vĐồng tin tức tài chính 365

Đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông thu được gì sau 1 tháng vận hành?

2021-12-14 08:23

Sau 1 tháng khai thác thương mại, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (metro Cát Linh - Hà Đông) đã vận hành ổn định theo đúng kế hoạch. Các vấn đề phát sinh đã được kịp thời xử lý, không làm ảnh hưởng tới biểu đồ hoạt động của tuyến.

 Đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông thu được gì sau 1 tháng vận hành?  - Ảnh 1.

Tuyến đường sắt đô thị (metro) Cát Linh - Hà Đông đã dần thay đổi thói quen đi lại của người dân Thủ đô và hình thành văn hóa di chuyển bằng phương tiện giao thông công cộng. 

Hơn 3.000 chuyến tàu an toàn

Nói về kết quả sau 1 tháng vận hành chính thức, ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) cho biết, tuyến metro Cát Linh - Hà Đông chính thức được vận hành kể từ ngày 6/11, trong đó 15 ngày đầu hoạt động miễn phí.

Cụ thể, sau 15 ngày chạy miễn phí (6/11-21/11), tuyến tàu điện Cát Linh - Hà Đông đã chạy 2.554 lượt chuyến an toàn, vận chuyển tổng cộng 380.510 lượt hành khách.

Từ ngày 21/11, tuyến bắt đầu khai thác thương mại (bán vé, thu tiền khách đi tàu), lũy kế đến ngày 5/12 (15 ngày), tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã chạy 3.045 chuyến tàu an toàn, vận chuyển 239.954 lượt hành khách.

Tính chung từ ngày 6/11/2021 đến ngày 5/12/2021 Hanoi Metro đã vận hành 5.599 chuyến tàu chở 620.464 hành khách, bình quân đạt 20.682 hành khách/ngày.

Với sản lượng hành khách: Hanoi Metro vận chuyển được 620.464 hành khách, bình quân đạt 20.682 hành khách/ngày. Trong đó 15 ngày đầu miễn giá vé đã vận chuyển 380.510 hành khách; 15 ngày tiếp theo thu tiền vé vận chuyển 239.954 hành khách.

 Đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông thu được gì sau 1 tháng vận hành?  - Ảnh 2.

Ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đường sắt Hà Nội cho biết, sau hơn 1 tháng vận hành chính thức, tuyến metro Cát Linh - Hà Đông đã đạt 100% kế hoạch và sản lượng hành khách đi tàu theo kịch bản tốt nhất trong các phương án chuẩn bị.

Về tỷ lệ phân bổ hành khách, theo thống kê, ga Cát Linh đạt cao nhất với 33,2%, ga Yên Nghĩa 17,3%. 10 ga còn lại chiếm 49,5% lượng khách. Tất cả các chuyến tàu đều chạy đúng biểu đồ và bảo đảm an toàn.

“Có thể khẳng định, sau hơn 1 tháng vận hành chính thức, tuyến metro Cát Linh - Hà Đông đã đạt 100% kế hoạch và sản lượng hành khách đi tàu theo kịch bản tốt nhất trong các phương án chuẩn bị”, ông Trường cho hay.

Theo ông Trường, đường sắt Cát Linh - Hà Đông là tuyến metro đầu tiên và duy nhất của cả nước tính đến thời điểm này được đưa vào phục vụ nhân dân, nhưng độ thành thục, làm chủ công nghệ của đội ngũ nhân viên Hanoi Metro đã được đào tạo bài bản và vận hành thành thục.

Dù chúng ta chưa có kinh nghiệm trong vận hành khai thác metro nên nếu không chuẩn bị tốt để phục vụ an toàn và văn minh ngay từ những ngày đầu tiên thì sẽ ảnh hưởng đến sự kỳ vọng của người dân về một phương thức vận tải hành khách công cộng tiên tiến lần đầu tiên có mặt ở Việt Nam.

