Các binh sĩ Nga thao tập ở vùng Rostov, phía tây nam nước Nga, vào ngày 14-12 - Ảnh: REUTERS
Những yêu cầu của Nga với NATO là hoàn toàn không thể chấp nhận! Việc thực hiện bất kỳ biện pháp nào do Liên bang Nga đưa ra sẽ là thảm họa đối với an ninh châu Âu.
Bộ trưởng Quốc phòng Estonia, ông Kalle Laanet, tuyên bố ngày 17-12
Ngày 17-12, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov lần đầu tiên công bố các yêu cầu trong dự thảo hiệp ước của Matxcơva giữa lúc tình hình ở biên giới Nga - Ukraine nóng hơn khi hai bên cáo buộc nhau huy động lực lượng và vũ khí. Giới phân tích, và có lẽ cả Nga, không bất ngờ với phản ứng của Mỹ và NATO trước các yêu sách an ninh của Nga.
"An ninh bình đẳng"
Hiệp ước do Nga soạn thảo nêu rõ yêu cầu NATO phải cam kết "kiềm chế, không mở rộng về phía đông, bao gồm không kết nạp Ukraine và thêm các nước khác". Theo Hãng tin Reuters, các điều kiện được Nga nêu ra nhằm loại bỏ vũ khí hạt nhân của Mỹ khỏi châu Âu, rút các tiểu đoàn NATO khỏi Ba Lan và các quốc gia Baltic như Estonia, Latvia và Lithuania từng thuộc Liên Xô cũ.
Cụ thể, Nga yêu cầu NATO không được triển khai binh lính hoặc vũ khí tới bất cứ quốc gia nào gia nhập NATO sau năm 1997, tức toàn bộ quốc gia ở phía đông của liên minh quân sự này, mà không có sự đồng ý của Matxcơva. NATO cũng không được tiến hành các hoạt động quân sự ở Ukraine, Đông Âu, vùng Nam Caucasus và Trung Á.
Ngoài ra, Matxcơva và NATO phải hạn chế triển khai tên lửa tầm trung và tầm ngắn, lập đường dây nóng, ngăn sự cố ở Biển Đen và Baltic. Cuối cùng, dự thảo kêu gọi hủy bỏ quyết định năm 2008 của NATO về kết nạp Ukraine và Gruzia.
Trong bài viết về dự thảo hiệp ước, Hãng tin Tass cho rằng nó vạch ra những nguyên tắc về an ninh bình đẳng giữa hai bên và tránh đe dọa lẫn nhau. Trong khi đó, Thứ trưởng Ryabkov bày tỏ Nga sẵn sàng đàm phán với Mỹ ngay lập tức.
"Chúng tôi đã sẵn sàng ngay lập tức, ngay ngày mai, theo đúng nghĩa đen là thứ bảy 18-12. Chúng tôi sẵn sàng đàm phán với Mỹ ở nước thứ ba", ông Ryabkov nói khi đề nghị chọn Geneva (Thụy Sĩ) làm điểm họp. Tuy nhiên, Nga cũng cảnh báo phương Tây có thể đối mặt với "phản ứng quân sự" tương tự như cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba 1962 nếu phớt lờ lợi ích của Matxcơva.
"Không thể chấp nhận"
Không bất ngờ khi ngay lập tức Mỹ và NATO lên tiếng bác các yêu sách của Nga, cho đó là "không thể chấp nhận". Các quan chức NATO cho biết sẽ đưa quân đến các nước giáp Ukraine, như Ba Lan hay các nước vùng Baltic, nếu Nga động binh với Kiev.
Về phía Mỹ, Nhà Trắng tỏ ra chừng mực khi cho biết Washington sẵn sàng đối thoại với Matxcơva cùng các đồng minh châu Âu, dù một số quan chức Mỹ cũng đã cảnh báo Nga sẽ "trả giá đắt". Dù ông Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, từ chối trả lời về việc cung cấp vũ khí cho Kiev, nhưng báo Wall Street Journal tiết lộ Washington đang cân nhắc chuyển số vũ khí trước đây từng đưa tới Afghanistan cho Ukraine. Chính quyền ông Biden đã nói sẽ không điều quân tới Ukraine nhưng cũng đã tham gia huấn luyện và hỗ trợ 2,5 tỉ USD cho quân đội nước này.
Việc Nga công khai dự thảo hiệp ước "cho thấy Matxcơva đã biết sẽ không được phương Tây chấp nhận" - ông Dmitri Trenin, lãnh đạo tổ chức Carnegie Moscow Center, bình luận. Theo chuyên gia này, bản dự thảo đã hệ thống hóa các yêu cầu mà Nga đưa ra trong vài tuần qua, bao gồm cả trong cuộc điện đàm giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden.
Tuy nhiên, động thái của ông Putin một lần nữa khiến giới phân tích phải suy đoán về mục đích. Một số ý kiến cho rằng bản dự thảo cho thấy sự tự tin của Matxcơva rằng phương Tây sẽ không dám phản ứng mạnh.
Nhưng số khác lại cho rằng Nga đang để ngỏ khả năng nhượng bộ khi đàm phán bí mật. "Tất cả các bên đang khởi động và chưa rõ chuyện này sẽ kết thúc thế nào. Toàn bộ tình huống này rất mơ hồ" - ông Samuel Greene, chuyên gia về chính trị Nga của Trường King’s College (Anh), nhận định với báo New York Times.
Ngày 17-12, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố cấm 7 công dân Anh nhập cảnh để trả đũa biện pháp trừng phạt trước đó của London với 7 công dân Nga. Những người này bị cáo buộc có liên quan đến các hoạt động chống phá Nga. "Bất cứ hành động không thiện chí nào cũng sẽ bị đáp trả tương xứng", Matxcơva nhấn mạnh. Trước đó vào tháng 8, Anh và Mỹ đã trừng phạt 7 cá nhân bị buộc tội làm đặc vụ tình báo cho Nga và có liên quan tới vụ việc một nhân vật đối lập bị trúng độc năm ngoái.
TTO - Ngày 16-12, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg bác bỏ lời kêu gọi của Nga về việc không cho Ukraine gia nhập liên minh này trong tương lai, đồng thời chỉ trích việc Nga củng cố lực lượng là 'khiêu khích'.
Xem thêm: mth.16470053281211202-otan-iov-iab-agn-agn/nv.ertiout