Năm 2016, một cặp chóe Tứ Linh được đấu giá với mức khởi điểm 900 triệu đồng thu hút sự chú ý của dư luận. Cuộc đấu giá trải qua 29 lần "nâng lên" không "đặt xuống" giữa hai đại gia bất động sản của Việt Nam, là ông Đỗ Anh Dũng và ông Đỗ Quý Hải. Cuối cùng người thắng cuộc là ông chủ Tân Hoàng Minh với mức giá chốt là 6 tỷ 50 triệu đồng.
Ông Vũ Mạnh Hùng khi đó là người đại diện cho Chủ tịch Tân Hoàng Minh- Đỗ Anh Dũng tham gia cuộc đấu giá và là người đưa mức giá đặc biệt này.
Tuy nhiên, đôi chóe đã không được "xuống tiền" như mức đã "chốt". Đại diện Tân Hoàng Minh khi đó cho hay, chủ tịch Đỗ Anh Dũng chỉ ủy quyền cho ông Hùng đi đấu giá với giới hạn tối đa 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, có thể trong quá trình đấu giá, ông Hùng do "hưng phấn" nên đã trả giá cao hơn so với mức đã được giao, vì lý do đó mà từ chối mua lại đôi chóe.
Theo quy định, khi ấy, phía ông Đỗ Anh Dũng không được hoàn trả tiền đặt cọc 50 triệu đồng theo quy định.
Cặp chóe tứ linh được trả giá cao nhất 6,05 tỷ đồng năm 2016.
Bên cạnh những ồn ào về việc bỏ cọc của người đấu giá, những câu chuyện xoay quanh cặp chóe bạc tỷ này khá đặc biệt. Năm 2016, ở thời điểm được hai vị đại gia bất động sản nói trên trả giá lên tới 6 tỷ đồng, đôi chóe mới có 6 năm tuổi.
Điều gì đã làm nên sự đặc biệt đẩy giá trị của một đôi chóe tứ linh lên đến hơn 6 tỷ đồng, một mức giá xưa nay hiếm đối với một tác phẩm ra đời không lâu thay vì một cổ vật hàng trăm năm tuổi như nhiều người lầm tưởng?
Chóe tứ linh được tạo tác từ đôi bàn tay nghệ nhân Phạm An Đạo (Bát Tràng, Hà Nội) nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Người nghệ nhân này bị khiếm thính từ nhỏ. Có lẽ là luật bù trừ, tạo hóa lấy đi của anh đôi tai thì lại cho anh đôi tay tài hoa ít người sánh bằng.
Dưới sự nhuần nhuyễn, sử dụng nhiều kỹ thuật chế tác đặc biệt khi hoàn thiện tác phẩm, gia công hoàn toàn bằng tay theo kỹ thuật "vuốt gốm" cổ truyền, nghệ nhân Phạm An Đạo đã cho ra đời cặp chóe có kích thước "khủng", chiều cao gần 2m, đường kính 1,2m và nặng tới 500kg.
Các họa tiết vẽ tứ linh (long lân quy phượng) trên chóe được anh vẽ lại, dựa trên các họa tiết gốm truyền thống với nước men rạn theo kiểu giả cổ đẹp mắt và sống động.
Không chỉ vậy, để có được đôi chóe này, nghệ nhân đã mất gần một năm chuẩn bị, sử dụng gần 600kg đất. Trong đó, chỉ riêng tiền gas để đốt lò nung cho đôi chóe cùng một cặp lục bình và một bát hương cũng đã rất tốn kém. Anh Đạo và cộng sự phải thức suốt 6 ngày đêm để canh lò nung.
Sau khi hoàn thành, khách nườm nượp đến xem, nhiều người trả giá hơn 600 triệu đồng, nhưng nghệ nhân này nhất quyết không bán bởi anh cho rằng bán đi không biết lần sau mình có làm thành công nữa không.
Năm 2016, đôi chóe được đấu giá, và cuối cùng sau khi đại gia Đỗ Anh Dũng từ chối mua lại, ông Đỗ Quý Hải (sáng lập kiêm chủ tịch tập đoàn Hải Phát) đã đồng ý trả giá 6 tỷ đồng để sở hữu tác phẩm.
Theo Hoàng Linh (t/h)
Doanh nghiệp và Tiếp thị