“Lường trước những thách thức đó, chúng tôi đã phải chuẩn bị hết sức kỹ càng để làm quen, tập dượt với các tình huống có thể xảy ra trong quá trình vận hành. Đến nay, đội ngũ kỹ sư, nhân viên lái tàu, nhân viên phục vụ tại các nhà ga...đều đã thành thục với công việc. Hiện, nhân lực của Hanoi Metro đã đủ về số lượng, bảo đảm năng lực về chuyên môn, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của công việc trong giai đoạn I - năm đầu tiên vận hành tuyến. Chúng tôi sẵn sàng tuyển dụng, đào tạo, bổ sung nhân sự cho giai đoạn 2, sau năm đầu khai thác”, ông Trường chia sẻ.

Thay đổi thói quen đi lại

Về ý kiến của nhiều hành khách phản ánh khó khăn trong tìm chỗ gửi xe máy, xe đạp để tiếp cận metro, Tổng Giám đốc Hanoi Metro cho biết, đúng là ban đầu có những bất cập trong việc bố trí chỗ giữ xe cho hành khách để chuyển tiếp đi tàu.

 Đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông thu được gì sau 1 tháng vận hành?  - Ảnh 3.

Khách trải nghiệm đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.

Tuy nhiên, với sự vào cuộc tích cực của các sở, ngành liên quan và chính quyền các địa phương dọc tuyến, vấn đề này đã dần được giải quyết. Hiện nay, ở ga Cát Linh có bãi gửi xe ở ngõ 168 Hào Nam có thể đáp ứng nhu cầu cho 500-1.000 xe đạp, xe máy. Khu vực xung quanh ga Cát Linh cũng được tận dụng để bố trí chỗ gửi xe.

Còn tại ga Yên Nghĩa đã có Bến xe Yên Nghĩa nằm bên cạnh. Những chỗ vỉa hè hẹp, trông xe tự phát thì chính quyền đã giải tỏa để dành đường cho người đi bộ và bố trí trông xe ở vị trí phù hợp.

“Bên cạnh đó, các tuyến xe buýt kết nối với metro được bố trí khoa học, tiện lợi đã góp phần hỗ trợ rất lớn cho người dân trong việc tiếp cận và sử dụng tuyến đường sắt đô thị này”, ông Trường khẳng định.

Điều quan trọng nhất theo Tổng Giám đốc Hanoi Metro, từ hoạt động của tuyến metro Cát Linh - Hà Đông, mở ra kỳ vọng về việc thay đổi văn hóa giao thông ở các đô thị lớn hiện nay, nhất là ở thủ đô Hà Nội.

“Người dân Hà Nội tiếp cận với việc sử dụng metro rất nhanh và mỗi hành khách sau khi đi tàu đã trở thành hướng dẫn viên cho người khác. Trước khi tiếp nhận, khai thác tuyến, tôi từng ví metro Cát Linh - Hà Đông như “ngôi sao cô đơn”, bởi chưa có tuyến đường sắt đô thị khác để kết nối. Mặt khác, để thu hút khách, đòi hỏi phải có sự đồng bộ về hạ tầng kết nối với metro”, ông Trường phân tích.

Cũng theo ông Trường, để thu hút đông người dân sử dụng loại hình vận tải này, TP Hà Nội tiếp tục cố gắng làm những gì tốt nhất cho tuyến Cát Linh - Hà Đông, như tạo điều kiện để người khuyết tật tiếp cận metro, kết nối xe buýt, ban hành giá vé linh hoạt…

 Đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông thu được gì sau 1 tháng vận hành?  - Ảnh 4.

Đối tượng đi tàu khá đa dạng, ở nhiều lứa tuổi, trong đó phần lớn khách trẻ tuổi và người già.

“Mục tiêu của vận tải hành khách công cộng là giảm phương tiện giao thông cá nhân, qua đó giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Hiện, nhiều người chưa quen với việc đi bộ để tiếp cận metro. Song, với những tiện ích khi di chuyển, chúng tôi kỳ vọng metro sẽ dần thay đổi thói quen đi lại của người dân Thủ đô và hình thành văn hóa đi lại bằng loại phương tiện giao thông công cộng này”, ông Trường nói.

Đề cập đến một số tình huống tàu được dư luận gọi là “sự cố” trên tàu điện vừa qua, lãnh đạo Hanoi Metro cho rằng, ngay sau tháng đầu vận hành khai thác, ngày 7/12/2021 Sở GTVT đã kích hoạt tình huống khẩn cấp bất ngờ mất điện tín hiệu tại ga Cát Linh (Công ty không được báo trước) để test phản ứng và năng lực xử lý tình huống từ lãnh đạo Công ty đến nhân viên vận hành cũng như công tác phối hợp giải tỏa, trung chuyển hành khách. Đặc biệt để hành khách quen dần với các tình huống tương tự có thể xảy ra trong quá trình vận hành khai thác.

