Trả lời Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Anh Tú - phó vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế, Bộ Y tế - cho biết tình hình dịch bệnh COVID-19 trên toàn quốc nói chung và tại một số tỉnh thành, đặc biệt là khu vực Đông và Tây Nam Bộ đang có chiều hướng bùng phát, gia tăng mạnh.
Bộ Y tế nhận được báo cáo của một số sở y tế (TP.HCM, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Kiên Giang, Trà Vinh…) và một số nhà cung ứng oxy lớn trong khu vực như Sovigaz, Oxy Đồng Nai... cho thấy có nguy cơ xảy ra tình trạng thiếu hụt cục bộ oxy y tế trong thời gian tới tại các tỉnh miền Tây.
* Khả năng cung ứng oxy y tế hiện nay có thể đáp ứng ở cấp độ nào của dịch, thưa ông?
- Qua nắm bắt thông tin và tham khảo Hiệp hội Khí công nghiệp châu Á tại Việt Nam, sản lượng khí oxy sản xuất ra cung cấp chủ yếu cho các ngành công nghiệp như sản xuất thép, thực phẩm…, trong đó lượng khí oxy cung cấp cho y tế chỉ chiếm tỉ trọng rất thấp.
Tình hình đỉnh dịch như thời kỳ vừa qua tại TP.HCM và các tỉnh lân cận cho thấy nếu các đơn vị sản xuất dành khoảng 20% sản lượng khí oxy phục vụ cho công tác y tế thì sẽ đáp ứng được nhu cầu điều trị.
Việc thiếu hụt nếu có chỉ là việc thiếu hụt cục bộ tại một vài thời điểm, do việc vận chuyển, phân phối đến các cơ sở y tế khi dịch bệnh bùng phát mạnh và do khoảng cách địa lý.
* Thời điểm hiện nay số lượng bệnh nhân chưa phải là cao so với đỉnh dịch nhưng oxy đã thiếu, nếu số bệnh nhân tăng hơn thì nguy cơ sẽ còn tăng nữa. Vì sao vậy, thưa ông?
- So với thời kỳ đỉnh dịch tại TP.HCM và các tỉnh lân cận trước đây, lượng người bệnh hiện không cao hơn, tuy nhiên có thể sắp tới xảy ra tình trạng thiếu hụt cục bộ do một số nguyên nhân sau:
Một là, tình hình dịch bệnh tại TP.HCM và đặc biệt là các tỉnh Tây Nam Bộ đột ngột bùng phát mạnh trong một khoảng thời gian ngắn vừa qua.
Hai là, khoảng cách địa lý của các tỉnh Tây Nam Bộ phân bổ trên một vùng rộng lớn, tuy nhiên số lượng các nhà máy sản xuất khí oxy y tế lại chủ yếu tập trung ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, vì vậy việc vận chuyển oxy y tế cũng là một vấn đề khó khăn.
Yếu tố thứ ba, theo chủ trương thực hiện đẩy mạnh các hoạt động phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, các ngành công nghiệp, thực phẩm đã phục hồi năng lực sản xuất, thậm chí còn tăng thêm năng lực sản xuất khí công nghiệp so với trước đây do phải thực hiện gấp rút các hợp đồng kinh tế, bù đắp thiếu hụt cho khoảng thời gian ngừng hoạt động vừa qua.
Vì vậy các nhà sản xuất đã tăng sản lượng khí cung cấp cho các ngành công nghiệp, thực phẩm lên đáng kể và chiếm phần lớn.
Các đơn vị đã giải thích tại thời điểm bình thường, các ngành công nghiệp, thực phẩm là khách hàng chính và chủ yếu của các nhà sản xuất khí, đã ký kết hợp đồng dài hạn, vì vậy việc ngừng cung cấp khí cho các ngành này sẽ dẫn đến hậu quả vi phạm, đền bù hợp đồng kinh tế rất lớn và nằm ngoài thẩm quyền của Bộ Y tế.
Bộ Y tế đã có văn bản kêu gọi các nhà sản xuất khí oxy và trao đổi với Bộ Công thương để có điều phối phù hợp, tăng sản lượng khí oxy y tế.
Yếu tố thứ tư, sản lượng khí oxy y tế tại miền Bắc và miền Trung vẫn dư thừa, tuy nhiên, việc vận chuyển từ miền Bắc và miền Trung vào sẽ mất thời gian và tăng chi phí vận chuyển.
Do đó, trong thời gian tới đề nghị các đơn vị sản xuất, cung ứng tăng cường hệ thống dự trữ oxy y tế để đảm bảo liên thông, chủ động, ứng phó các tình huống dịch bệnh khẩn cấp, đảm bảo điều trị cho người bệnh.
TTO - Tính từ 16h ngày 16-12 đến 16h ngày 17-12, cả nước ghi nhận 15.236 ca nhiễm mới, trong đó 21 ca nhập cảnh và 15.215 ca ghi nhận trong nước (giảm 52 ca so với ngày trước đó) tại 59 tỉnh, thành phố (có 9.836 ca trong cộng đồng).