Trong phiên tổng thể chiều 14/12 của Diễn đàn Logistics Việt Nam 2021 do Bộ Công Thương tổ chức, “Phát triển nhân lực logistics” được chọn làm chủ đề chính của diễn đàn.
Theo đó, chất lượng nguồn nhân lực được đánh giá là một trong những yếu tố then chốt giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp logistics, phát triển ngành dịch vụ logistics một cách bền vững.
Thông tin tại diễn đàn, ông Trần Tuấn Anh - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, nghiên cứu năm 2021 của Bộ Công Thương cho thấy, chỉ số năng lực hoạt động của ngành logistics tăng và đạt 3,34 điểm so với 3,27 điểm của năm 2018. Việt Nam cũng là nước được xếp hạng trong top 10 của chỉ số logistics của thị trường mới nổi với tốc độ tăng trưởng cao ở mức 14 - 16% trong một năm.
“Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã khiến chuỗi cung ứng bị gián đoạn, chi phí vận tải biển tăng cao, trực tiếp khiến logistics toàn cầu bị ảnh hưởng. Trên thực tế, dưới tác động của dịch Covid-19, những điểm yếu cố hữu của ngành logistics Việt Nam đã bộc lộ rõ hơn như chi phí logistics của Việt Nam vẫn ở mức cao, ước chiếm hơn 20% tổng GDP quốc gia, cao hơn nhiều so với chi phí logistics trung bình trên thế giới đang dao động ở mức 11-12% GDP”, ông Tuấn Anh nói.
Cũng theo ông Tuấn Anh, việc đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp logistics – doanh nghiệp sản xuất – doanh nghiệp xuất khẩu còn yếu và chưa hình thành được mạng lưới các doanh nghiệp logistics Việt Nam với quy mô lớn, có khả năng dẫn dắt thị trường để thúc đẩy ngành phát triển.
Hơn nữa, chuyển đổi số trong ngành logistics còn chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, nguồn nhân lực của ngành còn yếu mới chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu của thị trường và chưa theo kịp được sự phát triển của logistics trên thế giới.
Bên cạnh đó, sự chuẩn bị về kiến thức, kỹ năng, thái độ, cũng như trạng thái tâm lý của nhân lực logistics Việt Nam để sẵn sàng đón nhận việc dịch chuyển lao động giữa các nước ASEAN cũng như tham gia vào hiệp định thương mại tự do thế hệ mới còn chưa cao.
Theo đó, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, bối cảnh này đặt ra yêu cầu ngành logistics phải có giải pháp để duy trì sự chống chịu bền bỉ, đảm bảo vai trò của logistics trong duy trì các chuỗi cung ứng hàng hoá dịch vụ, vừa phải có tư duy tầm nhìn định hướng đặc biệt.
Theo ông, việc phát triển ngành logistics và nguồn nhân lực của ngành không chỉ là trách nhiệm riêng của ngành công thương, mà cần có sự vào cuộc kịp thời và có hiệu quả của các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp.
Cũng tại diễn đàn, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh những đóng góp tích cực cho nền kinh tế thời gian qua không thể không kể đến vai trò của ngành logistics Việt Nam, với vai trò hỗ trợ cho dòng trung chuyển hàng hoá.
Cùng với các ngành khác của nền kinh tế thì ngành logistics cũng đã gặp phải rất nhiều khó khăn vì đại dịch Covid-19 trong 2 năm vừa qua. Một điều đáng ghi nhận là ngành logistics đã làm việc hết sức mình để chuỗi cung ứng Việt Nam được hoạt động bình thường.
Con số thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, bất chấp những khó khăn bởi dịch Covid-19, tổng giá trị xuất nhập khẩu 11 tháng năm 2021 vẫn tăng 22,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 599 tỷ USD. Đây là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh thương mại toàn cầu và trong nước gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới sụt giảm do tác động của dịch bệnh.
“Logistics là ngành dịch vụ được ví như là những “mạch máu” của nền kinh tế quốc dân, có vai trò quan trọng trong việc kết nối, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội”, Bộ trưởng chia sẻ.
Theo Bộ trưởng, thị trường logistics tại Việt Nam được cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế đánh giá là một thị trường đầy tiềm năng để phát triển mạnh mẽ, nhất là sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát và các hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi, tăng trưởng trở lại.
Đồng tình với chia sẻ của Trưởng Ban kinh tế Trung ương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, ngành dịch vụ logistics của nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế địa kinh tế của Việt Nam, năng lực cạnh tranh của ngành còn thấp, chi phí logistics còn cao.
Một trong những nguyên nhân chủ quan chủ yếu của những hạn chế nêu trên đó là sự thiếu hụt nguồn nhân lực, chưa thực sự đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển trong tình hình mới.
“Sự khó khăn về nguồn nhân lực của ngành logistics sẽ càng tăng thêm khi Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nhất là trong khu vực Cộng đồng Kinh tế ASEAN và tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”, Bộ trưởng nhận định.
Theo số lượng thống kê của Hiệp hội Logistics Việt Nam, hiện nay tại Việt Nam có khoảng 3.000 doanh nghiệp logistics và dự kiến đến năm 2030, nhu cầu nguồn nhân lực về logistics là trên 200.000 nhân lực. Trong khi đó, khả năng đáp ứng về nhu cầu nguồn nhân lực logistics chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu của thị trường nên có thể nói nguồn nhân lực logistics tại Việt Nam đang thiếu cả về số lượng lẫn chất lượng.
Ngoài khó khăn về vốn, doanh nghiệp logistics Việt Nam đang phải đối mặt với tình hình thiếu đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, lao động được đào tạo bài bản trong lĩnh vực dịch vụ logistics. Kết quả khảo sát của Hiệp hội cũng cho thấy, số lao động được đào tạo bài bản về dịch vụ logistics chỉ chiếm khoảng 5 - 7% số lao động hiện đang làm việc trong lĩnh vực này.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, để khắc phục những bất cập và tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động phát triển nhân lực logistics, ngày 30/4/2021, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ban hành Quyết định cho phép thành lập Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam.
Ông đánh giá, đây là một bước đi cụ thể nhằm triển khai các nhiệm vụ đã được nêu trong Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 đã được nêu tại Quyết định 200 và Quyết định 221của Thủ tướng Chính phủ.
Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam có nhiệm vụ tham gia thực hiện quyết định của Chính phủ nhằm phát triển nhân lực logistics, nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp logistics và phát triển ngành logistics đạt được những mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra.
Xem thêm:
“Ngành logistics đang rất kiên cường đóng góp cho nền kinh tế"
CEO May 10: "Có thời điểm mất 6 tuần để tìm container và tàu xuất khẩu"