Để giải quyết cung - cầu lao động, phục hồi sản xuất và thích ứng với trạng thái bình thường mới cần có sự liên kết vùng trên tinh thần cởi mở. Đó là khuyến nghị được nhiều đại biểu nêu ra tại tọa đàm “Chính sách lao động - việc làm trong điều kiện bình thường mới” do ĐH Kinh tế TP.HCM phối hợp với một số đơn vị tổ chức ngày 17-12.
Tổn thất việc làm và thu nhập nặng nề
Đánh giá về tác động của dịch COVID-19, GS-TS Sử Đình Thành, Hiệu trưởng ĐH Kinh tế TP.HCM, nhận định đại dịch khiến nền kinh tế bị tổn thương, trong đó người lao động bị tổn thượng nặng nề như giảm thu nhập, mất việc làm, suy giảm sức khỏe và tinh thần. Đặc biệt, việc kết nối cung - cầu lao động tại khu vực Đông Nam bộ và ĐBSCL, hai khu vực có sự biến động lớn về lao động trong làn sóng COVID-19 lần thứ tư bùng phát đang đặt ra nhiều vấn đề cần tháo gỡ.
Nhiều người lao động đã bắt đầu trở lại làm việc. Ảnh: PHONG ĐIỀN
“Đang có sự vênh nhau giữa cung - cầu lao động. Ví dụ, nhiều người lao động không tìm được việc làm, trong khi các công ty lại không tìm được người lao động vì rất nhiều lý do. Vì vậy, từ số liệu nghiên cứu và thực tiễn, chúng tôi mong muốn đưa ra các giải pháp để hiến kế cho các cơ quan chức năng, các tỉnh, thành qua đó góp phần tháo gỡ, phục hồi thị trường lao động cũng như kinh tế” - GS Thành chia sẻ.
Thông tin tại hội thảo, nhóm nghiên cứu của ĐH Kinh tế TP.HCM cho biết: Có hơn 2,7 triệu người lao động bị mất việc do đại dịch, tương ứng tiền lương bị mất gần 28 tỉ đồng mỗi tháng. Như vậy, nếu cộng gộp lực lượng người lao động bị giảm việc, giảm lương thì mất tổng cộng gần 29.000 tỉ đồng mỗi tháng. Còn thu nhập của những hộ kinh doanh tạp hóa, giặt ủi, cà phê, sửa xe, quán ăn… trong sáu tháng giãn cách từ tháng 5 đến tháng 10-2021, bình quân giảm 7.800 tỉ đồng một tháng.
Nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra có khoảng 1,3 triệu người lao động rời TP.HCM và Đông Nam bộ về quê. Trong đó có hơn 530.000 người lao động cho biết sẽ quay trở lại nơi làm việc sau tết, số còn lại chưa có kế hoạch hoặc quay lại vào quý IV-2021. Điều này đồng nghĩa các nhà sản xuất, kinh doanh trước mắt sẽ thiếu hụt lực lượng người lao động để có thể trở lại trạng thái sản xuất bình thường mới.
“Những người lao động muốn quay lại TP.HCM và Đông Nam bộ làm việc đang cân nhắc nhiều yếu tố. Đó là thu nhập liệu có cải thiện, điều kiện y tế có được đảm bảo và điều kiện sống, học tập của con cái họ có đảm bảo trước mắt cũng như trong tương lai. Đây cũng là lý do khiến một lực lượng người lao động rời khỏi TP.HCM và Đông Nam bộ mà không trở lại nơi làm việc. Ngoài ra, việc dịch chuyển giữa các địa phương vẫn còn khoảng cách khác nhau nên cũng ảnh hưởng đến tâm lý quay lại nơi làm việc của người lao động” - nhóm nghiên cứu nêu rõ.
