Nhân viên y tế làm việc tại bệnh viện Hồi sức COVID-19 TP.Thủ Đức - Ảnh: DUYÊN PHAN
Số ca tử vong đã liên tục tăng cao kể từ giữa tháng 11 đến nay, trung bình tuần qua, mỗi ngày ghi nhận 241 ca tử vong, trong khi tuần đầu tiên của tháng 12 là 202 ca/ngày và các tuần của tháng 11 đều dưới 200 ca.
Văn phòng Chính phủ có Công văn 9136 ngày 14-12 thông báo ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế tổ chức hội nghị với các chuyên gia, các nhà khoa học trong tháng 12-2021 để có giải pháp ngăn chặn, kiểm soát, đẩy lùi các ca COVID-19 chuyển nặng và tử vong.
F0 điều trị tại bệnh viện dã chiến Phú Nhuận số 01, quận Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Ngày 15-12, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn họp trực tuyến với các Sở Y tế và Trung tâm hồi sức COVID-19 các tỉnh phía Nam.
Theo báo Sức khoẻ đời sống - cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế - tại An Giang, số bệnh nhân trong 2,5 tháng qua gấp 5,5 lần so với thời điểm trước 1-10. Đến nay An Giang đã ghi nhận 674 ca tử vong, đa số bệnh nhân COVID-19 tử vong là nữ, khoảng 90% số tử vong có bệnh nền, trên 86% là người từ 50 tuổi trở lên; 83% số ca tử vong là chưa tiêm vắc xin.
Tiền Giang ghi nhận 694 ca COVID-19 tử vong, trong đó nhóm có bệnh nền (tim mạch, đái tháo đường) chiếm tỉ lệ cao, 65% bệnh nhân tử vong chưa tiêm vắc xin.
Trước thực trạng đa số bệnh nhân tử vong đều trong nhóm từ 50 tuổi trở lên, có bệnh nền và chưa tiêm vắc xin, thứ trưởng Sơn đề nghị các địa phương tập trung rà soát nhóm nguy cơ cao này, tiến hành tiêm mũi vắc xin bổ sung, tiêm đủ liều, có thể tiêm tại nhà cho người dân không có điều kiện đi lại để tránh bỏ sót mũi tiêm.
Cho đến nay, Bộ Y tế cũng đã điều động Bệnh viện E hỗ trợ Tây Ninh, Bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ An Giang, Bệnh viện Việt Đức và Phụ sản trung ương hỗ trợ Bà Rịa - Vũng Tàu... Tuy nhiên quy mô các đoàn hỗ trợ còn nhỏ hơn so với giai đoạn tháng 8-9 vừa qua.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM tiếp nhận Trung tâm hồi sức COVID-19 từ Bệnh viện Trung ương Huế
Sau Trung tâm hồi sức tích cực bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện dã chiến số 13 và 16, ngày 15-12, Trung tâm hồi sức tích cực bệnh nhân COVID-19 trực thuộc Bệnh viện Trung ương Huế tại TP.HCM đã hoàn thành sứ mệnh và chính thức được chuyển giao cho Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM để tiếp nhận và điều trị những bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch.
Đại diện đơn vị tiếp nhận, ông Nguyễn Thanh Trường - phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới - cho biết sau khi tiếp nhận chuyển giao, bệnh viện sẽ phát triển Trung tâm sang mô hình bệnh viện 3 tầng với nhân lực chuyên môn từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, các bệnh viện trên địa bàn TP cùng với sự hỗ trợ chuyên môn hồi sức đắc lực từ bệnh viện Trung ương Huế.
Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 tại Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 14 là một trong 5 tuyến cuối trong mô hình tháp 3 tầng điều trị người bệnh COVID-19 tại TP.HCM, là bước ngoặt mới nhằm giảm tải người bệnh ở các bệnh viện tuyến cuối của TP và giảm tử vong.
Lực lượng tuyến đầu chống dịch được tiêm vắc xin ngừa COVID-19 tại Trường đại học Công nghiệp TP.HCM (phường 4, quận Gò Vấp) - Ảnh: DUYÊN PHAN
TP.HCM: Khảo sát được 109.350 người thuộc nhóm nguy cơ, mới lập danh sách 54.509 người
Trong buổi họp giao ban trực tuyến về công tác phòng chống dịch tại TP.HCM giữa Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM với các sở - ngành, quận huyện và TP Thủ Đức ngày 15-12, giám đốc Sở Y tế TP cho biết hiện số ca mắc mới tại TP đang có xu hướng đi xuống. Đây là tín hiệu đáng mừng tuy nhiên cũng không vì thế mà chủ quan, lơ là.
Về việc bảo vệ nhóm người nguy cơ, hiện các địa phương đã khảo sát được 109.350 người nhưng chỉ mới lập danh sách 54.509 người. Trong số này có 4.545 người đã được tiêm 1 mũi (chiếm 8,3%), 46.932 người tiêm 2 mũi (chiếm 86,1%) và 3.032 người chưa tiêm (chiếm 5,6%).
Hiện đã có 370 nhà thuốc Pharmacity và 320 nhà thuốc của các địa phương đăng ký tham gia cung ứng các vật dụng và thuốc cần thiết để chăm sóc sức khỏe F0 tại nhà theo quy định Đồng thời truyền thông tư vấn chăm sóc sức khỏe tại nhà cho F0 và là cầu nối giữa F0 với các cơ sở y tế.
