc chắn sẽ không phải là người cuối cùng. Nền kinh tế của El Zonte, một thị trấn trên bờ biển Thái Bình Dương của El Salvador, hoạt động dựa trên Bitcoin.
Tổng thống El Salvador, ông Nayib Bukele là người đề xướng tiền mã hoá từ lâu trước khi nhậm chức vào năm 2019. Năm nay, quốc gia này đã chấp nhận Bitcoin làm tiền tệ quốc gia và công bố kế hoạch cho trái phiếu Bitcoin có chủ quyền đầu tiên và thành phố Bitcoin miễn thuế. Bồ Đào Nha cũng không đánh thuế việc mua hoặc bán tiền điện tử, trừ khi đó là nguồn thu nhập chính của cá nhân.
Tuệ An (theo Bloomberg)