Ngày 15/12, Tòa án nhân dân TP.Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 2 bị cáo: Trịnh Bá Phương (SN 1985) và Nguyễn Thị Tâm (SN 1972), cùng trú quận Hà Đông, Hà Nội về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo quy định tại Điều 117-Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân TP.Hà Nội, vào các ngày 9, 10, 11/1/2020, lực lượng quân đội thực hiện xây dựng tường rào bảo vệ sân bay Miếu Môn và Công an TP.Hà Nội thực hiện công tác bảo vệ an ninh trật tự tại địa bàn xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.
Lợi dụng mạng xã hội Facebook, Trịnh Bá Phương, Nguyễn Thị Tâm đã thực hiện việc phát trực tiếp các video, đăng tải các bài viết, trạng thái, chia sẻ trên tài khoản cá nhân “Trịnh Bá Phương”, “Nguyễn Thị Tâm”, “Tâm Dương Nội” các nội dung liên quan đến sự việc ở xã Đồng Tâm.
Những thông tin và nội dung phát tán, chia sẻ này đã xuyên tạc, bịa đặt tình hình diễn ra tại Đồng Tâm, phỉ báng chính quyền nhân dân, kích động nhân dân chống đối chính quyền, thóa mạ, hạ uy tín lực lượng chức năng, xúc phạm uy tín danh dự của người khác, gây hoang mang trong nhân dân, nhằm mục đích chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Các thông tin và nội dung phát tán của Trịnh Bá Phương, Nguyễn Thị Tâm đã thu hút nhiều lượt người xem, tương tác, chia sẻ, bình luận có nội dung tiêu cực, phản đối chính quyền, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước.
Ngoài ra, Trịnh Bá Phương còn có hành vi tàng trữ 1 tài liệu dạng sách gồm 278 trang, trong đó trang bìa có in các dòng chữ “Phạm Đoan Trang”, “Cẩm nang nuôi tù”, “Luật Khoa tạp chí”. Qua giám định đã kết luận tài liệu này có nội dung tuyên truyền thông tin xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; tuyên truyền thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân; xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân.
Hội đồng xét xử nhận định, hành vi của các bị cáo gây hoang mang, lo lắng trong nhân dân về đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước; đe dọa phá vỡ sự vững mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; gây ảnh hưởng đến uy tín và sự hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức và cá nhân; gây ảnh hưởng đến việc thực hiện các chính sách kinh tế, xã hội, chính trị của Nhà nước và từng địa phương.
Các bị cáo nhiều lần thực hiện hành vi phạm tội nên cần thiết phải áp dụng tình tiết tăng nặng “phạm tội 2 lần trở lên” để xử phạt các bị cáo hình phạt tù nghiêm khắc, nhằm cải tạo, giáo dục các bị cáo và có tác dụng đấu tranh, phòng ngừa tội phạm.
Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Thị Tâm đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Bị cáo Trịnh Bá Phương không khai nhận hành vi phạm tội, không thành khẩn, chống đối. Ngoài hình phạt chính, căn cứ quy định tại các Điều 43 và Điều 122 của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, Hội đồng xét xử quyết định áp dụng hình phạt bổ sung là quản chế các bị cáo một thời gian sau khi chấp hành xong hình phạt tù.
Trên cơ sở đó, Tòa đã tuyên phạt 2 bị cáo: Trịnh Bá Phương 10 năm tù và Nguyễn Thị Tâm 6 năm tù về cùng tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Ngoài hình phạt tù, Tòa còn tuyên phạt quản chế bị cáo Phương 5 năm, quản chế bị cáo Tâm 3 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.