Để chủ động ứng phó với biến thể Omicron, ngoài tăng cường kiểm soát các cửa khẩu, cảng biển, ngành y tế TP.HCM đã dành riêng Bệnh viện dã chiến số 12 để cách ly người nhập cảnh dương tính và giải trình tự gene. Hiện bệnh viện này có 10 người đang cách ly và chờ kết quả giải mã trình tự gen.
TP.HCM đang có 2 đơn vị tham gia giải trình tự gene là Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) và Viện Pasteur. Đến nay, OCRU đã nhận 19 mẫu nhập cảnh, Viện Pasteur nhận 15 mẫu (trong đó 14 mẫu nhập cảnh, 4 mẫu cộng đồng). Hiện có 14 mẫu mang biến chủng Delta, những mẫu còn lại đang chờ kết quả.
Lực lượng chức năng P. Phố Huế phong toả y tế nhiều khu vực thuộc tập thể Nguyễn Công Trứ vì phát hiện hàng loạt ca nhiễm COVID - Ảnh: NAM TRẦN
Tình hình dịch bệnh ở một số tỉnh thành
- Từ 18h ngày 14-12 đến 18h ngày 15-12 Hà Nội ghi nhận 1357 ca mắc mới, tăng gần 500 ca so với hôm qua. Đây là ngày ghi nhận số mắc mới cao nhất từ trước tới nay, trong đó có cộng đồng (611), khu cách ly (609), khu phong tỏa (137). Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29-4 đến nay) là 21.467 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 8.223 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 13.244 ca.
- Hải Dương ngày 15-12 có 43 bệnh nhân COVID-19 ở các huyện: Ninh Giang, Thanh Miện, Tứ Kỳ, Gia Lộc, Cẩm Giàng, Bình Giang, Thanh Hà, TP. Chí Linh và TP. Hải Dương. Trong đó có 31 ca bệnh là F1, 2 trường hợp sàng lọc ho sốt cộng đồng, 2 trường hợp khu phong tỏa, 2 trường hợp sàng lọc cộng đồng, 1 ca nhập cảnh giám sát và 5 người về từ các tỉnh khác.
- Quảng Bình từ 6h ngày 14-12 đến 6h ngày 15-12 ghi nhận thêm 48 ca COVID-19 mới, trong đó có 46 ca cộng đồng, nâng tổng số ca từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh lên 3.186 ca. Tổng số ca điều trị khỏi là 2.716, còn 367 bệnh nhân đang điều trị, 7 ca tử vong; 48 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại nhà.
- Quảng Ngãi sáng 15-12 ghi nhận thêm 48 ca COVID-19, trong đó có 17 ca cộng đồng; 23 ca bệnh liên quan đến các F0, đã cách ly y tế và 8 ca là người về từ vùng dịch, đang cách ly tại nhà. Từ ngày 26-6 đến nay, Quảng Ngãi ghi nhận 3.645 ca COVID-19.
- Trung bình tuần qua, Tây Ninh ghi nhận khoảng hơn 900 F0/ngày. Riêng 24 giờ qua, tỉnh đã có thêm 931 ca dương tính, toàn tỉnh đang thiết lập 322 vùng cách ly y tế và có 16.561 bệnh nhân được điều trị. Đến nay, Tây Ninh cũng đã đạt tỷ lệ người dân trên 18 tuổi được tiêm một mũi vắc xin COVID-19 lên tới 96,88%. Tỷ lệ này của tỉnh với mũi 2 cũng đạt 88,49%.
- Ngày 15-12, Đồng Tháp ghi nhận 732 ca COVID-19; có 9 ca tử vong trong ngày. Tỉnh đang điều trị 8.910 ca COVID-19, trong đó có 4.273 ca điều trị tại nhà, nơi cư trú. 720 bệnh nhân hoàn thành điều trị. Đồng Tháp đã tiêm được 2.280.700 liều vắc xin COVID-19 cho người từ 18 tuổi trở lên; trong đó tiêm mũi 1 được 1.233.980 người, đạt 99,1% và tiêm mũi 2 được 1.046.720 người, đạt 84,06% tổng số người trong độ tuổi của tỉnh.
- Từ 18h 14-12 đến 11h ngày 15-12, Bến Tre có 949 ca COVID-19, nâng tổng số ca mắc toàn tỉnh là 17.733 ca. Trong đó, có 8.004 ca điều trị khỏi bệnh, 93 ca tử vong. Trong số ca mắc, có 911 ca ghi nhận tại cộng đồng trong tỉnh, 34 ca khu cách ly, ngoài tỉnh 6 ca. Tỷ lệ tiêm chủng vắc xin COVID-19 của tỉnh Bến Tre đạt 98,3%, trong đó 88,7% dân số tiêm đủ 2 mũi. Riêng trẻ từ 12-17 tuổi đạt 99 % kế hoạch.
TTO - Trong 24 giờ qua, cả nước ghi nhận 15.527 ca nhiễm mới, trong đó 9.940 ca trong cộng đồng. TP.HCM lại tiếp tục có nhiều bệnh nhân nhất với 1.270 ca. Cà Mau, Bến Tre, Hà Nội cũng ghi nhận trên 1.000 ca.