“Tuy nhiên, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và luôn sẵn sàng ứng phó với các tình huống xảy ra, “sự cố” trên đã được đội ngũ cán bộ, nhân viên Hanoi Metro xử lý một cách nhanh chóng, an toàn và đảm bảo tiêu chuẩn đề ra”, lãnh đạo Hanoi Metro nói.

Nhà ga tàu Cát Linh - Hà Đông sẽ sinh lời, hấp dẫn, nếu…

Để việc khai thác nhà ga tàu Cát Linh - Hà Đông thế nào để sinh lời, hấp dẫn hành khách đi tàu, TS. Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức chia sẻ, doanh thu từ vé tàu Cát Linh - Hà Đông chưa chắc đã đủ để bù chi phí vận hành hàng ngày, đừng nói trả vốn vay Trung Quốc.

Kinh nghiệm thế giới cho thấy, đối với tuyến giao thông công cộng nhanh, sức chở lớn, các nhà ga chính phải vừa là tụ điểm hấp dẫn có các hoạt động vui chơi, giải trí về thương mại, kinh doanh, vừa là nơi để kết nối đa phương thức dễ dàng.

 Đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông thu được gì sau 1 tháng vận hành?  - Ảnh 5.

Các nhà ga tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông cần đa dạng dịch vụ để thu hút người đi tàu.

Hà Nội muốn tăng lượng khách sử dụng tuyến này phải triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Cụ thể, tất cả các tuyến đường dẫn đến nhà ga phải tạo điều kiện thuận lợi cho người đi bộ, bởi 70% hành khách sử dụng tuyến giao thông công cộng này là tiếp cận nhà ga bằng đôi chân của mình.

Tại các nhà ga cần phải có bãi đỗ xe giảm giá một nửa hoặc miễn phí cho người đi xe cá nhân đến đi tàu và bãi xe kinh doanh bằng việc cho thuê xe đạp điện, xe máy điện giá rẻ phục vụ nhu cầu của hành khách.

Về hoạt động kinh doanh nhà ga, TS. Vũ Anh Tuấn cho rằng, tầng 1, tầng 2 phải bố trí các kiot bán lẻ để người dân đến các ga tàu điện không chỉ đi lại mà còn để mua sắm.

Ngoài ra, đơn vị vận hành cũng nên kết hợp quảng cáo, thậm chí từng nhà ga có thể bán cho một số tập đoàn lớn để họ kinh doanh tạo ra nguồn thu.

Đồng quan điểm, ông Thân Văn Thanh, nguyên Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, để tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông thu hút khách tốt hơn, cần tổ chức tốt dịch vụ trông giữ xe tại các ga và nhất là kết nối tốt với các tuyến buýt.

“Ở nước ngoài, các ga đầu của tuyến đường sắt đô thị đều có bãi trông giữ ô tô, xe máy để phục vụ khách đi tàu. Việc kết nối đường sắt đô thị với các tuyến xe buýt cũng phải thuận lợi, chẳng hạn như tại ga đầu mối cũng là điểm đầu của tuyến xe buýt, trong ga có các vị trí dành cho xe buýt chờ đón khách”.

Bên cạnh kết nối để chuyển tiếp phương tiện di chuyển, cần nghiên cứu kết nối cả về giá vé để liên thông vé tàu và xe buýt. Chẳng hạn, khách sử dụng vé tháng tàu điện Cát Linh - Hà Đông được liên thông vé tháng đối với 2 - 3 tuyến buýt, với giá vé phù hợp sẽ giúp khuyến khích, thu hút khách sử dụng tàu điện”, ông Thanh nêu vấn đề./.

Phi Long

VOV

Xem thêm: nhc.8753708041211202-hnah-nav-gnaht-1-uas-ig-coud-uht-gnod-ah-hnil-tac-oac-nert-tas-gnoud/nv.zibefac

Comments:0 | Tags:No Tag

“Đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông thu được gì sau 1 tháng vận hành?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools