Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cho biết, việc liên kết vùng giữa TP.HCM và 13 tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) là điều quan trọng, nhưng đã nói suốt 20 năm qua.
Tư duy liên kết là mấu chốt
Theo Bộ trưởng, hiện nay chúng ta vẫn đang làm bài toán chia đối với liên kết vùng. ĐBSCL không phát triển có phải chỉ do hạ tầng không? Tôi đã cố gắng tự thuyết phục tôi như vậy, nhưng có lẽ không phải. Tư duy liên kết, tư duy hợp tác mới là mấu chốt.
"Hạ tầng là điều kiện cần, chưa phải là điều kiện đủ. 13 tỉnh thành ĐBSCL là 13 mảnh ghép, mảnh ghép của 20 triệu người, nên mọi việc sẽ luôn khó khăn vất vả. Nhưng nếu xem ĐBSCL là một thực thể kinh tế chứ không phải địa giới hành chính 13 tỉnh thì mọi việc sẽ khác. Đã đến lúc quan tâm nhiều hơn đến thương hiệu vùng và thương hiệu quốc gia”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan trăn trở.
Các doanh nghiệp tham gia giao lưu sản phẩm tại diễn đàn Mekong Connect 2021. Ảnh: Thu Hà
Từ những vấn đề trên, ông Hoan nhấn mạnh cần phải thay đổi tư duy làm liên kết, đó là kết nối những mảnh rời trong xã hội từ chính quyền, doanh nghiệp (DN), thương lái, nông dân…để có chính sách phát triển phù hợp.
“Nói là liên kết nhưng lâu nay chia ra quá nhiều chiến tuyến trong mặt trận nông nghiệp. Nếu vượt qua được sự loay hoay liên kết như lâu nay, sẽ vỡ ra nhiều ý tưởng, tạo hình mẫu mới cho ĐBSCL. Thay vì ngồi lo âu biến đổi khí hậu, hãy tìm cách làm giàu, phát triển trong bối cảnh đó. Đừng để chính sách phát triển được làm trong phòng máy lạnh, nhà nông, nhà sản xuất lại ở ngoài đồng”
Cũng theo Bộ trưởng, DN đóng vai trò quan trọng trong việc liên kết vùng. Đồng thời các địa phương cần bỏ tư duy mạnh ai nấy làm, không nên phát triển từng tỉnh mà phải chuyển sang tư duy liên kết vùng.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cũng nhấn mạnh việc liên kết cùng phát triển giữa TP.HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL là nhu cầu cấp thiết.
Do đó ông Mãi kỳ vọng diễn đàn lần này là cơ hội để TP.HCM và ĐBSCL liên kết chặt chẽ hơn, cùng nhau đưa ra những ý tưởng để xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, phát triển mang tính liên vùng, đẩy mạnh thế mạnh nông nghiệp của vùng để hướng đến tương lai, phục hồi và phát triển kinh tế bền vững.
Thúc đẩy liên kết vùng
Theo ông Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ KH&CN, trong liên kết vùng, đổi mới sáng tạo mở có thể là giải pháp để huy động tối đa nguồn lực.
Ông cho rằng đối với ĐBSCL, trong bối cảnh liên kết với TP.HCM hay liên kết với vùng Đông Nam Bộ, hay với các vùng miền, lãnh thổ khác thì đổi mới sáng tạo mở có thể là giải pháp để uy động tối đa các nguồn lực nhằm pục vụ phát triển kinh tế - xã hội của vùng.
Để tăng liên kết vùng, thời gian tới ĐBSCL cần tập trung thực hiện một số giải pháp phát triển thị trường KH-CN. Cụ thể là ưu tiên đầu tư ngân sách để hình thành sàn giao dịch thiết bị và công nghệ, hạt nhân là ở TP Cần Thơ và TP.HCM.
Thúc đẩy chuyển giao công nghệ từ nước ngoài, công nghệ tiên tiến, sạch, ưu tiên công nghệ từ các nước phát triển vào các lĩnh vực như chuỗi tôm, cá tra, lúa gạo…
Bên cạnh đó, ĐBSCL cần hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp phụ trợ, cơ giới hóa, chế biến sâu trong nông nghiệp.
Còn theo chuyên gia kinh tế Phan Chánh Dưỡng, TP.HCM phát triển mà không có kết nối vùng xung quanh thì không thể bền vững. Do đó để cả khu vực cùng phát triển thì việc phát triển hạ tầng cho ĐBSCL là yêu cầu bức thiết.
"Dịch Covid-19 càng cho thấy logistics có vai trò đặc biệt quan trọng. Yêu cầu đặt ra là chống dịch nhưng phải bảo đảm logistics giữa các địa phương" - ông Dưỡng nêu quan điểm.