Theo nghiên cứu chung của ADB, Đông Nam Á đã bị ảnh hưởng nặng nề trong quý II/2020, khi các biện pháp ngăn chặn của chính phủ các nước ở mức nghiêm ngặt nhất. Trong thời gian đó, cứ 5 công nhân ở Philippines thì có 1 người bị mất việc làm hoặc rời bỏ lực lượng lao động. Khoảng 90% số lao động Việt Nam bị mất việc làm đã ngừng tìm việc mới, con số này ở Indonesia là 60% và Malaysia là 40%.
Với Việt Nam, ADB cho biết, nhận định được đưa ra dựa trên số liệu do Tổng cục Thống kê Việt Nam cung cấp. Cụ thể, 4,4% người lao động được tuyển dụng chính thức đã bị mất việc làm theo ghi nhận hồi quý III (tương ứng 1,8 triệu người mất việc, tăng hơn 700.000 người so với quý II và 620.000 người so với cùng kỳ năm 2020). Trong số đó, khoảng 90% ra khỏi lực lượng lao động và 9% trở thành người thất nghiệp sau khi đăng ký hưởng chế độ hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Về nguyên nhân, ADB cho biết, do cơ quan này chỉ tiếp cận được các số liệu thống kê nên không làm rõ được vấn đề của từng cá nhân trong ghi nhận "khoảng 90% người lao động Việt Nam bị mất việc làm ngừng tìm việc mới".
Dù vậy, nhìn chung, lý do chủ yếu theo ADB là tác động tiêu cực của dịch bệnh cùng với các biện pháp thắt chặt kiểm soát dịch như phong toả, cách ly, giãn cách kéo dài tại nhiều địa phương vốn có vai trò kinh tế quan trọng. Điều này đã ảnh hưởng đến sức khoẻ, gây nhiều khó khăn cho đời sống của người lao động.
Vì đại dịch, nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất, kinh doanh phải dừng hoạt động khiến công nhân nghỉ việc, giảm thời gian làm việc, một số lao động đã tự bỏ việc. Điều này dẫn đến thu nhập của người lao động bị sụt giảm hoặc mất toàn bộ, đặc biệt là các đối tượng lao động phi chính thức, lao động di cư đến từ các địa phương khác. Đây cũng là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất trước các cú sốc kinh tế, mà lần này là do đại dịch với tác động nghiêm trọng chưa từng thấy ở trong nước cũng như trên thế giới.
Theo ADB, việc dịch chuyển lao động, biến động việc làm vẫn thường xảy ra trong các cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính trước đây. Người lao động di cư từ các địa phương thường về quê tìm kiếm sự hỗ trợ của gia đình và địa phương. "Nhưng mức độ biến động lao động lần này là rất lớn", ADB nhận định.
Kết quả khảo sát của Ban Nghiên cứu và phát triển kinh tế tư nhân cùng VnExpress với 8.835 người lao động cũng đưa ra một bức tranh khó khăn tương tự với người lao động. Sau 1 tháng kinh tế giãn cách, tỷ lệ người lao động mất việc vẫn còn cao, chiếm 53%. Trong số những người này, gần 60% không có nguồn tiết kiệm để sống, 41% không tìm được việc mới phù hợp.
Cũng theo khảo sát, 55% người lao động cho biết chưa xác định được thời điểm sẽ quay trở lại tìm việc, điều này cho thấy sự thiếu chủ động của người lao động. "Có thể họ vẫn mong muốn trở lại nơi làm việc cũ, việc này phụ thuộc vào khả năng phục hồi của doanh nghiệp họ làm trước đó", báo cáo cho biết.
Trưởng ban Phát triển con người và Xã hội khu vực Đông Nam Á của ADB Ayako Inagaki cho biết, đại dịch cùng nguy cơ kinh tế trì trệ và bất bình đẳng gia tăng đã nhấn mạnh sự cần thiết của chính sách tài khóa thông qua tăng cường đầu tư cho bảo trợ xã hội và cơ sở hạ tầng cho hoạt động này.
"Các quốc gia cần đẩy mạnh đầu tư cho vốn con người và huy động các nguồn lực trong nước để xây dựng những chương trình bảo trợ xã hội bền vững, bao trùm và tăng cường đóng góp cho bảo hiểm xã hội", bà nói.
Khác với các cuộc khủng hoảng trước đây, sự gián đoạn chuỗi cung ứng, sụt giảm nhu cầu, hạn chế đi lại, và khả năng làm việc từ xa hạn chế đã dẫn đến tình trạng cắt giảm lượng lớn việc làm. Những ngành bị ảnh hưởng là nông nghiệp, bán buôn và bán lẻ - vốn là những lĩnh vực thu hút lao động bị dịch chuyển trong các cuộc khủng hoảng. Sản xuất chiếm một tỷ trọng lớn trong số việc làm bị mất đi ở nhiều nước Đông Nam Á. Các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa bị ảnh hưởng lớn hơn từ tình trạng cắt giảm việc làm, do họ có thanh khoản kém hơn hoặc ít khả năng tiếp cận hỗ trợ của chính phủ hơn.
Ngoài ra, ADB đánh giá, lao động trẻ nhiều khả năng bị mất việc hơn, chủ yếu vì thường hoạt động mạnh trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề trước Covid-19 như khách sạn và nhà hàng, cũng như thương mại bán buôn và bán lẻ.
Nữ giới, ở tất cả quốc gia mà báo cáo xem xét và ở tất cả nhóm tuổi, có nhiều khả năng rời bỏ lực lượng lao động, chủ yếu để chăm sóc gia đình trong thời gian đại dịch. Những người tham gia lao động lại vào đầu năm 2021 phần lớn là lao động tự do hoặc trong khu vực phi chính thức, điều này có thể ảnh hưởng đến sự phát triển nghề nghiệp của họ về lâu dài.
Lao động phi chính thức, những người chiếm tỷ trọng lớn trong số lao động nghèo và cận nghèo của khu vực, đặc biệt dễ bị tổn thương trước khủng hoảng do họ bị hạn chế về bảo đảm việc làm và bảo trợ xã hội. 10 triệu lao động nhập cư của khu vực cũng bị ảnh hưởng bởi những hạn chế trong di chuyển và đi lại, vì họ thường không có sự bảo đảm về việc làm hoặc không được tiếp cận các hệ thống y tế và phúc lợi ở nước sở tại.
Đức Minh