Phải bắt tay nhau
Nhiều đại biểu dự báo do ảnh hưởng của dịch bệnh nên tới đây lực lượng người lao động sẽ bị thu hẹp, kể cả người lao động tại chỗ và nhập cư. Đáng chú ý, tỉ lệ tham gia của lực lượng người lao động từ 15 đến 24 tuổi sẽ giảm do tình trạng thất nghiệp gia tăng. Tỉ lệ tham gia lực lượng lao động nữ giới cũng giảm, phục hồi chậm. Nữ giới, người lao động trung niên, người lao động giản đơn không có chuyên môn kỹ thuật là nhóm người lao động sẽ chịu ảnh hưởng lâu dài bởi dịch bệnh trong thời gian tới.
Vậy làm cách nào để hỗ trợ người lao động cũng như phục hồi thị trường này? Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, đánh giá: Sau khi TP.HCM nới lỏng giãn cách xã hội, thị trường lao động đã trở nên sôi động hơn. Tuy vậy ông thừa nhận: “Thời gian qua dù TP.HCM đã tập trung nhiều nguồn lực để hỗ trợ nhưng một lực lượng người lao động lớn rời TP trở về quê đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn nhân lực cung ứng cho các lĩnh vực, ngành nghề kinh tế sau khi phục hồi hoạt động”.
Trong bối cảnh trên, ông Lâm cho biết TP.HCM đưa ra nhiều giải pháp để phục hồi thị trường lao động. Đơn cử như tập trung theo dõi, quản lý nguồn nhân lực, tạo cơ sở dữ liệu nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động; đào tạo bồi dưỡng kỹ năng nghề nghiệp; hỗ trợ người lao động ngoại tỉnh quay trở lại TP.HCM làm việc để đáp ứng nguồn cầu lao động tại các doanh nghiệp; kết nối, liên kết vùng để điều tiết cung - cầu lao động; hỗ trợ người lao động tự tạo việc làm và hỗ trợ chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người lao động.
Nhiều chuyên gia cũng đề xuất, để thu hút người lao động thì các công ty và cơ quan chức năng cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Ví dụ tạm ứng lương, ký kết hợp đồng lao động; giới thiệu việc làm, hỗ trợ nhà trọ. Cùng đó là thực hiện tốt các chế độ phúc lợi như tạo chỗ ở, tiêm vaccine phòng COVID-19, xét nghiệm; hỗ trợ phương tiện di chuyển, đào tạo kỹ năng phù hợp công việc mới...
Tuy nhiên, các giải pháp nêu trên nếu cắt riêng ra từng địa phương để giải quyết sẽ rất khó thành công. Do vậy, cần có sự liên kết vùng thì mới đẩy nhanh được tiến trình phục hồi việc làm, kinh tế. Bởi chi phí đầu tư và rủi ro của doanh nghiệp bị ảnh hưởng từ chính sách phòng chống dịch. Các chính sách này cũng ảnh hưởng đến đến lao động và việc làm thông qua chi phí phát sinh đối với người lao động (thời gian và tài chính). Vì vậy, doanh nghiệp cần sự ổn định, thống nhất của chính sách phòng chống dịch.•
Đề nghị cho doanh nghiệp chủ động xét nghiệm Nhóm nghiên cứu ĐH Kinh tế TP.HCM nhận xét, không chỉ người lao động bị ảnh hưởng nặng nề mà các công ty cũng gánh thêm nhiều chi phí đội lên rất lớn do ảnh hưởng của đại dịch. Trong đó gồm giá nhập khẩu và chi phí vận chuyển; chi phí sử dụng lao động; chi phí an toàn vệ sinh phòng chống dịch, giãn cách, xét nghiệm đều tăng cao. Đặc biệt khó khăn nhất là việc tuyển dụng và giữ chân người lao động. “Thực tế, có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, tuy nhiên việc tiếp cận thuế, vốn và tín dụng khó khăn. Nhà sản xuất, kinh doanh than phiền nhiều nhất là chi phí xét nghiệm do giá thành cao, nên họ đề nghị cho phép được tự chủ động xét nghiệm cho người lao động nhằm giảm chi phí” - nhóm nghiên cứu nhấn mạnh. |