Nhân viên y tế làm việc tại bệnh viện Hồi sức COVID-19 TP.Thủ Đức - Ảnh: DUYÊN PHAN
Văn bản khẩn Bộ Y tế gửi các tỉnh thành cho biết tình trạng kể trên có nguy cơ gây lây nhiễm diện rộng, đề nghị rà soát, phối hợp thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, trên website của Sở Y tế số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận và xử lý thông tin kết quả tự xét nghiệm test nhanh dương tính của cơ quan, đơn vị và người dân trên địa bàn.
Yêu cầu các tỉnh thành tư vấn và hỗ trợ cơ quan, đơn vị và người dân trên địa bàn các biện pháp phòng chống dịch theo quy định, tránh việc tự điều trị tại nhà không theo hướng dẫn y tế hoặc di chuyển đến bệnh viện, nơi tập trung đông người, dẫn đến nguy cơ lây lan.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, tình trạng người dân tự xét nghiệm và không thông báo kết quả dương tính một phần do e ngại cách ly.
Ngoài ra, một số tỉnh thành có số mắc cao có tình trạng F0 báo cho quận ngay sau khi có kết quả xét nghiệm, quận yêu cầu báo về phường, nhưng vài ngày vẫn chưa xử lý. F0 vẫn ở nhà mà không nhận được tư vấn cần thiết.
Tại TP.HCM, trước phản ánh nhiều trạm y tế yêu cầu F0 (tự xét nghiệm nhanh cho kết quả dương tính) phải ra phường khai báo, ông Nguyễn Hồng Tâm - phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP (HCDC) - khẳng định người dân tự xét nghiệm ra kết quả dương tính phải ở yên tại nhà và gọi điện cho trạm y tế phường.
Trong 24 giờ, trạm y tế có nhiệm vụ tiếp cận với bệnh nhân để kiểm tra lại tình trạng. Nếu người dân là F0, trạm y tế sẽ đánh giá điều kiện khu vực để cách ly tại nhà, phát ngay gói thuốc theo quy định. Địa phương nào yêu cầu người dân ra phường khai báo, đề nghị người dân và các cơ quan báo chí thông tin đến HCDC hoặc Sở Y tế để chấn chỉnh kịp thời.
Tiêm vắc xin ngừa COVID- 19 cho người dân Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN
Bộ Y tế hướng dẫn sử dụng thuốc kháng virus điều trị bệnh nhân COVID-19
Bộ Y tế vừa có hướng dẫn điều trị bằng thuốc thuốc kháng virus. Theo đó, Favipiravir 200mg được dùng cho bệnh nhân COVID-19 mức độ nhẹ và trung bình, thời gian điều trị giảm xuống còn 5 - 7 ngày (hướng dẫn trước đây Favipiravir dùng cho bệnh nhân nhẹ trong 7 - 14 ngày).
Thuốc Remdesivir được sử dụng cho bệnh nhân nội trú mức độ trung bình và nặng, khởi phát bệnh chưa quá 10 ngày, có suy hô hấp phải thở oxy/oxy dòng cao (HFNC), thở máy không xâm nhập, ưu tiên sử dụng thuốc cho nhóm nguy cơ cao. Thời gian điều trị 5 - 7 ngày thay vì chỉ 5 ngày như trước đây.
Molnupiravir được chỉ định, chống chỉ định, liều dùng theo thuyết minh đề cương thử nghiệm lâm sàng đã được phê duyệt.
Nhân viên y tế phường 7, quận Phú Nhuận thăm khám và phát thuốc cho các trường hợp F0 cách ly tại nhà - Ảnh: DUYÊN PHAN
TP.HCM không còn "dẫn đầu" ca nhiễm nhưng ca tử vong vẫn cao
Theo báo cáo Bộ Y tế, trong 24 giờ (từ 16h ngày 12-12 đến 16h ngày 13-12) TP.HCM ghi nhận 915 ca COVID-19, thấp hơn 3 địa phương: Hà Nội (1.000), Bình Phước (998), Tây Ninh (919). Đây được xem là ngày đầu tiên sau nhiều tháng qua TP.HCM không còn "dẫn đầu" số ca nhiễm COVID-19 trên cả nước.
Dù ca mắc mới giảm nhưng ca tử vong trong ngày 13-12 vẫn ở mức rất cao với 75 ca, trong đó có 10 ca từ các tỉnh chuyển đến.
Tổng số tử vong cộng dồn từ ngày 1-1 đến nay tại TP là 18.997 người. Như vậy tỉ lệ tử vong trên tổng số ca nhiễm tại TP là 3,8% và cao hơn cả nước (tỉ lệ tử vong cả nước chiếm 2% so với tổng số ca nhiễm).
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Huy động hệ thống nhà thuốc tại TP.HCM tham gia chăm sóc F0
Sở Y tế TP.HCM ngày 13-12 đã ra công văn số 9297 về việc huy động hệ thống nhà thuốc tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Theo Sở Y tế, với hơn 6.500 nhà thuốc hoạt động trên địa bàn TP.HCM, việc kêu gọi và huy động mạng lưới các nhà thuốc tham gia phòng, chống dịch COVID-19 là cần thiết để huy động thêm nguồn lực.
Sở Y tế đề nghị các nhà thuốc phải cung ứng đầy đủ và đúng theo quy định các vật dụng và thuốc cần thiết cho công tác chăm sóc sức khỏe F0 tại nhà; đảm bảo chất lượng, giá cả phù hợp kèm theo thông tin về thuốc, tư vấn và theo dõi cho người sử dụng.
Mặt khác, mỗi nhà thuốc phải là một điểm truyền thông, tư vấn và hướng dẫn chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người F0. Khi phát hiện người bệnh có các triệu chứng như: sốt, ho, khó thở... nhà thuốc hướng dẫn người bệnh khai báo y tế điện tử và liên hệ với y tế gần nhất để được tư vấn, hướng dẫn.
Nhà thuốc sẽ là cầu nối giữa người F0 với các trạm y tế, trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc COVID-19 tại cộng đồng. Tùy nhu cầu thực tế, nhà thuốc sẽ được lựa chọn để cùng cán bộ y tế tham gia quản lý và cấp phát túi thuốc điều trị F0 tại nhà.
Nhân viên y tế quận Sơn Trà đang lấy mẫu xét nghiệm cho người dân - Ảnh: LÊ THÚY
Tình hình dịch bệnh tại một số tỉnh thành
- Hà Nội ngày 13-12 cho biết trong 24 giờ qua ghi nhận thêm 762 ca mắc mới, trong đó có 395 (gần 52%) là ca cộng đồng, khu cách ly (296), khu phong tỏa (71). Quận Đống Đa - quận duy nhất vùng cam (nguy cơ cao) tại Hà Nội - từ 12h ngày 13-12, quận áp dụng các biện pháp hạn chế, các nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải khát chỉ được phép bán hàng mang về và đóng cửa trước 21h hằng ngày.
Hà Nội đã tiêm được khoảng 12,5 triệu mũi vắc xin cho người từ 18 tuổi trở lên. Với đối tượng là trẻ từ 12-17 tuổi, Hà Nội đã tiêm được tổng cộng khoảng 644.000 mũi, đạt hơn 93% số trẻ trong kế hoạch tiêm. Trong số này, 97,2% trẻ từ 15-17 tuổi đã tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin, tính tới hết ngày 12-12.
- Quảng Bình từ 6h ngày 12-12 đến 6h ngày 13-12 ghi nhận thêm 9 ca COVID-19 mới, trong đó có 6 ca cộng đồng, nâng tổng số ca từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh lên 3.111 ca. Tổng số ca điều trị khỏi là 2.686, còn 377 bệnh nhân đang điều trị, 7 ca tử vong; 41 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại nhà. 991.395 người tại Quảng Bình đã tiêm vắc xin COVID-19 trong đó 442.861 người đã tiêm đủ 2 mũi.
- Sáng 13-12, Quảng Ngãi ghi nhận thêm 97 ca COVID-19, trong đó có 47 ca cộng đồng. Từ ngày 26-6 đến nay, Quảng Ngãi ghi nhận 3.422 ca COVID-19.
- Ngày 13-12 Bình Định ghi nhận số ca COVID-19 trong tuần qua tăng cao với 2.105 người, tăng 513 ca so với tuần trước. Tính từ ngày 29-6 đến sáng 13-12, tỉnh đã phát hiện 7.716 ca COVID-19. Bình Định đã tiếp nhận 1.961.266 liều vắc xin, tiến độ tiêm chủng mũi 1 đạt 94,2%; tiến độ tiêm chủng đủ 2 mũi đạt khoảng 70%. Về cấp độ dịch, tỉnh Bình Định ở cấp 3 - nguy cơ cao (vùng cam).
- Bến Tre từ 18h ngày 12-12 đến 11h ngày 13-12 có 652 ca COVID-19, nâng tổng số ca mắc toàn tỉnh là 16.127 ca. Trong đó có 7.300 ca, 87 ca tử vong. Trong số ca mắc, có 632 ca ghi nhận tại cộng đồng, 2 ca khu cách ly, 18 ca ngoài tỉnh. Tính đến nay, tỷ lệ tiêm vắc xin COVID-19 của tỉnh Bến Tre đạt 98,1%, trong đó 86,1% dân số tiêm đủ 2 mũi. Riêng đối tượng từ 12-17 tuổi đạt 98,7% kế hoạch.
- Đồng Tháp đang có 3.614 ca COVID-1 được điều trị tại nhà, nơi cư trú. Ngày 13-12, Đồng Tháp ghi nhận 740 ca COVID-19 trong đó 319 ca cộng đồng. Đồng Tháp đang điều trị 8.623 ca bệnh, trong đó 8.267 ca không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ; 65 ca rất nặng; 561 bệnh nhân đã được điều trị khỏi, có 10 ca tử vong trong ngày.
- Chiều 13-12, Bình Phước ghi nhận 998 ca COVID-19. Bình Phước đã ban hành kế hoạch thành lập thêm bệnh viện dã chiến K72 với 964 giường, định mức nhân lực 1 - 1,2 người/giường bệnh. Theo thống kê, tổng số ca COVID-19 trên tính đến chiều 13-12 là 16.609 ca, trong đó hơn 9.000 ca đang điều trị với hơn 3.000 ca điều trị tại nhà và các doanh nghiệp.
TTO - Bản tin chiều 13-12 của Bộ Y tế cho biết cả nước ghi nhận thêm 15.377 ca mắc mới, tăng 728 ca so với ngày trước đó. Ngày 13-12 cũng là lần đầu tiên Hà Nội đứng đầu cả nước về số ca mắc mới với 1.000 ca, kế đó là Bình Phước, Tây Ninh và TP.HCM.