Cả tỉnh Phú Yên chưa có dự án nào lớn, số lượng dự án cũng chưa nhiều, ít kinh nghiệm và cọ xát thực tiễn. Thêm vào đó là những vướng mắc trong quy định pháp luật khiến việc thu hút đầu tư của tỉnh Phú Yên đang gặp nhiều khó khăn. Ông Lê Tấn Hổ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho biết tỉnh này đã có báo cáo gửi Chính phủ kiến nghị tháo gỡ để tạo môi trường thu hút đầu tư tốt hơn trong thời gian tới.
Kiến nghị gỡ vướng cụm công nghiệp
Trong các số báo trước, Pháp Luật TP.HCM đề cập đến những khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng và khó thu hút đầu tư vào cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh. Trong đó đặc biệt liên quan đến vấn đề bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB), tạo quỹ đất sạch để thu hút nhà đầu tư lớn vào Phú Yên, tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế và đô thị của tỉnh.
Tỉnh Phú Yên đã có báo cáo gửi Chính phủ kiến nghị tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để tạo môi trường thu hút đầu tư tốt hơn. Ảnh: VŨ CƯỜNG
Trao đổi với PV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Lê Tấn Hổ cho rằng những vướng mắc như đã nêu khiến các dự án bị chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra. “Việc này đã ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư vào các dự án trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua” - ông Hổ nói.
Liên quan đến hàng chục CCN dở dang sau nhiều năm quy hoạch, ông Hổ cho biết: Theo mạng lưới quy hoạch CCN trên địa bàn tỉnh thì có tổng cộng 27 CCN với quy mô hơn 1.000 ha. Trong đó, có 13 CCN được thành lập nhưng chỉ có năm CCN được đầu tư hạ tầng bằng vốn ngân sách. Thời gian qua, năm CCN này đã thu hút 43 dự án đầu tư nhưng tính đến thời điểm hiện tại thì chỉ có 29 dự án đang hoạt động.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Phú Yên, các CCN còn lại do ngân sách hạn chế nên chưa được đầu tư hạ tầng, các doanh nghiệp cũng không mặn mà trong việc đầu tư kinh doanh hạ tầng trong những CCN này. “Tỉnh cũng đã tập trung kêu gọi đầu tư thông qua các chương trình xúc tiến, mời gọi đầu tư và công bố thông tin trên các trang thông tin điện tử nhưng vẫn chưa thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư” - ông Hổ nói.
Trong khi đó, hiện có nhiều doanh nghiệp muốn thuê đất trong các CCN để kinh doanh nhưng tỉnh Phú Yên cũng chưa thể giải quyết cấp chủ trương đầu tư. Lý do là Luật Đất đai 2013 chưa có quy định Nhà nước cho tổ chức, cá nhân thuê đất trực tiếp trong CCN để sản xuất, mặc dù Nghị định 68/2017 về quản lý, phát triển CCN cho phép điều này.
“Nếu chúng tôi thực hiện theo Nghị định 68 thì trái với Luật Đất đai, vì vậy chúng tôi đã có văn bản báo cáo trung ương, kiến nghị sửa đổi Luật Đất đai để gỡ vướng mắc này, tạo điều kiện để tỉnh thu hút đầu tư, phát huy hiệu quả sử dụng đất trong các CCN” - ông Hổ phân tích.
Cùng với đó, Phó Chủ tịch tỉnh Phú Yên cũng cho biết tỉnh đang giao Sở TN&MT tham mưu ban hành quy trình tạm thời để giải quyết nhu cầu cho doanh nghiệp. Trong quy trình này sẽ nêu rõ cơ quan nào giao đất, cho thuê đất, trình tự thủ tục ra sao…
Ông Hổ cũng nhấn mạnh tỉnh sẽ tiến hành rà soát quy hoạch mạng lưới CCN. Trong trường hợp có những CCN không đạt hiệu quả, không còn phù hợp thì sẽ đưa ra khỏi quy hoạch, đồng thời chọn những vị trí thích hợp hơn.
