Chia sẻ tại Hội nghị bất động sản Việt Nam ngày 17/12, ông Huỳnh Phước Nghĩa, chuyên gia tư vấn cấp cao Công ty Tư vấn kinh doanh hội nhập Toàn Cầu (GIBC) cho rằng, những nguyên nhân khiến giá đất sốt nóng vừa qua đến từ các thông tin về nguồn cung, quy hoạch, sự thay đổi của điều kiện hạ tầng.
Nhưng trong năm 2021, các kế hoạch phát triển về hạ tầng, quy hoạch đã được dần công bố. Bởi vậy, sang đến năm sau, vị chuyên gia này cho biết rất khó để xuất hiện những điểm nóng hạ tầng nào có thể tạo ra sốt.
"Năm 2022 chỉ có những tháo gỡ về mặt pháp lý cho các chủ đầu tư. Ngay cả tại TP HCM cũng chỉ ưu tiên một số lĩnh vực trọng yếu", ông Nghĩa nói. Mặt khác, ông cũng cho biết các tín hiệu có thể tạo ra sốt đất như các chỉ số kinh tế vĩ mô, các thương vụ M&A, vốn FDI... cũng không rõ ràng.
"Trong năm sau rất khó có sốt đất kiểu bơm thổi giá", ông lặp lại và nhìn nhận chiến lược giá từ chủ đầu tư và nhà đầu tư cá nhân sẽ ổn định và ít biến động hơn.
Đồng tình với ông Nghĩa, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Trang Batdongsan bổ sung, ở giai đoạn tiếp theo, mặt bằng giá sẽ được điều chỉnh lại phụ thuộc vào tiến độ triển khai công trình.
"Nếu dự án không được thực hiện hay không có thêm thông tin đáng tin cậy, giá sẽ phải điều chỉnh để phù hợp với tiềm năng khu vực. Ngược lại, nếu được đầu tư, thị trường sẽ có thông tin để biết được mặt bằng giá có bền vững hay không, thậm chí, giá cũng sẽ tăng", ông nói.
Do vậy, ông nhận định, giá bất động sản trong năm 2022 sẽ đi vào thực tế hơn, tập trung ở những khu vực với những công trình phát triển bền vững.
Chia sẻ thêm nguyên nhân giá đất tại miền Bắc tăng mạnh trong thời gian qua, ông Quốc Anh cho biết, do dịch bệnh, dòng tiền của các nhà đầu tư vào miền Nam có xu hướng rút ra Bắc.
"Dòng tiền lớn đang quẩn quanh ngoài Bắc, tại Hà Nội và một số tỉnh lân cận. Đấy là lý do mặt bằng giá ở Hà Nội vốn đi ngang trong 5 năm giờ tăng rất mạnh ở cả nhà, đất thổ cư và chung cư", ông Quốc Anh nói. Mặt khác, trong quý I/2021, do khu vực miền Bắc có nhiều thông tin quy hoạch, dẫn đến mặt bằng giá bị đẩy lên cao hơn.
Còn theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, về cơ bản, "sóng" bất động sản sẽ không bao giờ ngừng xô đẩy. Điểm khác nhau chủ yếu nằm ở biên độ của làn sóng này. Năm 2021, theo ông, thị trường hết cơn sốt này đến cơn sốt khác là do nhiều thông tin quy hoạch, thậm chí, còn do một số nhà đầu tư, đầu cơ, cò đất tiếp tay thổi giá.
Tuy nhiên, với việc Chính phủ, các địa phương có kinh nghiệm hơn trong kiểm soát, và có nhiều động thái để siết thị trường, các cơn sốt đất nhiều khả năng nằm trong tầm khống chế.
Mặt khác, ông Lực cũng đánh giá, các nhà đầu tư qua các cuộc sốt đất, đã có nhận thức tốt hơn về những rủi ro khi mất tiền. Đồng thời, thông tin về nhà đất hiện nay đang ngày càng trở nên công khai, minh bạch hơn.
"Có thể vẫn còn sóng giá nhấp nhô nhưng không mạnh và không ghê gớm như vài năm qua", ông Lực nói.
Sau đợt sốt đất diễn ra hồi đầu năm, gần đây, trên thị trường đã xuất hiện nhiều nơi chào giá bất động sản với mức tăng hơn so với ít tháng trước. Đơn cử như tại Vũng Áng (Hà Tĩnh), giá đất nền trong tháng 12 cao gấp đôi tháng 11, đồng thời, ghi nhận hiện tượng nhà đầu tư đổ xô về xem đất.
Lãnh đạo xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) cho biết, nguyên nhân đất Vũng Áng nóng lên là do địa bàn gần đây có nhiều dự án lớn được phê duyệt. Gần nhất là nhà máy sản xuất pin 4.000 tỷ đồng của Vingroup làm lễ khởi công tại xã Kỳ Lợi.
Để ngăn sốt đất xuất hiện trở lại, các địa phương trong các tháng cuối 2021 đã có động thái siết thị trường. Ví dụ Khánh Hoà dừng tiếp nhận giải quyết hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất; Hà Tĩnh chấn chỉnh tình trạng tách thửa, phân lô, bán nền trái phép và tăng cường quản lý đất đai; Quảng Trị thắt chặt điều kiện tham gia đấu giá đất...
Đức Minh