Nhà đầu tư muốn có mặt bằng sạch
Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM về việc triển khai các dự án lớn, tạo điểm nhấn và động lực để Phú Yên phát triển xứng tầm hơn, ông Lê Tấn Hổ cho biết hiện nay tỉnh chưa có nhiều dự án lớn, nhất là trong lĩnh vực phát triển đô thị. Đây là điều bất lợi, vì ít dự án lớn nên chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn như các tỉnh, thành lớn.
Tuy nhiên, ông Hổ cho biết tỉnh Phú Yên đang lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung của tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự kiến trình các bộ, ngành trung ương thẩm định và trình Chính phủ phê duyệt. Trong đó, Phú Yên xác định trọng tâm là phát triển các chuỗi đô thị lớn ven sông, ven biển.
Ông Lê Tấn Hổ thông tin: “Theo lộ trình từ nay đến năm 2025, tỉnh sẽ tập trung nâng cấp TP Tuy Hòa đạt tiêu chí của đô thị loại I trực thuộc tỉnh, phát triển thị xã Sông Cầu lên TP trực thuộc tỉnh và phát triển huyện Tuy An thành thị xã. Theo đó, các khu vực ven sông, ven biển sẽ thành phường, là cơ hội rất lớn để chỉnh trang và phát triển đô thị”.
Phó Chủ tịch tỉnh Phú Yên cũng cho hay đã có nhiều nhà đầu tư lớn đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh này trong các lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng, phát triển đô thị, bất động sản, cảng biển. Đa phần các nhà đầu tư lớn đang nhắm đến các dự án rất lớn, không phải ở khu vực trung tâm để phát triển những đô thị lớn. Tuy nhiên, các nhà đầu tư này luôn đặt vấn đề làm sao phải có mặt bằng sạch để có thể triển khai ngay.
Theo ông Hổ, để tạo quỹ đất sạch với quy mô lớn hiện nay không dễ vì đa phần đều gặp vướng mắc trong khâu bồi thường GPMB. Bởi hiện nay, luật chỉ cho phép tách bồi thường GPMB ra khỏi dự án đầu tư với các dự án mang tầm quan trọng quốc gia hoặc dự án nhóm A. Trong khi Phú Yên rất hiếm những dự án thuộc các đối tượng này, chủ yếu là nhóm B, C.•
Năm 2021 thu 4.000 tỉ đồng tiền sử dụng đất Theo báo cáo của UBND tỉnh Phú Yên, trong năm 2021, qua các đợt đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án đã thu tiền sử dụng đất cả tỉnh là khoảng 4.000 tỉ đồng. Trong đó, khối tỉnh gần 3.500 tỉ đồng, khối huyện là 6,6 tỉ đồng. Bên cạnh đó, tỉnh này cũng đã rà soát, thu hồi các dự án đăng ký nhưng không triển khai thực hiện hoặc chậm thực hiện để tạo quỹ đất sạch thu hút các nhà đầu tư có năng lực khác. Tách bồi thường khỏi dự án sẽ mở ra cách làm mới Hiện nay, Chính phủ chuẩn bị trình Quốc hội đề án thí điểm tách bồi thường GPMB ra khỏi dự án đầu tư thành dự án độc lập. Đánh giá về nội dung này, ông Lê Tấn Hổ cho rằng nếu đề án được thông qua thì sẽ là hành lang pháp lý rất quan trọng để tỉnh đẩy nhanh các dự án đầu tư hạ tầng. Không chỉ đối với các dự án đầu tư công mà các dự án đầu tư kinh doanh nếu được xem xét tách riêng dự án bồi thường thì việc tạo quỹ đất sạch để mời gọi nhà đầu tư sẽ thuận lợi hơn. Tuy nhiên, để thu hồi đất, GPMB không phải dễ dàng và phải cân nhắc nhiều thứ như ngân sách nhà nước, về sự hài hòa quyền lợi của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước. Dù vậy, chính sách này sẽ mở ra thêm cơ hội để địa phương nghiên cứu cách làm. |